CÂU CHUYỆN SAMAṆA DEVA

Cho dù một người có ra sức nỗ lực hành thiền để diệt trừ tham ái (taṇhā), hay diệt trừ tập đế (samudaya saccā), song chừng nào họ chưa đắc đạo quả trí, tham ái vẫn có thể khởi lên dẫn đến tái sanh. Sự kiện này được xác minh qua câu chuyện của một vị chư thiên tên Samaṇa.

Trong thời của Đức Phật chúng ta, một thanh niên nọ sau khi xác lập niềm tin nơi giáo pháp của Đức Phật đã xin xuất gia và sống với thầy tế độ trong năm mùa hạ. Vị ấy thực hiện đầy đủ những phận sự lớn nhỏ đối với thầy của mình và học thông suốt hai bộ luật dành cho Tỳ-kheo. Vị ấy cũng thành thạo những phương cách để làm cho mình được trong sạch khỏi những tội nặng cũng như tội nhẹ. Rồi sau khi nhận lãnh một đề mục thiền, vị ấy lui vào một nơi thanh vắng trong rừng và hiến mình cho việc hành thiền không ngừng nghỉ.

Nỗ lực hành thiền của vị ấy rất căng thẳng. Ngay cả giờ nửa đêm vốn được Đức Thế Tôn cho phép như giờ ngủ nghỉ, vị ấy vẫn tiếp tục công việc thực hành của mình. Do nỗ lực ngày đêm và ăn những thức ăn không đủ dưỡng chất như vậy, vị ấy trở nên kiệt sức. Rồi thình lình một cơn đau như cắt, một cơn đột quỵ, cắt đứt dây thần kinh cột sống khiến vị ấy chết ngay lập tức. Như kinh nói thì vị ấy đã chết khi đang thực hiện những phận sự của một vị Tỳ-kheo, mà ở đây là đang hành thiền trong lúc thức.

Theo chú giải, nếu bất kỳ vị Tỳ-kheo nào, trong lúc đang đi lên đi xuống con đường kinh hành hay đang đứng dựa cột, hay đang ngồi, nằm ở đầu đường kinh hành với y hai lớp kê đầu, mà chết, vị ấy được nói là chết trong lúc đang làm công việc thường xuyên. Cũng vậy, được gọi là vị Tỳkheo chết trong lúc đang làm công việc thường xuyên, nếu vị ấy chết trong lúc đang thuyết pháp, đặc biệt là thuyết về sự giải thoát khỏi chuỗi sanh tử luân hồi.

Vì vị Tỳ-kheo trong câu chuyện này đang hành thiền trong lúc đi lên đi xuống con đường kinh hành, chúng ta có thể cho rằng vị ấy chết trong lúc đang quán danh (nāma) và sắc (rūpa) của oai nghi đi hợp với lời dạy trong Kinh Đại Niệm Xứ. Mặc dù vị ấy bỏ ra thật nhiều nỗ lực trong việc hành thiền, vị ấy chết mà không đạt đến A-la-hán Thánh Đạo, bởi vì vị ấy vẫn chưa có đủ sự hỗ trợ của các ba-la-mật (pāramīs) cần thiết cho những chứng đắc này.

Sự đoạn trừ hoàn toàn của tham ái (taṇhā) là bất khả trừ phi A-la-hán Thánh Đạo đã được đạt đến. Việc vị Tỳkheo này vẫn chưa đạt đến ngay cả giai đoạn nhập lưu sẽ trở nên rõ ràng sau đây. Vì thế, do tham ái có thể tạo ra tái sanh, nên vị ấy đã tái sanh vào cõi trời Đạo Lợi (Tāvatimsā). Một thiên cung lộng lẫy đã sẵn chờ vị ấy do kết quả của phước hành thiền mà vị ấy tích tập. Do tái sanh tức thời (hoá sanh),vị ấy xuất hiện như thể vừa thức dậy sau một giấc ngủ, ở ngay lối vào thiên cung, trong hình tướng của một vị chư thiên rực rỡ với xiêm áo cõi trời.

