DANH KHÁC BIỆT VỚI SẮC VÍ DỤ VIÊN NGỌC

Có một viên ngọc tên Veluriya, trong viên ngọc ấy một sợi chỉ màu nâu, hay vàng, đỏ, trắng… được xỏ vào, và đặt trên lòng bàn tay để quan sát. Người sáng mắt có thể phân biệt được viên ngọc với sợi chỉ; người ấy có thể thấy rõ sợi chỉ màu gắn vào trong thân viên ngọc. Cũng vậy, người hành thiền có thể phân biệt được tâm hay biết với đối tượng được biết; vị ấy cũng biết tâm (hay thức) hay biết lao về phía đối tượng được biết như thế nào. Trong ví dụ này đối tượng vật chất giống như viên ngọc, tâm hay biết như sợi chỉ. Tâm hay biết này lao về phía đối tượng cũng giống như sợi chỉ gắn vào trong viên ngọc. Sự khác nhau giữa danh (nāma) và sắc (rūpa) có thể được minh hoạ bằng ví dụ như vậy. Ở đây cần phải thận trọng lưu ý rằng trong ví dụ không đề cập đến có bao nhiêu loại sắc, bao nhiêu loại tâm và tâm sở…liên quan đến cái biết; nó chỉ đề cập việc phân biệt tâm hay biết với đối tượng vật chất được biết mà thôi.

Hơn nữa trong Thanh Tịnh Đạo chúng ta thấy có sự mô tả như sau về việc danh (nāma) trở nên hiển hiện đối với vị hành giả đang quán sát: “Đối với vị hành giả, sau khi đã phân biệt được tính chất của sắc bằng phương pháp này hay phương pháp khác, lúc ấy trong sự tương quan, khi sắc trở nên hoàn toàn rõ rệt, không rối ren và sáng sủa đối với vị ấy, vô-sắc hay danh (nāma) vốn có sắc làm đối tượng cũng tự trở nên rõ rệt và hiển nhiên như vậy.” Thanh Tịnh Đạo còn nói: “Chính khi được Danh hỗ trợ, Sắc sanh; chính khi được Sắc hỗ trợ, Danh sanh. Khi Danh có ý muốn ăn, uống, nói năng và chọn một oai nghi, thì chính Sắc làm các việc ấy.” Từ những đoạn trích trong Thanh Tịnh Đạo này, rõ ràng chỉ đơn thuần suy nghĩ về các loại danh và sắc khác nhau sẽ không dẫn đến tuệ phân biệt danh sắc hay Danh Sắc Phân Tích Trí (nāmarūpa pariccheda ñāṇa) thực thụ. Danh sắc phân tích trí này chỉ phát triển khi tâm hay biết và đối tượng bị biết được nhận thức riêng rẽ trong lúc quán các hiện tượng sanh và diệt của danh và sắc khi chúng xảy ra.

Khả năng để phân biệt danh (nāma), tâm hay biết với sắc (rūpa) này tạo thành chánh kiến (sammādiṭṭhi). (Mặc dù đã được học từ sách vở và biết rằng danh, tâm hay biết, biệt lập với sắc), song trước khi hành thiền và ở giai đoạn ban đầu của pháp hành, hành giả vẫn không thể phân biệt được tâm hay biết với sắc bằng kinh nghiệm thực tiễn. Chỉ khi Danh Sắc Phân Tích Trí (nāmarūpa pariccheda ñāṇa) đã phát triển, sự phân biệt giữa hai yếu tố này mới tự động xảy ra. Khi ghi nhận hiện tượng suy nghĩ hay cảm giác đau, đúng như nó xảy ra, hành giả quán riêng rẽ tâm suy nghĩ và đối tượng hoặc cảm giác đau và vị trí đau trên thân. Sự nhận thức được danh khác với sắc này, là biết thực tại đúng như thực, là chánh kiến. Lúc đó hành giả bắt đầu tin chắc rằng chỉ có thân vật chất và tâm hay biết; ngoài chúng ra, không có cái gọi là linh hồn hay thực thể sống. Đây cũng là biết thực tại đúng như thực, là chánh kiến.

Khi định lực phát triển thêm, trong lúc ghi nhận phồng, xẹp, ngồi, chạm, v.v… hành giả nhận ra rằng, có xúc chạm là do có thân vật lý để xúc chạm; có cái thấy là do có con mắt và cảnh sắc, nghe do có tai và âm thanh, co (tay, chân) do có ý muốn co. Vị ấy cũng nhận ra rằng sở dĩ vị ấy không biết được thực tại là do thất niệm, không ghi nhận hiện tượng khi nó xảy ra. Do không ghi nhận hiện tượng khi nó xảy ra, và biết được bản chất thực của chúng, vị ấy phát sanh tâm ưa thích hay tham; rồi từ tham vị ấy phát triển thành chấp thủ. Vị ấy cũng biết rằng khi có sự chấp thủ, vị ấy bắt đầu dự phần vào những hoạt động bằng thân hay lời nói. Những hoạt động bằng thân hay lời nói này tạo ra những quả báo của chúng, quả thiện khi hành động là thiện và quả bất thiện khi hành động là bất thiện. Theo cách này vị ấy có được trí về nhân và quả trong phạm vi những ba-la-mật đã tích tạo trước đó của vị ấy. Đây cũng là trí biết thực tại đúng như thực, là chánh kiến.

