NĂM THỦ UẨN VÀO LÚC SUY NGHĨ

Những hoạt động của tâm như suy nghĩ, tưởng tượng có phạm vi rất rộng và thường xuyên xảy ra. Trong lúc thức, tâm hầu như hoạt động không ngừng. Ngay cả khi không có những đối tượng khả lạc và khả ái chung quanh, trí tưởng tượng vẫn làm cho chúng xuất hiện như thể đang thực sự hiện hữu. Năm triền cái, tham dục, sân hận, hôn trầm&thuỵ miên, trạo cử & hối quá, và nghi có liên quan đến những hoạt động của tâm hay tâm hành này. Những tư duy hay suy tưởng về tham dục (kāma vitakka, dục tầm), sân hận (vyāpada vitakka, sân tầm) và não hại (vihimsa vitakka, hại tầm) cũng thế. Trừ phi những hoạt động của tâm này được ghi nhận một cách chánh niệm, bằng không chúng có thể bị đồng nhất như là Tự Ngã (atta), một thực thể sống. Vì vậy, việc ghi nhận từng hoạt động của tâm khi nó xảy ra rất quan trọng.

Nếu phân tích kỹ, những hoạt động của tâm cũng là Năm Thủ Uẩn (upādānakkhandhā). Suy nghĩ có thể được kèm theo bởi thọ hỷ (somanassa) hay thọ ưu (domanassa); hay suy nghĩ có thể phát sanh cùng với thọ xả (upekkhā vedanā). Nếu không có chánh niệm ghi nhận ba loại thọ này khi chúng phát sinh, chúng có thể bị chấp thủ như “Tôi cảm thấy vui, Tôi cảm thấy khoẻ, Tôi cảm thấy khốn khổ, Tôi cảm thấy thế này, thế nọ…”. Do chúng có thể gây ra những chấp thủ như thế, ba loại thọ này được gọi là Thọ Thủ Uẩn (vedanā-upādānakkhandhā).

Kế tiếp, saññā hay Tưởng cũng rõ rệt, nó nhận ra đối tượng mà tâm đang chăm chú vào. Tưởng đặc biệt rõ rệt khi đang cố gắng nhớ những sự kiện để nói hay khi đang tính toán hoặc kiểm tra tài khoản. Liên quan đến Tưởng này, những khái niệm sai lầm có thể phát sanh như: “Tôi nhớ, Tôi có sự ghi nhớ tốt”. Chính vì nó có thể làm phát sanh chấp thủ, nên nó được gọi là Tưởng Thủ Uẩn (saññā-upādānakkhandhā).

Vào lúc suy nghĩ hay vận dụng trí tưởng tượng, có Xúc (phassa); Tầm (vitakka): sự khuynh hướng tâm về đối tượng; Tác Ý (manasikāra): gắn chặt sự chú ý trên đối tượng; Tư (cetanā): xúi giục và thúc đẩy, “Sẽ làm theo cách này, sẽ làm theo cách nọ”. Vai trò của Cetanā (tư) đặc biệt rõ nét khi, chẳng hạn, một vấn đề quan trọng tình cờ xuất hiện trong tâm vào lúc nửa đêm và nó không thể kéo dài thêm được nữa. Lực thôi thúc của Cetanā (tư): “Hãy đi ngay bây giờ để nói cho hắn biết” rất nổi bật. Những ý nghĩ bất thiện có tham, sân, si, đi kèm trong khi những ý nghĩ thiện thì vô tham, vô sân, vô si, tín, niệm,… kèm theo, được phân biệt một cách rõ ràng.

Những tâm sở Xúc, Tư và Tác ý là những tác nhân kích động trách nhiệm cho sự sanh khởi của những tư duy (ý tưởng, sự tưởng tượng, khái niệm) tuần tự nối tiếp theo nhau. Chúng cũng đứng đằng sau mọi hoạt động nói năng và chuyển động của thân như đi, đứng, ngồi, nằm, co, duỗi… Nói chung, sự kích động, thôi thúc, thúc đẩy liên quan đến những hoạt đông của thân, khẩu, và ý là Hành (saṇkhāra), yếu tố tạo điều kiện cho một hành động bằng cách nhắc bảo, xui khiến, hay trực tiếp,… Vai trò tạo điều kiện hay làm duyên của Hành (saṇkhāra) này có thể dẫn đến tình trạng bị đồng nhất như một người, một thực thể sống và bám chặt vào đó như là Tôi. Những ý niệm “Tôi nghĩ”, “Tôi nói”, “Tôi đi”, “Tôi làm” là sự chấp thủ sai lầm vào yếu tố Hành (saṇkhāra) này. Và một sự chấp thủ như vậy được gọi là chấp thủ vào Ngã Sở Tác (Kāraka atta-我所作), tức chấp có người làm hành động. Do đó, các Hành: Xúc, Tư, Tác Ý,… được gọi là Hành Thủ Uẩn (Saṇkhāra-Upādānakkhandhā).

Kế tiếp, vào lúc suy nghĩ, hiển nhiên cũng có thức hay biết hành động suy nghĩ. Người Miến xem thức cùng với các tâm sở chỉ là Tâm (citta). Thức (hay biết) hành động suy nghĩ này rất thường bị quan niệm như Linh Hồn, Tự Ngã (atta) vì lý do đó nó cũng được gọi là Thức Thủ Uẩn (viññāṇa upādānakkhandhā).

Ngoài ra, vào lúc suy nghĩ, sắc thân vốn cung cấp căn cứ cho tư duy cũng rõ rệt đến nỗi người không am tường cũng tin rằng chính sắc thân này suy nghĩ. Vì lý do đó, sắc thân vốn cung cấp căn cứ cho tư duy được gọi là Sắc Thủ Uẩn (rūpa upādānakkhandhā).

