PHƯƠNG PHÁP QUÁN TRÊN CÁC TÂM HÀNH LINH TINH

Có một phương pháp thiền khác được dùng bởi các hành giả có đắc thiền. Đó là vị ấy nhập và xuất khỏi trạng thái thiền, và quán, như đã giải thích, trên tâm và tâm sở thiền, cũng như trên sắc (rūpa), nói chung bất kỳ pháp nào trở nên dễ phân biệt lúc ấy. Rồi vị ấy hướng sự chú ý của mình đến những hoạt động xúc chạm, thấy, nghe,… khi chúng xảy ra. Đây gọi là quán trên những tâm hành linh tinh. Phương pháp này cũng giống như phương pháp mà các hành giả theo cỗ xe thuần quán, hay hành giả không đắc thiền, sử dụng. Cái khác nằm ở chỗ vị đắc thiền có thể dùng những thiền chứng của mình như một căn bản cho thiền minh sát và vị ấy có thể hoàn thành công viêc quán danh, sắc bất cứ khi nào chúng xuất hiện dễ dàng hơn, nhờ căn bản thiền định của mình. Những khác nhau duy nhất giữa hai phương pháp là như vậy.

Khi mệt mỏi xảy đến với vị hành giả có đắc thiền do quán các đối tượng linh tinh xuất hiện ở các cửa giác quan, vị ấy có thể quay trở lại với trạng thái thiền của mình, và sau khi đã phục hồi sức khoẻ, vị ấy tiếp tục quán danh-sắc khi chúng xuất hiện trở lại. Theo cách đó, vị ấy phát triển minh sát trí dựa trên thiền của mình cho đến khi nó đủ mạnh để dẫn đến chứng ngộ Niết-Bàn, qua Thánh Đạo Trí (Ariyāmagga Ñāṇa).

Phương pháp quán này đã được mô tả trong chú giải Kinh Song Tầm như sau:

“Bằng những lời này Đức Phật đã nói về lúc ngài còn là Bồ Tát tu tập thiền minh sát dựa trên bậc thiền (jhāna). Thực sự, khi thiền định (samādhi) và thiền minh sát (vipassanā) của một hành giả vẫn chưa thành thục, nếu vị ấy ngồi lâu để phát triển minh sát, mệt mỏi sẽ áp đảo vị ấy,có một cảm giác nóng bức như thể những ngọn lửa đang bùng cháy trong thân vị ấy, mồ hôi toát ra từ nách; vị ấy cảm thấy như có một luồng hơi nóng từ đỉnh đầu xông lên. Cái tâm khốn khổ cứ co kéo vẫy vùng. Hành giả nên trở lui trạng thái thiền định để làm giảm bớt sự căng thẳng của thân và tâm; nhờ vậy được tươi tỉnh lại, sau đó hành giả quay trở lại với công việc minh sát đang làm của mình. Rồi, do ngồi lâu thiền quán vị ấy mệt mỏi trở lại. Vị ấy tìm sự giải khuây lần nữa bằng cách nhập thiền. Theo cách này, mỗi khi mệt mỏi, vị ấy quay về với trạng thái thiền định của mình. Như vậy nhập thiền có lợi ích rất lớn cho việc thực hành minh sát.

Đây là cách các hành linh tinh được dùng như đối tượng cho thiền minh sát bắt đầu với jhāna (bậc thiền)mà hành giả giữ như thiền căn bản của mình. Đối với những hành giả không đắc thiền, chỉ quán các tâm hành linh tinh như xúc chạm, suy nghĩ, nghe, thấy… Khi đang hành như vậy, nếu mệt mỏi áp đảo, tất nhiên họ không thể giải khuây bằng cách nhập thiền. Họ nên quay lại với việc ghi nhận sự phồng và xẹp của bụng. Nhờ giới hạn đối tượng thiền, sự mệt mỏi cũng như căng thẳng của tâm và thân giảm bớt.

Sau khi đã khoẻ khoắn trở lại họ sẽ quay về với công việc quan sát liên tục những tâm hành linh tinh như trước. Theo cách này, khi định trí minh sát (vipassanā samādhi ñāṇa) đã trở nên mạnh mẽ, hành giả có thể hành thiền liên tục cả ngày lẫn đêm không có những bức bối, khó chịu của thân và tâm nữa. Những đối tượng thiền dường như tự xuất hiện trong tâm. Với chánh niệm không cần nỗ lực, tiến trình biết thực tại đúng như thực, trôi chảy một cách êm ả. Sự thực về vô thường, khổ, vô ngã cùng một lúc kéo tới với vị ấy. Khi trí này có được nhịp độ tiến triển và tốc lực nhanh chóng, cả đối tượng giác quan lẫn tâm biết đều lao vào trạng thái diệt. Đây là trạng thái lao nhanh vào Niết-Bàn bằng Thánh Đạo, Ariya Magga. Do đó chúng tôi đã tóm tắt lại điều này như sau:

Căn bản, điềmbáo trước, Thánh Đạo,

Tu tập chúng sẽ dẫn đến Niết Bàn.

 

 

Các bài viết trong sách

Trả lời

Từ điển
Youtube
Live Stream
Tải app