Khi định lực tăng trưởng thêm nữa, trong suốt quá trình ghi nhận sự phồng, xẹp, ngồi, chạm, thấy, nghe, suy nghĩ, cảm giác đơ cứng, cảm giác nóng bức, cảm giác đau đớn, vị hành giả quán rõ được sự tập khởi (sanh) của đối tượng cũng như sự diệt của nó, sự bắt đầu và chấm dứt của từng hiện tượng. Bằng kinh nghiệm cá nhân, vị ấy tin chắc rằng mọi hiện tượng đều vô thường, sanh lên và diệt ngay tức khắc. Vị ấy cũng ngộ ra rằng sự sanh và diệt không ngừng này tạo thành cái khổ (dukkha) đáng sợ và cái gì không nằm trong quyền kiểm soát và ý muốn của bất kỳ ai, cái đó là vô ngã. Trí này cũng là chánh kiến, biết thực tại đúng như thực.

Khi định lực được phát triển thêm nữa, mặc dù vị hành giả đang ghi nhận những hoạt động phồng, xẹp, ngồi, chạm, co, duỗi, nhấc (chân, tay), di chuyển tới trước, hạ xuống (chân tay), vị ấy không còn biết đối tượng theo hình dạng khác nhau của chúng, như thân, bụng, chân tay…nữa. Vị ấy chỉ để ý đến hiện tượng diệt đang tiếp diễn nhanh chóng mà thôi. Nhờ nhận ra sự biến diệt nhanh chóng của đối tượng cũng như tâm ghi nhận này mà vị ấy hiễu rõ được bản chất thực sự của vô thường, khổ và vô ngã. Đối tượng của sự hay biết diệt ngay khoảnh khắc nó xuất hiện và do đó không có cái ngã (atta) nào để cột sự chấp thủ của một người vào đó. Tâm hay biết cũng diệt nhanh đến nỗi mà không có cái ngã (atta) hay thứ gì bám được vào nó. Như vậy, với mỗi sự ghi nhận, trí hiểu biết về bản chất thực của vô thường, khổ và vô ngã cũng được phát triển. Tất cả những điều này tạo thành chánh kiến.

Từ lúc trí phân biệt danh và sắc phát sanh cho đến giai đoạn phát triển chánh kiến minh sát, tâm nhất hướng vào sự nhận thức thực tại đúng như nó là. Điều này tạo thành chánh tư duy. Dĩ nhiên, chánh định cũng dự phần trong đó để giữ cho tâm gắn chặt trên đúng đối tượng và chánh niệm hay biết về nó. Nói chung, trong lúc hành giả chú tâm vào một trong bốn niệm xứ, quán thân, thọ, tâm và pháp, tất cả những điều này có mặt. Và vì vị ấy quán với một sự nỗ lực, do đó cũng có chánh tinh tấn.

Như vậy, bất cứ khi nào hành giả chuyên chú hành thiền, luôn có năm đạo dự phần, ba từ nhóm định: chánh tinh tấn, chánh niệm, và chánh định và hai từ nhóm tuệ: chánh kiến, và chánh tư duy.Năm đạo này dự phần một cách lô-gích với nhau trong mỗi hành động ghi nhận, tức sự hay biết có chánh niệm. Chú giải đã đặt tên cho chúng là Sở Tác Đạo (karaka magga). Ngoài ra, cũng có ba đạo thuộc nhóm giới : chánh ngữ, chánh nghiệp, và chánh mạng dự phần theo cách giữ cho các giới không bị sứt mẻ và theo cách hoàn thành sự tiết chế.

Và đây là cách những dính líu như vậy xảy ra: hành giả minh sát khởi sự giữ giới thậm chí trước cả lúc vị ấy bắt đầu hành thiền và giữ giới một cách trong sạch. Trong suốt khoá thiền, giới không bị ô nhiễm, tính trong sạch của nó được duy trì. Có thể nói rằng giới trong lúc hành thiền càng lúc càng trở nên trong sạch hơn.

