NĂM THỦ UẨN VÀO LÚC NGHE

Vào lúc nghe, hiển nhiên phải có tai còn tốt để nghe; có âm thanh có thể nghe rõ và cũng phải có thức biết rằng một âm thanh đã được nghe. Trong thức nghe (nhĩ thức) này có thọ lạc và khổ khi nghe, có tưởng về âm thanh, có tư (vận dụng ý chí) và tác ý (hướng tâm) đến âm thanh để hoàn tất hành động nghe và chỉ biết rằng một âm thanh đã được nghe.

Những người không có cơ hội thực hành chánh niệm, và do đó không có sự hiểu biết về thực tại đúng như thực, chấp thủ vào các hiện tượng (dhamma)nổi bật vào sát-na nghe như Tôi, của tôi, v.v… Chính do khả năng có thể xảy ra của những chấp thủ này, tai và sắc âm thanh được gọi là Sắc Thủ Uẩn (rūpa uppādānakkhandhā). Thọ lạc hay thọ khổ phát sanh cùng với sự nghe là Thọ Thủ Uẩn (vedanā upādānakkhandhā). Tưởng về âm thanh là Tưởng Thủ Uẩn (saññā upādānakkhandhā). Vận dụng ý chí để nghe một âm thanh và hướng tâm đến âm thanh là Hành Thủ Uẩn (saṅkhāra upādānakkhandhā). Chỉ biết rằng một âm thanh đã được nghe là Thức Thủ Uẩn (viññāṇa upādānakkhandhā).

Tóm lại:

  1. Vào lúc nghe “tai” và “âm thanh” là Sắc Thủ Uẩn (rūpa uppādānakkhandhā).
  2. Thọ lạc hay thọ khổ có mặt trong cái nghe là ThọThủ Uẩn (vedanā upādānakkhandhā).
  3. Nhận thức hay ghi nhớ âm thanh là Tưởng Thủ Uẩn (saññā upādānakkhandhā).
  4. Ý muốn nghe và xoay sự chú ý đến đối tượng là Hành Thủ Uẩn (saṅkhāra upādānakkhandhā).
  5. Chỉ biết rằng một đối tượng đã được nghe là Thức Thủ Uẩn (viññāṇa upādānakkhandhā).

Mỗi lần nghe một âm thanh, ghi nhận “nghe”, “nghe”… là để giúp hành giả thấy ra năm uẩn danh và sắc đã nói này đúng như thực và sau khi đã nghe một âm thanh, cố gắng giữ ở giai đoạn chỉ có cái nghe và không để bị chấp trước vào nó như: Tôi, của tôi, hay thường, lạc, tịnh, v.v…

 

 

Các bài viết trong sách

Trả lời

Từ điển
Youtube
Live Stream
Tải app