DỤC ÁI (KĀMA TAṆHĀ)

Trong ba loại ái này, dục ái (kāma taṇhā) là lòng khao khát các dục trần khả ái, thuộc bản thân mình hay đối với người khác. Khát ái nảy sanh khi thấy một cảnh sắc đẹp là dục ái (kāma taṇhā). Ở đây cảnh sắc không chỉ liên quan đến diện mạo, màu sắc… mà con liên quan đến toàn bộ hình dáng, thân thể của người đàn ông hay đàn bà vốn tác dụng như căn bản của sự thấy, những y phục họ mặc và những vật khác thuộc về cô ta hay anh ta. Cũng vậy, đối với các cảnh trần khác như âm thanh, mùi, vị, đàn ông, đàn bà… tạo ra những cảnh khả ái, và lòng khao khát đối với chúng được gọi là dục ái (kāma taṇhā). Tóm lại, lòng mong muốn hay khao khát đối với bất kỳ một dục trần khả ái nào đều là kāmataṇhā.

Mong muốn trở thành một con người, một vị chư thiên, mong muốn được sinh làm một người nam hay một người nữ; khát khao được hưởng thụ các dục lạc như một con người, như một vị chư thiên, như một người đàn ông hay một người đàn bà — tất cả những khát khao này cũng gọi là dục ái(kāma taṇhā). Do đó, chúng ta có thể nói rằng thích thú trong những ý nghĩ hay đối tượng khả lạc, khả ái là kāma taṇhā hay dục ái.

Khi thấy, nghe, ngửi, nếm, hay xúc chạm một dục trần, nếu ta xem nó là lạc, một sự ưa thích lập tức phát sanh đối với dục trần ấy. Nghĩ nó là lạc có nghĩa là vô minh (avijjā). Vô minh vốn che đậy bản chất thực của dục trần và làm phát sanh quan niệm sai lầm về nó. Vô minh nhận cái vô thường là thường, khổ là lạc, xem các hiện tượng danh và sắc vốn không có linh hồn hay tự ngã là ngã hay thực thể sống, và xem thân mình cũng như thân của người khác vốn bất tịnh là tịnh.

Như vậy, do nghĩ cái vốn không lạc là lạc, ưa thích đã phát sanh đối với nó; do ưa thích và mong muốn (nó) dẫn đến tham ái; tham ái thúc đẩy người ta lao vào những hoạt động nhằm hoàn thành tham ái ấy. Những hoạt động có chủ ý như vậy là Nghiệp (kamma) và các Hành (saṇkhāras) vốn trách nhiệm cho sự hình thành các uẩn danh và sắc mới của một hiện hữu mới. Vì thế mỗi lần ưa thích hay ước muốn một dục trần nào đó có nghĩa là đã mạo hiểm lao vào một sanh hữu mới. Do ảnh hưởng của tham ái (taṇhā), Hành Tác Thức (Abhisaṅkhāra viññāṇa行作識) hay gọi cách khác là Tốc Hành Tâm Cận Tử (maraṇā sannajavana) đã bám chắc vào Nghiệp (kamma), Nghiệp Tướng (kamma nimitta) và Thú Tướng (gati nimitta), ba dấu hiệu xuất hiện vào lúc lâm chung. Do sự bám chắc vào các đối tượng được thấy ở ngưỡng cửa tử này, sát-na sau khi tâm tử diệt Kiết Sanh Thức khởi lên bám vào cảnh thấy cuối cùng ấy, làm phát sanh một sự tái sanh mới. Vì vậy tham ái (taṇhā) này được mô tả là ‘ponobhavikā’— làm phát sanh sự hiện hữu mới.

 

 

Các bài viết trong sách

Trả lời

Từ điển
Youtube
Live Stream
Tải app