THÁNH ĐẠO TRÍ TIẾN HOÁ TỪ MINH SÁT TRÍ

Đặc biệt phải lưu ý ở đây rằng đạo trí siêu thế không phải từ không mà có. Cũng như tâm kế tiếp sanh lên từ tâm đi trước như thế nào thì theo tính đồng nhất, đạo trí cũng có thể nói là sanh lên từ minh sát trí. Như vậy những phiền não như (tà) kiến, hoài nghi,… vốn đã bị minh sát trí làm cho suy yếu không thể nào còn ngăn che việc thấy Niết-bàn được nữa. Bằng nhưng từ “vô trần, ly cấu” kinh muốn nói tới sự không còn khả năng ngăn che Niết-bàn của tham dục (rāga), v.v này nữa vậy.

Kinh Brahmāyu, một bài kinh thuộc Trung Bộ (Majjhima Paṇṇāsa)mô tả ba đạo thấp (tu-đà-hoàn, tư-đà-hàm, a-na-hàm) là pháp nhãn (dhamma cakkhu). Tuy nhiên, cũng trong Trung Bộ Kinh, bài Kinh Giáo Giới La-Hầu-La, thì cả bốn đạo và bốn quả đều được mô tả như pháp nhãn. Do đó, khi những chứng đắc cao hơn này được tuyên bố như “vô trần, ly cấu,” thì điều đó có nghĩa rằng kāma (dục), rāga (tham) và vyāpāda (sân) đã bị minh sát trí làm cho suy yếu đến mức không thể nào còn ngăn che việc thấy Niết-bàn được nữa. Sở dĩ chúng tôi phải tốn sức đào sâu vào những điểm này là để làm cho mọi người hiểu một cách dễ dàng rằng thánh đạo trí không từ không mà có, mà tiến hoá từ minh sát trí nhờ các điều kiện đã đầy đủ (pakatupanissaya, thường cận y duyên, trợ giúp bằng cách thường làm trở thành thói quen).

Câu hỏi có thể phát sanh là: pháp nhãn hay nói cách khác nhập lưu thánh đạo trí này khởi lên như thế nào? Trí này khởi lên do nhận thức được rằng “pháp nào có bản chất sanh thời cũng có bản chất diệt.” Về vấn đề này, có hai cách nhận thức. Vào sát na sanh diệt trí (udayabbaya ñāṇa) phát triển, nhìn thấy các hiện tượng sanh lên và diệt ngay lập tức, người hành thiền ngộ ra rằng những gì sanh lên đều phải tan hoại. Đây là sự nhận thức bằng minh sát trí (vipassanā ñāṇa). Khi hành xả trí (saṅkharūpakkhā nāṇa) được thiết lập đầy đủ, trong lúc ghi nhận tiến trình hoại diệt liên tục của danh (nāma) và sắc (rūpa), người hành thiền sẽ đến một giai đoạn ở đây danh, sắc và các hành xuất hiện để rồi tan biến vào một trạng thái diệt hoàn toàn. Đây là sự nhận thức trạng thái tịnh lạc của Niết-bàn bằng chứng ngộ thực sự, khi tất cả mọi hiện tượng sanh lên đều đi đến sự diệt hoàn toàn. Đây gọi là sự nhận thức bằng thánh đạo trí (ariya magga ñāṇa).

Pháp nhãn hay nhập lưu trí được phát triển bằng loại nhận thức thứ hai. Vì lý do đó, khi tất cả các hành danh và sắc đều tan biến vào một trạng thái diệt hoàn toàn, sự chứng đắc nhập lưu thánh đạo đã được biểu lộ một cách rõ ràng. Một khi đã chứng ngộ bằng nhập lưu trí, tri kiến vốn nhận thức rằng “các pháp sanh để rồi diệt” tồn tại một cách vững chắc, không gì có thể lay chuyển (bất động). Chính vì vậy, Kinh Giáo Giới La-Hầu-La mới mô tả sự chứng ngộ của tất cả bốn đạo trí với cùng những từ “pháp nhãn vô trần, ly cấu đã khởi lên: rằng các pháp có bản chất sanh đều có bản chất diệt.”