Ngay lúc ấy khoảng một ngàn công chúa cõi trời lâu nay vẫn chờ đợi sự quang lâm của chủ nhân toà thiên cung, đồng thanh cất tiếng, “Chủ nhân của chúng ta đã đến. Chúng ta hãy tiếp đãi chàng”. Thế là các nàng vây quanh vị ấy, mỗi người cầm một loại nhạc khí trong tay để đón chào vị ấy một cách tưng bừng, vui vẻ. Tuy nhiên vị thiên chủ của toà lâu đài thậm chí còn không nhận ra rằng mình đã tái sanh vào một thế giới mới. Vị ấy có ấn tượng rằng mình vẫn còn là một vị Tỳ-kheo ở cõi người. Khi nhìn thấy những thiểu tư cõi trời này, vị ấy lầm tưởng họ là những nữ thí chủ đến thăm tu viện của mình. Vị ấy vội kéo thượng y che lại tấm vai trần của mình, ngồi yên, đôi mắt hạ xuống và khoác lên một bộ dạng rất nghiêm trang, dè dặt.

Ngay lập tức các cô nàng nhận ra vị thiên tử mới này ắt hẳn phải là một vị Tỳ-kheo trong kiếp trước, họ bèn nói với vị ấy, “Thưa chủ nhân, nơi đây là chỗ ở của các vị chư thiên. Đây không phải là lúc để giữ giới luật của một vị Tỳkheo, mà là dịp để hưởng những lạc thú cõi trời.” Nhưng vị ấy vẫn tiếp tục giữ thái độ nghiêm trang, dè dặt. “Vị chư thiên này không nhận ra là mình đã trở thành một vị chư thiên trong cõi trời. Chúng ta sẽ nhấn mạnh điều này cho vị ấy hiểu bằng những trò vui ồn ào của chúng ta đi.” Nói thế xong, các thiên nữ ấy bắt đầu đàn ca múa hát ầm ĩ. Vị chư thiên lại càng khép chặt thái độ ẩn dật của mình, và giữ vẻ trang nghiêm, đường hoàng thêm nữa, nghĩ rằng những nữ khách này đến trú xứ trong rừng của mình để đắm chìm vào sự vui chơi phù phiếm chăng.

Thấy vậy các tiên nữ đem ra một tấm gương lớn và đặt trước mặt vị chư thiên. Thấy hình mình phản chiếu trong gương, cuối cùng vị ấy nhận ra là mình đã rời bỏ kiếp sống Tỳ-kheo và tái sanh trong cõi chư thiên rồi. Thiên tử Samaṇa lúc đó vô cùng lo lắng. Vị ấy suy xét: “Ta đã không hành thiền để mong tái sanh vào cõi chư thiên như thế này. Mục đích hành thiền của ta là để đạt đến A-la-hán Thánh Quả, cứu cánh tối hậu và lợi ích nhất. Tình trạng của ta bây giờ giống như một võ sĩ thượng đài để giành huy chương vàng vô địch nhưng chỉ được thưởng một bó củ cải !” Cực kỳ dao động trong tâm, vị ấy nghĩ: “Những lạc thú cõi trời thì dễ có.

Thời gian tồn tại của một Bậc Chánh Đẳng Giác là một cơ hội hiếm hoi. Được nghe lời dạy của Đức Phật và đắc Thánh Đạo mới là điều tối quan trọng. Nếu đắm mình trong những lạc thú cõi trời, ắt sẽ nguy cơ bị mất cơ hội gặp Đức Phật.” Vì thế chẳng nhọc công đi vào cung điện nguy nga, vị ấy vội vã lui về diện kiến Đức Phật trong khi giới chế ngự mà vị ấy giữ như một vị Tỳ-kheo vẫn không bị sứt mẻ. Các nàng thiên nữ của vị ấy cũng vội đi theo như thể họ lo không được nhìn thấy vị ấy nữa. Khi đến trước mặt Đức Phật, vị ấy bạch:

“Bạch Đức Thế Tôn. Liệu có cách nào để tiến tới và tránh đi qua Lạc Viên (Nandavana), hay có thể gọi nó là Si Viên (Mohana vana) bởi vì nó kích thích cách cư xử si mê nơi những vị chư thiên đến thăm nó; trong khu vườn này hàng ngàn thiên nữ đang đắm chìm trong ca hát; nơi đây rất nhiều yêu tinh, ma quỷ thường lui tới.”

