TÔN GIẢ KIỀU TRẦN NHƯ THỈNH CẦU XUẤT GIA

Atha kho āyasmā aññāsikoṇḍañño diṭṭhadhammo pattadhammo viditadhammo pariyogāḷhadhammo tiṇṇavicikiccho vigatakathaṃkatho vesārajjappatto aparappaccayo satthusāsane bhagavantaṃetadavoca – ‘‘ labheyyāhaṃ, bhante, bhagavato santike pabbajjaṃ, labheyyaṃ upasampada ’’ nti.

(Sau khi Đức Thế Tôn nói lên lời cảm hứng như vậy, Tôn-giả Kiều Trần Như đã thỉnh cầu bằng những lời sau: “Bạch Ngài, (Bhante), xin ngài cho phép con được xuất gia (pabbajjaṃ: xuất gia sa-di) trong sự hiện diện của Đức Phật; cho phép con được nhập vào Tăng Đoàn của Đức Phật (trở thành một vị Tỳ-kheo, upasampadaṃ)”

KHÔNG DỄ TỪ BỎ TÍN NGƯỠNG TRUYỀN THỐNG CỦA MÌNH

Tôn-giả Kiều Trần Như trước đây đi theo tín ngưỡng khác. Để từ bỏ tín ngưỡng cũ của mình và mong muốn được nhận vào Tăng Đoàn của Đức Phật là việc khó có thể xảy ra đối với người chỉ có đức tin bình thường. Thời nay cũng vậy, việc những người theo tín ngưỡng khác gia nhập Tăng Đoàn của Đức Phật sau khi chấp nhận Phật Giáo là chuyện không phải dễ. Nói gì đến việc đắp y, đối với một số người, ngay cả xin quy y Tam Bảo và thọ trì ngũ giới với mục đích hành thiền cũng đã là một công việc khó khăn rồi.

Ngoài Tôn-giả Kiều Trần Như ra, bốn vị còn lại trong nhóm có vẻ như còn chưa dứt khoát trong việc xin phép nhập vào Tăng Đoàn của Đức Phật. Vậy thì tại sao Tôn-giả Kiều Trần lại làm điều ấy? Câu trả lời là Tôn-giả Kiều Trần Như đã có đầy đủ những đức và phẩm chất mà kinh mô tả bằng những biệt danh như bậc Kiến Pháp (Diṭṭhadhammo)…

Thế nào là bậc Kiến Pháp (thấy pháp), khi thấy diệt đế (nirodha saccā) là Tôn-giả đã chứng đắc Niết-bàn. Rồi sau khi đã thấy sự tịch tịnh của Niết-bàn, ngài thấy trạng thái sanh và diệt không ngừng của danh sắc hữu vi như là khổ. Ngài cũng nhận ra rằng tham ái vốn thích thú trong (danh sắc ấy) là nhân sanh đích thực của khổ. Đồng thời ngài hiểu ra rằng đạo đế, gồm chánh kiến, chánh tư duy,…là chánh đạo sẽ đưa đến sự tịch tịnh của Niết-bàn. Tự mình chứng ngộ tứ thánh đế như vậy, niềm tin vững chắc khởi lên nơi ngài rằng Đức Phật cũng đã chứng ngộ tứ thánh đế. Sự tin tưởng như vậy được gọi là đức tin do trí sanh (aveccappasāda ñāṇa). Nó cũng giống như niềm tin của một bệnh nhân đặt nơi người thầy thuốc mà cách điều trị của ông đã chữa lành chứng bệnh của họ một cách hiệu quả. Như vậy vì đã thấy tứ thánh đế chính xác như Đức Phật giảng dạy, Tôn-giả Kiều Trần Như được gọi là bậc Kiến Pháp, và cầu xin xuất gia.

Để chắc chắn Kiến pháp (diṭṭhadhammo) có nghĩa là thấy với nhãn trí chứ không phải với nhục nhãn, nó được phẩm định bằng từ đã Đắc Pháp (Pattadhammo,已得法)—sau khi đã đến, đã đạt đến; rồi để thể hiện ý đạt đến bằng trí chứ không phải bằng bất cứ phương tiện nào khác nó lại được phẩm định bằng từ đã Hiểu Rõ Pháp (viditadhammo已知法, dĩ tri pháp). Và để bảo đảm rằng trí ấy không chỉ là một phần, một mảnh mà là toàn diện, từ phẩm định Đã Thâm Nhập Pháp (pariyogāḷhadhammo已深入法) được đề cập với nghĩa đã đi sâu vào, đã chọc thủng vào, nghĩa là vị ấy đã thể nhập hoàn toàn vào mọi phương diện của pháp. Tất cả những từ này phản ánh tính chất phong phú của từ vựng Pāḷi những ngày ấy.

Thấy và biết tứ thánh đế bằng chính trí của mình là điều rất quan trọng. Chưa thực sự thấy chân lý, chỉ tuyên xưng đức tin của người Phật tử sẽ không loại trừ được những hoài nghi về Phật, Pháp, Tăng. Những hoài nghi về Tam Bảo có thể xuất hiện dưới một vài trường hợp. Hoài nghi cũng có thể khởi lên đối với việc hành giới, định, và tuệ mà một người đang theo đuổi. Nhờ tự minh biết được những gì cần phải biết, chúng ta có thể thoát khỏi những hoài nghi đến một mức độ nào đó.

