ĐỨC BỒ TÁT HẠNH KHỔ HẠNH TRONG RỪNG URUVELA

Sau khi rời trung tâm, Đức Bồ-tát đi lang thang khắp vùng đất Magada, tìm kiếm đạo An Tịnh vô song, Niết-bàn Bất Tử cho mình. Trên bước đường lang thang ấy ngài đã đến khu rừng Uruvela (Ưu-lâu-tần-loa) gần ngôi làng Senanigamā rộng lớn. Trong khu rừng này ngài thấy nước trong mát đang chảy thật bình yên trong con sông Nerañjarā. Nhận ra đây là một địa điểm khả ái có cánh rừng rậm thanh bình, một dòng suối chảy trong vắt, với một ngôi làng kế bên thuận tiện cho việc đi khất thực, ý nghĩ này khởi lên nơi ngài: “Đây thực sự là một nơi thích hợp cho người có ý định tinh tấn (tu tập)” và ngài đã ở lại trong khu rừng ấy.

Lúc đó đức Bồ-tát vẫn chưa vạch ra được một hệ thống chính xác cho sự nỗ lực chân chánh của mình. Dĩ nhiên, những pháp khổ hạnh đã được biết đến một cách rộng rãi và đang thịnh hành ở khắp xứ Ấn-Độ lúc bấy giờ. Liên quan đến pháp khổ hạnh này ba ảnh dụ đã xuất hiện trong tâm của đức Bồ-tát.

BA ẢNH DỤ

Một khúc cây mới vừa cắt xuống từ một cây sung, còn nhựa sống và ngâm trong nước đem cọ xát với một khúc cây ướt còn nhựa sống tương tự như vậy, hay với một khúc cây tươi nào khác, sẽ không thể tạo ra lửa. Cũng vậy, trong khi vẫn còn bị rối ren với các đối tượng của dục tham như vợ con và gia đình, trong khi vẫn vui thú trong các dục lạc và dục vọng vẫn chưa lắng xuống trong một người, dù người ấy có ra sức phấn đấu nhiều bao nhiêu, người ấy cũng không thể đạt đến trí tuệ, tuệ giác và sự liễu ngộ vô song. Đây là ảnh dụ thứ nhất xuất hiện trong tâm Đức Bồ-tát.

Cho dù khúc cây sung ấy không bị ngâm trong nước nhưng vẫn còn xanh và còn nhựa sống, mới được cắt xuống từ trên cây thì có đem cọ xát nó cũng sẽ không tạo ra lửa. Cũng vậy, cho dù người ấy đã từ bỏ những đối tượng của dục tham như vợ con và gia đình và những đối tượng này không còn gần gũi người ấy nữa, nhưng nếu người ấy vẫn thích thú trong những ý nghĩ dục lạc và dục vọng vẫn còn khởi lên nơi người ấy, người ấy cũng không thế đắc trí tuệ, tuệ giác hay sự liễu ngộ vô song. Đây là ảnh dụ thứ hai.

Theo Chú Giải thì ảnh dụ này liên quan đến việc thực hành của những đạo sĩ Bà-la-môn (thực hành pháp thể nhập Phạm Thiên). Những đạo sĩ Bà-la-môn ấy sống đời phạm hạnh từ lúc còn trẻ cho đến bốn mươi tuổi thì họ quay trở lại với cuộc sống đôi lứa để bảo tồn sự liên tục của dòng họ. Vì vậy, trong khi họ đang thực hành đời phạm hạnh, họ vẫn sẽ bị ô nhiễm với những ý nghĩ nhục dục.

Ảnh dụ thứ ba liên quan đến khúc cây khô đã hết nhựa và không bị ngâm trong nước. Khúc cây khô này sẽ phát ra lửa khi được cọ xát vào nhau. Tương tự, sau khi đã từ bỏ các đối tượng của dục tham, và tự mình dứt bỏ những ý nghĩ nhục dục và tham ái, người ấy có thể đạt đến trí tuệ, tuệ giác và sự liễu ngộ vô song, cho dù người ấy thực hành khổ hạnh hay phấn đấu một cách không đau đớn, không tự hành xác mình cũng vậy.