Ở đây vị chư thiên đã ám chỉ các nàng tiên nữ như những yêu tinh và ma quỷ, Lạc Viên như khu vườn của những kẻ ngu si bởi vì vị ấy vẫn còn kinh tởm đối với các dục lạc như hệ quả của những nỗ lực hành thiền minh sát một cách căng thẳng trong kiếp trước. Chú giải giải thích về câu hỏi cuả vị chư thiên như sau: “Làm thế nào để tiến tới” đó là vị ấy đang thỉnh xin Đức Phật những hướng dẫn về thiền minh sát để đi vào A-la-hán Thánh Quả (Arahatta phāla).

Đức Phật suy xét đến mọi trường hợp liên quan đến vị chư thiên này và dạy cho vị ấy Bát Thánh Đạo bằng ba bài kệ sau:

  1. U juko nāma so maggo abhayā nāma sā diss ratho aku jano nāma dhammacakkehi samyutto.

“Này thiên tử, người đang lo lắng về việc chạy trốn, con đường thẳng nhất để nhanh chóng thoát khỏi (nơi ấy) là Con Đường Bát Chánh (Bát Chánh Đạo) thuộc thiền Minh Sát mà ngươi đã bước đi khi còn là một vị Tỳ-kheo vậy.”

Ở đây, vì lợi ích của thính chúng hiện tại, chúng tôi xin nêu ra ý nghĩa có tính cách thanh minh về hàng thứ nhất của bài kệ vừa nói, “con đường thằng là con đường đó.” Nếu dịch trần trụi như vậy thì sẽ rất khó hiểu đối với thính chúng ở đây, tuy nhiên đối với vị chư thiên thì ý nghĩa của nó hoàn toàn rõ ràng, vì vị ấy nhìn như thể vừa từ chùa, nơi mà vị ấy đã hiến mình cho việc thực hành minh sát, đến thẳng đây vậy.

Sự giải thích của chú giải thì như sau: Khi hướng dẫn tu tập thiền cho một người chưa an lập trong giới (sīla) …, Đức Thế Tôn luôn luôn khuyên người ấy: ‘Hãy thanh tịnh giới (sīḷa) của ngươi trước, sau đó tu tập niệm và định, uốn nắn tri kiến cho chánh trực theo nghiệp và quả của nghiệp.” và hướng người hành thiền an trú vững chắc trong những pháp hành căn bản ban đầu này. Đối cới một người đã hành thiền, ngài chỉ hướng dẫn người ấy trong phạm vi thiền minh sát mà thôi. Vị chư thiên trong câu chuyện đã hành những bài tập thiền minh sát và giới của vị ấy vẫn còn nguyên vẹn không hư hỏng. Cái vị ấy cần, sau khi đã tu tập minh sát đạo đi trước (pubbabhāga magga vipassanā), chỉ là Thánh Đạo (Ariya Magga). Như vậy để hướng dẫn vị ấy trong thiền minh sát, Đức Thế Tôn đã dạy ba bài kệ này.

Trong sự giải thích của chú giải, sự kiện giới của vị ấy vẫn còn nguyên vẹn không sứt mẻ ngay cả sau khi đã chuyển sang kiếp sống của một vị chư thiên, nên được lưu ý cẩn thận. Vì điều này có nghĩa rằng vị ấy không phạm vào bất cứ giới nào như sát sanh, trộm cắp, hành dâm…, hay nói khác hơn khi tái sanh chư thiên vị ấy vẫn tiếp tục giữ giới. Do đó, cần phải hiểu rằng, dù không chính thức phát nguyện giữ giới, song sīḷa hay giới của một người vẫn còn nguyên vẹn nếu họ tránh những điều ác mà lẽ ra họ sẽ phạm. Và cũng cần lưu ý ở đây rằng những bài kệ này là dạy về thiền Minh Sát.