Tất cả danh sắc đều diệt khi Niết-bàn trở thành đối tượng của đạo trí (magga ñāṇa).

Chú giải Cūlaniddesa tuyên bố rằng: “Bằng phương tiện nhập lưu trí, bốn tâm tương ưng tà kiến (diṭṭhi sampayutta), và một tâm sanh cùng với hoài nghi (vichikiccāsahagata), cả năm tâm bất thiện này đều diệt,” song có số người lại dạy hoặc viết sách cố gắng bác bẻ lại lời tuyên bố này. “Vào sátna nhập lưu đạo và nhập lưu quả, tất cả danh-sắc và các hành được nhận thức đã diệt.” Dường hư họ cho rằng “đối tượng của đạo quả nhập lưu chỉ là sự diệt của năm tâm bất thiện này. Đây là một quan niệm rất sai lầm, lý do đơn giản là Niết-bàn không phải là sự diệt một phần của bất thiện (akusala), cũng không phải là sự diệt một phần của các pháp danh-sắc. Thực sự như vậy, Niết-bàn có nghĩa là sự diệt hoàn toàn của tam luân (vatta), đó là phiền não luân, nghiệp luân, và quả luân, sự diệt hoàn toàn của tất cả các hành danh và sắc, tất cả các pháp hữu vi. Như vậy đối với câu hỏi “thánh đạo lấy gì làm đối tượng của nó?” câu trả lời sẽ là thánh đạo có đối tượng của nó là Niết-bàn, và Niết-bàn như vừa giải thích, là sự diệt hoàn toàn của tất cả danh-sắc hữu vi. Như vậy, sự quả quyết cho rằng, “Vào sát na chứng đạo quả nhập lưu, người ta chỉ nhận thức sự lao vào diệt của đối tượng biết cũng như tâm hay biết,” là một lời tuyên bố có căn cứ về những gì đã được qua sát thực sự.

Một nghiên cứu cẩn thận về bài kinh Ajita trong Pārāyana vagga mà sự giải thích đã được đưa ra trong chú giải Cūlaniddesa vừa nói, sẽ hé lộ cho chúng ta thấy lời tuyên bố ở đây: “Trong trạng thái bình yên của Niết-bàn này tất cả danh và sắc đều diệt.” Hơn nữa, nếu đặt vấn đề, “Niết-Bàn là đối tượng của nhập lưu đạo có giống như Niếtbàn là đối tượng của các đạo cao hơn khác hay không?” câu trả lời sẽ là “Có, hoàn toàn như nhau, không có gì khác cả.” Nếu nhập lưu đạo lấy sự diệt của năm tâm bất thiện là đối tượng của nó và các đạo khác lấy sự diệt của các tâm tương ứng mà chúng đã diệt, thời các đối tượng của bốn đạo sẽ là bốn Niết-bàn khác nhau. Tuy nhiên, không có sự khác nhau như vậy và do đó hiển nhiên rằng đối tượng của tất cả bốn đạo chỉ là một Niết-bàn duy nhất mà thôi.

Vì những lý do chúng tôi vừa nêu này, lời tuyên bố “đối tượng của nhập lưu đạo chỉ là sự diệt của năm tâm bất thiện” là một quan niệm hoàn toàn sai lầm.

Sở dĩ chúng tôi phải nói ra ngoài đề tài chính một chút là nhằm chỉ ra một số những quan niệm sai lầm cho mọi người thấy. Bây giờ tôi sẽ trở lại với đề tài chính bằng cách lập lại ý nghĩa của đoạn Kinh:

 “Trong lúc bài pháp đang được thuyết giảng hay vừa được thuyết giảng xong, pháp nhãn vô trần, ly cấu hay gọi cách khác nhập lưu thánh đạo trí đã khởi lên cho Tôn-giả Kiều Trần Như, “Pháp nào có bản chất sanh pháp ấy có bản chất diệt.”

 

 

Các bài viết trong sách

Trả lời

Từ điển
Youtube
Live Stream
Tải app