NĂM THỦ UẨN VÀO LÚC XÚC CHẠM

Xúc giác bao hàm một phạm vi rộng lớn. Khắp toàn thân của một người, bất kỳ chỗ nào thịt và máu còn trong điều kiện tốt, sắc thần kinh thân (kāyapasāda rūpa) hay bề mặt cảm giác, làm phát sanh xúc giác, có mặt. Cả ở trong thân: trong thịt, trong máu, trong các cơ bắp, trong xương lẫn ở ngoài thân: trên da, yếu tố nhạy cảm này lan truyền không chừa một điểm nhỏ nào.

Chỗ nào yếu tố nhạy cảm này có mặt, xúc giác có thể cảm giác. Vào lúc xúc chạm, yếu tố nhạy cảm vốn có khả năng nắm bắt thân xúc, nổi bật. Nó hiển hiện như một chỗ va chạm chứ không phải như bất kỳ một hình dạng hay hình thù nào. Cũng vậy, những phần nhạy của tai, mũi, và lưỡi cũng trở nên rõ rệt như những chỗ xúc chạm ở đây khả năng phán đoán về sự nghe, ngửi và nếm được phát triển

Vào lúc va chạm thân xúc cũng nổi bật, nó có thể là một trong ba yếu tố (của tứ đại): đất (pathavī), lửa (tejo), gió (vāyo). Sự cứng, thô, mịn, và mềm mà một người cảm nhận là địa đại (pathavī); cảm giác nóng, hay ấm hoặc lạnh là hoả đại (tejo); sự đơ cứng, sức ép, hay chuyển động là phong đại (vāyo). Những cảm giác xúc chạm như vậy có thể phát sanh như hệ quả của sự ma-xát giữa những đại chủng khác nhau trong thân; hay do sự tiếp xúc với quần áo, giường chiếu, chỗ ngồi, đất, nước, lửa, gió hay sức nóng của mặt trời, bên ngoài thân. Những va chạm như vậy tạo ra những xúc giác rất sinh động. Thức biết sự xúc chạm (hay thân thức) bao gồm thọ lạc hay thọ khổ; nhận thức hay tưởng về sự va chạm, sự vận dụng ý chí và hướng tâm để hoàn tất hành động xúc chạm và chỉ biết rằng một sự xúc chạm đã được thiết lập. Trong sự xúc chạm này thọ lạc hay thọ khổ đặc biệt sinh động. Cái đau ở thân là thọ khổ (dukkhavedanā) phát sanh do sự xúc chạm không vừa ý.

Vào lúc xúc chạm, nếu không chánh niệm để thấy thực tại đúng như thực, sẽ dẫn đến tình trạng chấp thủ vào những đối tượng nổi bật vào lúc ấy như Tôi, của tôi. Vì lý do đó, chỗ xúc chạm, bề mặt cảm giác (yếu tố nhạy cảm hay thân tịnh sắc), cảm giác của sự xúc chạm (thọ) và biết rằng một sự xúc chạm đã xảy ra, gọi là thủ uẩn (upādānakkhandhā).

Tóm lại:

  1. Vào lúc xúc chạm, bề mặt cảm giác và sự va chạm của xúc là Sắc Thủ Uẩn (rūpa uppādānakkhandhā).
  2. Thọ lạc hay thọ khổ của xúc là Thọ Thủ Uẩn (vedanā upādānakkhandhā).
  3. Nhận thức hay ghi nhớ xúc là Tưởng Thủ Uẩn (saññā upādānakkhandhā).
  4. Vận dụng ý chí và xoay sự chú ý để hoàn tất hành động xúc chạm là Hành Thủ Uẩn (saṅkhāra upādānakkhandhā).
  5. Chỉ biết rằng một xúc đã xảy ra là Thức Thủ Uẩn (viññāṇa pādānakkhandhā)

Pháp hành ghi nhận các oai nghi như đi, đứng, nằm, ngồi, co, duỗi, cử động, phồng và xẹp, v.v… được thực hiện là để có sự hay biết về các Thủ Uẩn này. Khi ghi nhận các oai nghi hay tư thế của thân, đặc biệt là phong đại (vāyo), yếu tố dễ nhận ra nhất, khiến cho có sự đơ cứng, sức ép và cử động, được thấy đúng như thực, chỉ là một loại sắc (rūpa) không có bất kỳ năng lực nhận thức nào. Tâm hay biết ghi nhận các oai nghi này cũng phải được thấy đúng như thực, chỉ là danh (nāma) nhận thức một đối tượng. Như vậy, mỗi lúc ghi nhận, luôn luôn chỉ có một cặp: sắc (rūpa), đối tượng được ghi nhận, và danh (nāma) tâm ghi nhận. Sau khi nhận thức được sự kiện này một cách chính xác và rõ ràng, trí hiểu biết về nhân và quả sẽ phát sanh. Có oai nghi ‘đi’ bởi vì có ước muốn đi. Lúc đó hành giả hiểu được một cách rõ ràng rằng sắc (rūpa), đối tượng ghi nhận và danh (nāma), tâm hay biết, sanh và diệt, sanh và diệt không ngừng ở từng sát-na ghi nhận, và hành giả cũng nhận thức rõ được những hiện tượng này vô thường, khổ,…và xảy ra theo tính chất tự nhiên của chúng và do đó là vô ngã (anatta). Chính do sự nhận thức rõ ràng này mà hành giả không còn chấp thủ vào đi, đứng, nằm, ngồi,… như Tôi và của tôi nữa vậy.

Đây là cách chấp thủ bị cắt đứt đúng theo lời dạy của Đức Phật trong Kinh Đại Niệm Xứ: “Không còn chấp thủ vào bất cứ điều gì trên thế gian, đó là, thế gian của thân hay năm uẩn”. Như vậy, để được giải thoát khỏi sự chấp thủ, chánh niệm trên thân, thọ, tâm và pháp phải được tu tập.

Những cảm giác đau như tê cứng, cảm giác nóng, đau, ngứa ngáy,… hiển hiện rõ ở vùng va chạm. Không ghi nhận cảm giác đau khi nó xảy ra để thấy đúng bản chất thực của nó sẽ dẫn đến những chấp thủ: Tôi cảm thấy tê cứng, Tôi cảm thấy nóng, Tôi cảm thấy đau, Tôi cảm thấy thế này thế nọ, v.v… Chính để tránh những chấp thủ này mà việc ghi nhận với chánh niệm cảm giác đau phải được thực hiện để hiểu rõ bản chất thực của nó.Việc quan sát một cách xít xao và liên tục những cảm giác đau sẽ bộc lộ rõ cho thấy những cảm thọ khổ này cứ nối tiếp nhau xuất hiện mới lại không ngừng trong thân. Người hành thiền lúc đó tin chắc rằng những cảm thọ khổ ấy đi vào hiện hữu chỉ trong một sát-na và rồi diệt, do đó chúng có bản chất vô thường, và (hành giả) không còn chấp thủ nó như Tôi, của tôi, hay thường, lạc… nữa.

 

 

Các bài viết trong sách

Trả lời

Từ điển
Youtube
Live Stream
Tải app