Như chúng tôi đã giải thích ở trên, “con đường thẳng nhất và tốt nhất để nhanh chóng thoát khỏi Lạc Viên của thiên giới với những nàng tiên nữ ở đó là Minh Sát Đạo mà vị ấy đã bước đi (thực hành) khi còn là một vị Tỳ-kheo.”

Liên quan đến câu hỏi kế tiếp về nơi an ổn thoát khỏi mọi hiểm nguy, Đức Phật nói, “Nơi an ổn thoát khỏi mọi hiểm nguy là Niết-Bàn mà ngươi đã nguyện đạt đến khi còn là một vị Tỳ-kheo.” Điều này có nghĩa rằng vị ấy phải phấn đấu cho đến khi đạt đến Niết-Bàn.

Về việc nên sử dụng cỗ xe nào để vượt qua, Đức Phật nói, “Để vượt thoát một cách êm ái không ai hay biết, ngươi cần một cỗ xe yên lặng đó là cỗ xe Minh Sát được gắn với hai bánh là thân tinh tấn và tâm tinh tấn.”

Sự nỗ lực của tâm trong việc ghi nhận mọi hoạt động của thân và tâm được gọi là tâm tinh tấn (cetasika viriya). Khi ghi nhận những hoạt động của thân như đi, đứng, ngồi, sự nỗ lực của thân đòi hỏi phải có để duy trì thân trong oai nghi tương ứng được gọi là thân tinh tấn (kāya viriya). Thiền trong lúc nằm chỉ liên quan đến tâm tinh tấn chứ không đến thân tinh tấn. Ở đây, vì Đức Phật khuyên nên dùng cỗ xe hai bánh với những bánh xe của thân tinh tấn và tâm tinh tấn, nên điều này phải được xem như Đức Phật muốn nói thiền minh sát đòi hỏi phải có sự ghi nhận với chánh niệm về các hoạt động của thân như đi, đứng, và ngồi. Như vậy, để cỡi trên cỗ xe lớn của minh sát đạo (vipassanā magga) được gắn với hai bánh xe: thân tinh tấn và tâm tinh tấn, chúng ta phải tiến hành ghi nhận một cách chánh niệm từng động tác khi bước đi…hay nói khác hơn là, khi đi chúng ta phải ghi nhận ‘đi’, ‘dở (chân lên)’ ‘bước tới’, ‘bỏ hay đạp (chân xuống)’ như đã được mô tả trong Kinh Đại Niệm Xứ, đó là, ‘gacchanto vā gacchāmiti pajānāti’ (khi đi tuệ tri tôi đi).

Trong khi cố gắng ghi nhận như vậy và khi định có được sức mạnh, người hành thiền sẽ đi đến chỗ phân biệt được sắc (rūpa), cái khiến cho có sự cứng nhắc và chuyển động, với danh (nāma), hành động ghi nhận của tâm về sắc ở mỗi khoảnh khắc ghi nhận. Khi định có được sức mạnh thêm nữa, người hành thiền sẽ phân biệt được nhân từ quả. Vị ấy biết: do có ý định đi, xuất hiện tiến trình đi của thân; do có đối tượng để biết, nên có cái biết. Với sự tiến bộ thêm nữa, sự sanh khởi của từng hiện tượng trong một sát-na — ý định đi, tiến trình đi của thân, tâm ghi nhận — theo sau đó là sự hoại diệt của nó được người hành thiền nhận thức rõ rệt như thể nó bị nắm bắt trong tay của mình vậy. Lúc đó người hành thiền hiểu một cách giản dị rằng những gì sanh lên và diệt trong khoảnh khắc như vậy là không thường hằng (vô thường); rằng những gì sanh và diệt không ngừng là khổ. Người hành thiền cũng sẽ hiểu rõ rằng các hiện tượng khởi lên theo đường lối tự nhiên của chúng, không theo ý muốn của ai cả và do đó, chúng là vô ngã (anatta), không chịu sự kiểm soát của bất kỳ ai. Sau đó người hành thiền sẽ tiếp tục ghi nhận một cách chánh niệm khi đứng và khi ngồi đúng theo hiện trạng.