Đối tượng của tư duy có thể là sắc (rūpa), danh (nāma), hoặc chế định (paññatti), tên gọi, khái niệm (quan niệm). Chúng cũng là những đối tượng bị chấp thủ. Cảnh sắc thuộc về Sắc Thủ Uẩn (rūpa upādānakkhandhā). Cảnh danh được sắp dưới bốn loại Danh Thủ Uẩn (nāma upādānakkhandhā). Chế định (paññatti) có thể được bao gồm trong sắc thủ uẩn hay danh thủ uẩn nào nó tương ứng. Chẳng hạn, trong “Yaṃ picchaṃ na labhati” “tampi dukkham” “Không được những gì mình muốn là khổ”, thì “không được những gì mình muốn” không phải là sắc cũng không phải là danh; mà chỉ là chế định (paññatti). Chú thích trong bộ Chú Giải Mūla Tikā về điểm này nói rằng mong muốn đối với cái không thể đạt được phải được xem là khổ (dukkha).

Chúng tôi đã phân tích kỹ về năm thủ uẩn hiển hiện rõ ràng vào lúc suy nghĩ.

Để tóm lại:

  1. Sắc thân tạo thành căn cứ cho tư duy vào lúc suy nghĩ là Sắc Thủ Uẩn (rūpa upādānakkhandhā).
  2. Thọ lạc hoặc thọ khổ có mặt vào lúc tư duy là Thọ Thủ Uẩn (vedanā-upādānakkhandhā).
  3. Nhận ra hay nhớ lại đối tượng của tư duy là Tưởng Thủ Uẩn (saññā-upādānakkhandhā).
  4. Tâm hành thôi thúc và sự khuynh hướng để hoàn tất hành động suy nghĩ là Hành Thủ Uẩn (Saṇkhāra-Upādānakkhandhā).
  5. Chỉ hay biết về sự suy nghĩ là Thức Thủ Uẩn (viññāṇa upādānakkhandhā).

Điều quan trọng là phải nhận ra bản chất thực của tư duy bằng cách chánh niệm về nó mỗi lần suy nghĩ khởi lên. Không ghi nhận nó với chánh niệm, và như vậy cũng không nhận ra bản chất thực của nó sẽ dẫn đến sự chấp thủ vào tư duy như Tôi (tư duy), (tư duy ấy) là của tôi, hay thường, lạc, tịnh,… Phần lớn con người ngày nay hầu như luôn luôn dính mắc vào những pháp trần (đối tượng của tâm) này. Những chấp thủ như vậy sẽ làm phát sanh những tiến trình tích cực của hữu (trở thành hay tái sanh), hợp với câu “Thủ Duyên Hữu” (upādānapaccayo bhava) của Pháp Duyên Sanh. Và trong mọi trạng thái hiện hữu mới, chờ đợi là già, bệnh, chết và sầu, bi, khổ, ưu, và não.

Tuy nhiên, nếu chánh niệm được phát triển trên mỗi sự sanh khởi của tư duy, bản chất vô thường, khổ và vô ngã thực sự của nó sẽ hiển hiện rõ ràng. Và sau khi đã biết được bản chất thực của nó, sự chấp thủ sẽ không phát sanh; chấp thủ không sanh, tiến trình tích cực của hiện hữu mới hay tái sanh sẽ không xảy ra. Khi không có hiện hữu mới, khối khổ tiêu biểu bằng già, bệnh, chết, sầu, bi, khổ, ưu, não sẽ được đoạn trừ. Tất nhiên, sự diệt của khổ như kết quả của chánh niệm trên mỗi tư duy khi nó sanh khởi này chỉ là sự diệt tạm thời. Nhưng nếu cứ liên tục thực hành chánh niệm và có được sự diệt tạm thời trên mỗi sát-na ghi nhận, thì vào lúc Thánh Đạo phát sanh, khối khổ ấy sẽ được đoạn trừ hoàn toàn. Vì vậy, trong lúc bận rộn với bài tập ghi nhận sự phồng, xẹp, ngồi, đụng, nếu bất kỳ tư duy hay ý tưởng nào xen vào, nó phải được ghi nhận như: “suy nghĩ, suy nghĩ” hay “ý tưởng, ý tưởng,”…

Những phân tích chi tiết mà chúng tôi vừa trình bày ở trên sẽ chứng minh một cách rõ ràng rằng những gì nổi bật vào lúc thấy, nghe, ngửi, nếm, xúc chạm và suy nghĩ chỉ là năm thủ uẩn. Đối với hàng phàm phu không thực hành bài tập chánh niệm này, vào lúc thấy, chủ thể thấy hiển nhiên là con người thực tế này và đối tượng bên ngoài của sự thấy hiển nhiên cũng là đàn ông, đàn bà, một con người… Với hiện tượng nghe, ngửi, nếm… cũng cần hiểu theo cách tương tự như vậy. Tuy nhiên, trong thực tế, chỉ có năm thủ uẩn chứ không có một thực thể hay một con người nào. Không có gì hiện hữu ở sáu khoảnh khắc thấy, nghe, ngửi, nếm, xúc chạm, và suy nghĩ ngoại trừ tự thân chúng. Chúng chỉ trở nên hiển hiện ở sáu khoảnh khắc này và những gì hiển hiện lúc đó chỉ là năm thủ uẩn.

 

 

Các bài viết trong sách

Trả lời

Từ điển
Youtube
Live Stream
Tải app