KHỔ HẠNH DÙNG TÂM ĐÁNH BẠI TÂM

Trong hai phương pháp mở ra cho ngài theo ảnh dụ thứ ba, đức Bồ-tát suy xét đến con đường khổ hạnh sau: “Nếu bây giờ ta cắn chặt răng và ép chặt lưỡi lên vòm họng, với tâm của ta, Ta sẽ đè nén, chế ngự và đánh bại tư duy đang khởi lên một cách tự nhiên thì sao.”

Đoạn Kinh Pāḷi trích dẫn ở trên khớp với bài kinh An Trú Tầm (Vitakka Sandhāna Sutta).Nhưng phương pháp dùng tâm đánh bại tâm theo như Kinh An Trú Tầm mô tả là một phương pháp do Đức Phật quy định sau khi đã đạt đến Giác Ngộ. Như vậy, nó liên quan đến sự trục xuất những tư duy tham dục tự sinh khởi bằng cách ghi nhận sự xuất hiện của nó như một sự vận dụng của thiền Minh Sát phù hợp với bài Kinh Niệm Xứ và những kinh tương tự khác. Trong khi phương pháp dùng tâm đánh bại tâm như được mô tả ở đây muốn nói đến những vận dụng thực tiễn mà Đức Bồ-tát đã thực hiện trước khi đạt đến trí (hiểu biết) về Trung Đạo và do đó khác với phương pháp Tứ Niệm Xứ.

Tuy nhiên, sự giải thích của Chú Giải hàm ý lấy tâm thiện đè nén các tâm ác. Nếu sự giải thích này là đúng, phương pháp này hoàn toàn phù hợp với tinh thần Kinh Niệm Xứ và các kinh khác, và lẽ ra đã đưa đến sự Giác Ngộ cho Đức Bồ-tát. Nhưng thực sự, phương pháp này chỉ đưa ngài đến sự đau đớn cùng cực chứ không đưa đến Phật Quả. Kể cả những pháp hành khổ hạnh khác mà ngài áp dụng sau đó cũng chỉ đưa Đức Bồ-tát vào tà đạo mà thôi.

Pháp khổ hạnh Đức Bồ-tát theo đuổi lúc đó có vẻ hơi giống như pháp diệt tâm mà ngày nay những người theo một trường phái Phật Giáo nọ đang thực hành. Trong chuyến du hoá của chúng tôi đến Nhật Bổn, chúng tôi có đến thăm một ngôi chùa lớn nơi đây một số người đang tham dự những bài tập thiền. Phương pháp thiền của họ bao gồm bài tập diệt tâm khi nó khởi lên. Theo họ, làm cho tâm (hoạt động của tâm) rỗng không như vậy, cuối cùng sẽ đạt đến chỗ gọi là Tánh Không (Vô). Cách tiến hành như sau: Khoảng sáu vị tu sĩ trẻ phái Đại Thừa ngồi kiết già thành hàng. Vị trụ trì đi vòng quanh cốt cho họ thấy cây gậy mà ông sẽ dùng để đánh họ. Sau một lúc ông đi đến và đánh vào lưng mỗi thiền sinh một cú. Người ta giải thích rằng trong khi bị đánh như vậy có thể tâm sẽ hoàn toàn biến mất và đưa đến Tánh Không. Thực là một pháp hành kỳ lạ. Thực tế, đây là sự huỷ diệt tư duy bằng cách dùng tâm đánh bại tâm mà chúng ta có thể đoán chừng là giống như kỹ thuật Đức Bồ-tát đã dùng để đánh bại tư duy với tâm bằng cách cắn chặt răng vậy. Nỗ lực này đã làm cho ngài rất đau đớn và toát mồ hôi nách nhưng cũng không đạt đến giác ngộ lúc đó.

 

 

Các bài viết trong sách

Dhamma Paññā

BQT trang Theravāda cố gắng sưu tầm thông tin tài liệu Dhamma trợ duyên quý độc giả tìm hiểu về Dhamma - Giáo Pháp Bậc Giác Ngộ thuyết giảng suốt 45 năm sau khi Ngài chứng đắc trở thành Đức Phật Chánh Đẳng Chánh Giác vào đêm Rằm tháng 4, tìm hiểu thêm phương pháp thực hành thiền Anapana, thiền Vipassana qua các tài liệu, bài giảng, pháp thoại từ các Thiền Sư, các Bậc Trưởng Lão, Bậc Thiện Trí.

Trả lời

Từ điển
Youtube
Live Stream
Tải app