Cỗ xe yên lặng đề cập ở đây ám chỉ những chiếc xe ngựa thời xưa. Một số chiếc tự thân nó không có tiếng ồn, nhưng khi chất nặng với hàng hoá hoặc người, có thể phát ra những tiếng cọt kẹt, cọt kẹt. Tuy nhiên ‘cỗ xe đạo’ (maggayāna) có thể chuyên chở số lượng hành khách không giới hạn và không hề tạo ra một tiếng kêu nào cả. Có đôi lúc, khi nghe những lời dạy của Đức Phật, số lượng hành khách lên đến tám muôn bốn ngàn người cùng đi trên ‘cỗ xe đạo’, do ‘minh sát đạo’ lèo lái, đã chuyên chở họ đến trạm cuối cùng, đó là Niết Bàn, một cách yên lặng. Vì vậy, cỗ xe này đã được ca tụng như một xỗ xe không gây tiếng ồn hay cỗ xe yên lặng. Đức Phật đã đưa ra sự gợi ý theo cách này cho vị chư thiên, nghĩa là vị ấy có thể thực hiện một sự trốn thoát yên lặng, không để cho các nàng tiên nữ hay biết, nhờ vào phương tiện chuyên chở này.

  1. Hiri tassa apālambo, saryassa parivāranaṃ, dhammāhaṃ sārathiṃbyumi, sammādiṭṭhi pure javaṃ

Hiri (tàm), ý thức hổ thẹn và ghê sợ tội lỗi có tác dụng như tấm ván dựa của ghế ngồi trên cỗ xe mà nếu không có nó hành khách có thể bị ngã nhào về sau khi chiếc xe di chuyển. ‘Cỗ xe đạo’ có những tấm ván dựa ưu việt của tàm (hiri) và quý (ottapa), hay ý thức hổ thẹn và ghê sợ tội lỗi này.

Người hành thiền cảm thấy ghê tởm và kinh sợ đối với sự có thể khởi lên của những ý nghĩ bất thiện liên quan đến một số đối tượng mà vị ấy đã bỏ lỡ trong quá trình ghi nhận với chánh niệm của mình. Nó cũng giống như sự ghê tởm mà một người mới tắm rửa sạch sẽ xong cảm thấy khi tiếp xúc với bụi bẩn vậy. Ước muốn cho sự không khởi lên của những ý nghĩ bất thiện và sự ghê sợ đối với những ý nghĩ bất thiện ấy được đặt tên là tàm (hiri) hay gọi cách khác là ý thức hổ thẹn tội lỗi. Cũng có sự sợ hãi những ý nghĩ bất thiện dẫn đến những hành động ác sẽ cho quả báo xấu, và cản trở sự giải thoát khỏi vòng luân hồi. Sự sợ hãi những điều ác và hậu quả xấu của nó này được định danh là Quý (Ottapa), hay sự ghê sợ điều ác.

Nhờ có tàm và quý này người hành thiền hiến mình cho công việc ghi nhận mọi hiện tượng của thân và tâm với thái độ tôn kính không để lỡ bất kỳ hiện tượng nào. Bằng cách này Đạo (magga) được giữ cho phát triển liên tục với từng khoảnh khắc trôi qua. Điều này cũng giống như cách những tấm ván dựa của chiếc xe ngăn không để cho hành khách bị ngã nhào về sau và giữ cho họ ở yên vị trí. Đó là lý do tại sao Đức Phật gọi tàm và quý là những tấm ván dựa của cỗ xe minh sát đạo vậy.