Như vậy với ba giới đạo (sīla magga) này cộng thêm năm đạo trước đó, người hành thiền đang phát triển cả thảy tám đạo ở mỗi khoảnh khắc ghi nhận và hay biết các hiện tượng. Ðại kinh Sáu xứ (Mahàsalàyatanika sutta) của Trung Bộ đưa ra sự mô tả như sau về cách tám đạo được phát triển:

“Này các Tỳ-kheo, khi con mắt (nhãn) được thấy đúng như thực (vào khoảnh khắc ghi nhận), khi cảnh sắc, nhãn thức, nhãn xúc, và thọ khởi lên do duyên nhãn xúc, được thấy đúng như thực, thời không có ưa thích đối với con mắt, cảnh sắc, nhãn thức… Do thấy con mắt, cảnh sắc… đúng như thực và không phát triển ưa thích cũng như chấp thủ đối với chúng. Đối với một người chỉ thấy sự khiếp đảm nơi chúng như vậy, năm thủ uẩn (upādānakkhandhās), lẽ ra đã sanh nếu không ghi nhận, sẽ không có cơ hội để trở thành hiện thực. Tham ái đối với những vật này cũng chấm dứt, bị huỷ diệt. “Quan kiến của người như vậy là chánh kiến; tư duy của người ấy là chánh tư duy; tinh tấn là chánh tinh tấn; niệm là chánh niệm; định là chánh định. Ngay cả trước khi bắt đầu hành thiền, người ấy đã khéo an lập trong chánh ngữ, chánh nghiệp và chánh mạng. Theo cách này, người hành thiền được an lập trong Bát Thánh Đạo.”[1]

Đây chỉ là một giải thích tóm tắt những lời dạy của Đức Phật về cách Bát Thánh Đạo phát triển khi người hành thiền quán đối tượng ở sát na thấy, bản chất thực của năm pháp có mặt, đó là, con mắt, cảnh sắc, nhãn thức, nhãn xúc, và thọ. Để có một sự mô tả chi tiết hơn, người đọc có thể tham khảo bài kinh ‘Ðại kinh Sáu Xứ’ (Mahàsalàyatanika sutta) của Trung Bộ.

Chú giải nói rằng Bát Thánh Đạo được thiết lập ở sát na thành tựu Thánh Đạo (ariya magga). Điều này có thể được xem như một hình thức giải thích quá cao. Tuy nhiên, chúng tôi thích chấp nhận quan điểm cho rằng, ở đây thay vì thánh đạo, kinh chỉ muốn nói minh sát đạo (vipassanā magga)thôi, vì thánh đạo là cứu cánh phải được thành tựu nhờ hoàn thành minh sát đạo vậy. Cách giải thích của chúng tôi sẽ được thấy là phù hợp với sự kiện rằng trí liên quan đến bản chất thực của con mắt, cảnh sắc, nhãn thức, nhãn xúc và thọ, chỉ đến do hành thiền minh sát. Ngược lại, thánh đạo không lấy con mắt, cảnh sắc,… làm đối tượng của nó; nó chỉ hoàn thành nhiệm vụ biết mà thôi.

Tương tự như vậy, nhờ ghi nhận hiện tượng nghe, ngửi, nếm, xúc chạm, suy nghĩ, năm pháp nổi bật vào lúc xảy ra ấy, có thể được tuệ tri và do đó Bát Thánh Đạo cũng được phát triển.

Từ trước đến đây những gì đã được giải thích đều liên quan đến việc dự phần của giới đạo (sīla magga), theo cách giữ cho giới không bị ô nhiễm, vào sát-na thiền minh sát.

[1] Bản dịch của HT Minh Châu là: “Này các Tỷ-kheo, thấy và biết như chơn mắt, thấy và biết như chơn các sắc, thấy và biết như chơn nhãn thức, thấy và biết như chơn nhãn xúc. Do duyên nhãn xúc này khởi lên lạc thọ, khổ thọ hay bất khổ bất lạc thọ, thấy và biết như chơn cảm thọ ấy; vị ấy không ái trước đối với con mắt, không ái trước đối với các sắc, không ái trước đối với nhãn thức, không ái trước đối với nhãn xúc. Do duyên nhãn xúc này khởi lên lạc thọ, khổ thọ, hay bất khổ bất lạc thọ; vị ấy không ái trước đối với cảm thọ ấy. Khi vị ấy trú, quán sát vị ngọt, không bị ái trước, hệ lụy và tham đắm, nên năm thủ uẩn đi đến tàn diệt trong tương lai. Và ái của vị ấy, đưa đến tái sanh, câu hữu với hỷ và tham, tìm sự hoan lạc chỗ này chỗ kia; ái ấy được đoạn tận; những thân ưu não của vị ấy được đoạn tận; những tâm ưu não được đoạn tận; những thân nhiệt não được đoạn tận; những tâm nhiệt não được đoạn tận; những thân khổ não được đoạn tận; những tâm khổ não được đoạn tận; vị ấy cảm thọ thân lạc và tâm lạc. Kiến gì như chơn của vị ấy, kiến ấy là chánh kiến. Tư duy gì như chơn của vị ấy, tư duy ấy là chánh tư duy. Tinh tấn gì như chơn của vị ấy, tinh tấn ấy là chánh tinh tấn. Niệm gì như chơn của vị ấy, niệm ấy là chánh niệm. Ðịnh gì như chơn của vị ấy, định ấy là chánh định. Thân nghiệp, ngữ nghiệp, sinh mạng của vị ấy được thanh tịnh tốt đẹp. Và Thánh đạo Tám ngành này đi đến tu tập và phát triển sung mãn cho vị ấy.”

 

 

Các bài viết trong sách

Trả lời

Từ điển
Youtube
Live Stream
Tải app