Một vị hành giả đang thực hành việc ghi nhận mọi trường hợp thấy, nghe, hay biết,…khi định lực tăng trưởng, sẽ biết đối tượng mình quan sát một cách rõ ràng, đó là biết sắc (rūpa) tách biệt với danh (nāma) hay tâm hay biết. Rồi, nhờ kinh nghiệm tự thân, vị ấy biết rằng cái thấy xảy ra là do có đối tượng và con mắt; có hành động đi là do có ước muốn đi. Do không ghi nhận đối tượng, vị ấy nhận lầm nó là lạc; nghĩ nó là lạc, vị ấy thích thú trong đó. Do thích thú, vị ấy kháo khát muốn có được nó. Để thoả mãn những đòi hỏi của tâm tham, vị ấy vận dụng những hành động thích hợp. Tất cả những diễn biến này trở thành trí hiểu biết bằng kinh nghiệm cá nhân của vị ấy. Vị ấy cũng biết mình phải đương đầu với những khó khăn và những tình huống xấu do nghiệp bất thiện của mình; hoặc được hưởng những điều tốt đẹp là do thiện nghiệp của mình. Khi trí hiểu biết của vị ấy tăng trưởng tới mức này, vị ấy có thể thoát khỏi những hoài nghi không biết rằng có linh hồn hay một thực thể sống hay không.

Khi tiếp tục thực hành, vị ấy nhận thức được đối tượng danh sắc sanh và diệt ngay cả khi vị ấy đang quan sát chúng. Rồi sau đó, khi đang tiếp tục với công việc ghi nhận vị ấy trở nên tin chắc về bản chất vô thường, khổ và vô ngã của chúng. Sự nhận thức đặc biệt này củng cố cho niềm tin của vị ấy, rằng “Đức Phật, người thuyết bài Pháp này, chắc chắn đã tự mình chứng ngộ chân lý, những lời dạy của ngài (Pháp) là chơn chánh và Tăng, những người đang thực hành theo những lời dạy của ngài, là Tăng đích thực đang thực hành đúng chánh đạo.”

Rồi đến một giai đoạn khi tất cả danh và sắc hữu vi tan biến vào một trạng thái diệt hoàn toàn. Đây là sự chứng ngộ của tự thân về trạng thái tịch tịnh của Niết Bàn, hay nói cách khác là diệt đế (nirodha saccā). Đồng thời, ba đế còn lại cũng được chứng ngộ nhờ đã hoàn tất công việc tuệ tri khổ, đoạn trừ tập, và tu tập đạo trong tự thân. Biết tứ đế, đúng như chúng phải được biết, niềm tin của vị ấy vào Phật, Pháp, Tăng trở nên bất động nhờ đã ăn rễ vững chắc. Niềm tin trong việc thực hành giới, định, và tuệ của vị ấy cũng được thiết lập vững chắc. Với niềm tin đã ăn rễ vững chắc này, vị ấy vượt qua mọi hoài nghi (vicikicchā). Tôn Giả Kiều Trần Như đã tự mình thấy tứ đế và như vậy đã bỏ lại mọi hoài nghi, do dự lại phía sau, vượt qua hoài nghi (tiṇṇavicikiccho 已超越 疑, 度疑, siêu việt hoài nghi, độ nghi). Cũng vì lý do này ngài đã tỉnh cầu Đức Phật cho phép xuất gia. Khi ngài thoát khỏi hoài nghi, ngài cũng thoát khỏi tình trạng do dự, phân vân, thiếu quả quyết, ở đây từ vigatakathaṃkatho là đồng nghĩa với tiṇṇavicikiccho – Vị ấy cũng thỉnh cầu xuất gia vì lý do này.

Hơn nữa vị ấy thỉnh cầu Đức Phật vì vị ấy đã có được sự can đảm của niềm tin trong pháp, vesārajjapatto, 無所畏, 自信, vô sở uý, tự tin), một sự can đảm phát sanh do trí hiểu biết về chân lý, và cũng bởi vì vị ấy đã trở nên độc lập hoàn toàn với những người khác hay không dựa vào người khác (aparappaccayo, 不縁(其)他的, bất duyên (kỳ) tha đích), nghĩa là về vấn đề giáo pháp của bậc đạo sư vị ấy đã có được sự hiểu biết bằng chính kinh nghiệm tự thân.

Hầu hết đức tin của những người theo các tín ngưỡng khác trong thế gian này đều dựa vào người khác chứ họ không tự biết về chúng. Có số thờ cúng các vị chư thiên ở cội cây, hay chư thiên ở rừng, núi là do tập tục cha truyền con nối, chứ chẳng ai thấy hay gặp các vị chư thiên ấy. Có số thờ cúng vị thiên vương, vua của các vị chư thiên, phạm thiên, hay các thiên thần trên cõi trời. Không ai có sự hiểu biết cá nhân về những đối tượng thờ cúng này. Họ sẵn sàng tin những gì cha mẹ hay thầy tổ,… của họ bảo họ tin. Trong số những người tín ngưỡng theo Phật Giáo cũng vậy, trước khi chứng những gì cần chứng, đức tin của họ hoàn toàn dựa vào những vị lớn tuổi, cha mẹ, và thầy tổ. Khi, nhờ tinh tấn thực hành thiền định và thiền minh sát họ có được trí hiểu biết của chính mình, sự tự tin mới phát triển đến một mức nào đó. Và khi đạt đến giai đoạn chứng thiền, và đạo quả, họ có được sự hiểu biết cá nhân về những chứng đắc ấy, lúc đó đức tin của họ không còn dựa vào người khác nữa.

 

 

Các bài viết trong sách

Trả lời

Từ điển
Youtube
Live Stream
Tải app