Rồi Đức Thế Tôn tiếp tục giải thích tại sao chánh niệm được ví giống như tấm màn che hay tấm bạt che của cỗ xe đạo. Cũng như tấm bạt được căng trên một chiếc xe có thể ngăn sự nguy hiểm của những hòn đá hay khúc cây ném vào như thế nào, chánh niệm về mọi hiện tượng thân và tâm, khi nó sanh khởi, cũng giữ cho người hành thiền an ổn khỏi sự nguy hiểm của những ác nghiệp như thế ấy. Do đó, bốn niệm xứ, quán thân, thọ, tâm, pháp, được gọi là những tấm bạt che của cỗ xe đạo.

Đức Thế Tôn tiếp tục: “Như Lai gọi chánh kiến thánh đạo (ariya magga samādiṭṭhi), có chánh kiến minh sát (vipassanā samādiṭṭhi) đi trước, là người lái xe.”

Trong sáu loại chánh kiến này: 1. Kammassakatā Sammādiṭṭhi (Chánh kiến về nghiệp sở hữu); 2. Jhāna Sammādiṭṭhi (Chánh kiến thiền định); 3. Vipassanā Sammādiṭṭhi (Chánh Kiến Minh Sát); 4. Magga Sammādiṭṭhi (Chánh kiến Thánh Đạo); 5. Phala Sammādiṭṭhi(Chánh kiến Thánh Quả); và 6. Paccavekkhanā Sammādiṭṭhi (Chánh kiến phản khán), thì chánh kiến thánh quả là quả của thánh đạo. Tương tự, chánh kiến phản khán là trí phản khán xuất hiện sau khi chứng đắc thánh đạo và thánh quả. Do đó không cần phải có một nỗ lực đặc biệt nào để phát triển chúng. Tuy nhiên Chánh kiến về nghiệp sở hữu, hay chánh kiến liên quan đến nghiệp và quả của nghiệp, phải được thiết lập trước khi một người bắt đầu hành thiền. Chánh kiến thiền định liên quan đến sự thanh tịnh tâm vốn làm căn bản cho thiền minh sát. Như vậy trí gần nhất phải được phát triển để thúc đẩy chánh kiến Thánh Đạo là chánh kiến minh sát. Khi minh sát trí được phát triển đầy đủ thì chánh kiến thánh đạo hay gọi cách khác là chánh kiến liên quan đến thánh đạo (magga) sẽ phát sanh một cách tự động. Nó cũng giống như một đám rước trọng thể đi tiếp theo khi con đường đã được cảnh sát giải toả và quân đội hộ tống. Do đó, Đức Phật nói rằng chánh kiến minh sát đi trước và chánh kiến Thánh Đạo theo sau. Trong khi hành thiền minh sát, các minh sát trí (Vipassanā Ñāṇa)sẽ dẫn đường cho sự phát triển của các thánh đạo. Vào sát na chứng đắc Thánh Đạo, thánh đạo trí (magga ñāṇa) sẽ hướng dẫn cho các đạo khác khởi lên. Vì lý do này, Đức Phật đã gọi chánh kiến minh sát và chánh kiến thánh đạo là những hoa tiêu của cỗ xe đạo. Bài kệ cuối cùng như sau:

Yassa etādisanyānaṃ, Itthiyā purisassa vā, sa ve etena, yānena nibbānassevasantike.

“Bất cứ người nam hay nữ nào có cỗ xe bát thánh đạo đều có thể tiếp cận Niết Bàn bằng cỗ xe ấy.”

Theo bài kệ cuối cùng này thì, chủ nhân của cỗ xe bát thánh đạo, bất kể nam hay nữ, nhất định sẽ ‘đạt đến’ Niếtbàn. Vì thế một điều hết sức rõ ràng là bất kỳ ai ước muốn đạt đến Niết-bàn đều phải phát triển Thánh Đao (Ariya Magga) dựa trên minh sát đạo (vipassanā magga).

Trong cõi thế gian này, ai cũng biết rằng, chủ nhân của một phương tiện chuyên chở nào đó có thể đi đến bất cứ nơi đâu mình muốn, bằng cách dùng nó. Tuy nhiên, chỉ có kiến thức về máy móc xe cộ mà không thực sự có xe thì cũng chẳng đưa họ đi đến đâu được. Cũng vậy, chỉ biết cách kể ra các loại Danh và Sắc khác nhau, hay các loại đạo (magga) khác nhau, chẳng ai có thể đạt đến Niết Bàn được. Cho nên phải ghi nhớ dứt khoát rằng chỉ khi nào sở hữu được cỗ xe minh sát đạo (vipassanā magga) qua việc quán sự sanh và diệt thực sự của danh và sắc và cỡi trên cỗ xe Bát Thánh Đạo người ta mới có thể đạt đến Niết Bàn. Có thể tóm tắt ba bài kệ đã giải thích ở trên như sau:

  1. Con đường thẳng là Thánh Đạo, nơi đến là Niết Bàn, thoát khỏi mọi hiểm nguy.
  2. Được gắn với hai bánh xe của tinh tấn, cỗ xe đạo là cỗxe yên lặng.
  3. Tàm (hiri) và Quý (ottapa) có tác dụng như tấm ván dựa trong khi chánh niệm tạo thành tấm bạt che của cỗ xe.
  4. Đạo trí (magga ñāṇa) có minh sát trí (vipassanā ñāṇa) đi trước là người lái xe hay hoa tiêu của cỗ xe.
  5. Chủ nhân của cỗ xe, có thể là nam hay nữ.
  6. Đều có thể thoải mái cỡi trên cỗ xe đó để đi đến Niết Bàn.

Sau khi dạy ba bài kệ này xong, Đức Phật cũng thuyết về Tứ Thánh Đế, điều này đến phần Đạo Đế (Magga Saccā) chúng ta sẽ bàn trở lại.

Thiên tử Samaṇa, trong khi nghe bài pháp này, suy tưởng đến việc hành thiền của mình trong kiếp trước. Mặc dù vị ấy vẫn không thể đắc thượng trí khi còn là một vị Tỳ kheo bất chấp những nỗ lực tích cực trong việc hành thiền của mình, song trong kiếp hiện tại là một vị chư thiên, thân của vị ấy thoát khỏi những bất tịnh, nên chẳng mấy chốc vị ấy có thể phát triển các tuệ minh sát theo tuần tự cho đến khi đạt Đạo Qủa thứ nhất và chứng Niết Bàn, trở thành một bậc thánh Nhập Lưu (Sotāpanna).

Điểm chính mà chúng ta có thể hiểu từ câu chuyện thiên tử Samaṇa này là, mặc dù vị Tỳ-kheo đã nỗ lực hành thiền minh sát một cách nhiệt tâm, song vì vẫn chưa đạt đến Thánh Đạo để cắt đứt tham ái (taṇhā), nên sau khi chết, tham ái hay gọi cách khác là Tập Đế này đã khiến cho vị ấy phải tái sanh trong hiện hữu mới của một vị chư thiên. Câu chuyện cũng chỉ ra cho chúng ta thấy Thánh Đạo có thể được phát triển như thế nào và vì sao một vị chư thiên lại có thể đắc thượng trí một cách dễ dàng như vậy.

Một điểm khác có thể rút ra trong câu chuyện này là, nếu sự dính mắc hay gắn bó cứ quẩn quanh, nơi một cá nhân hay một đối tượng nào, hữu ái (bhava taṇhā), có thể sẽ tạo ra tái sanh ở gần cá nhân hay đối tượng ấy. Sự dính mắc vào một đối tượng sẽ dẫn đến một hiện hữu mới gần sát với đối tượng ấy như thế nào được xác minh qua câu chuyện nổi tiếng của vị Tỳ-kheo Tissa, người đã chết với tâm luyến ái đối với tấm y mới của mình, và hậu quả là phải tái sanh làm con rệp ngay trên chính tấm y ấy.

Bây giờ chúng tôi sẽ bàn đến câu chuyện giải thích về sự luyến ái đối với vợ đã khiến một người phải tái sanh làm rắn, làm chó và rồi làm một con bò như thế nào.

 

 

Các bài viết trong sách

Trả lời

Từ điển
Youtube
Live Stream
Tải app