SỰ DIỆT CỦA THAM ÁI XẢY RA NHƯ THẾ NÀO

Khi người hành thiền, nhờ ghi nhận ‘thấy’ ‘thấy’ vào sát-na thấy, trở nên tin chắc về bản chất vô thường, khổ, vô ngã đích thực của chúng, vị ấy sẽ không bị mù quáng bởi ảo tưởng về sự thường, lạc, ngã, tịnh trong các căn và cảnh (trần) như con mắt (nhãn), cảnh sắc, nhãn thức…Vị ấy nhất thời được giải thoát khỏi vô minh (avijja). Sau khi đã thấy thực tại đúng như thực và được giải thoát khỏi vô minh, cảm giác vừa ý, hay thích thú đối với những đối tượng ấy sẽ không khởi lên. Đây là sự diệt tạm thời hay sự tàn tạ nhất thời của tham ái. Do sự tàn tạ của tham ái, thủ (upādāna), nghiệp (kamma) và hành (saṅkhāra) vốn lết theo sau tham ái không thể khởi sanh. Do đó thức, danh&sắc, lục nhập, xúc, và thọ, những quả nghiệp bất thiện và hành, không thể xuất hiện. Đây là cách tham ái cùng với khổ bị dập tắt một cách tạm thời; sự dập tắt này được gọi là nhất thời đoạn diệt hay nhất thời Niết Bàn.

Theo cách tương tự, người hành thiền, nhờ ghi nhận ‘nghe’, ‘nghe’; ‘ngửi’, ‘ngửi’… ‘nhĩ thức’, ‘tỷ thức’…mỗi lúc nghe, ngửi v.v…, và trở nên chắc chắn về bản chất vô thường, khổ, và vô ngã đích thực của tai, âm thanh, mũi, mùi, lưỡi, vị…Vị ấy được giải thoát khỏi ảo tưởng về sự thường, lạc, ngã tịnh liên quan đến các đối tượng này. Như vậy, ngay lúc đó vị ấy sẽ có sự diệt tạm thời của ái, và khổ hay nói cách khác là sẽ có nhất thời Niết Bàn.

Nhờ thiền minh sát thúc đẩy sự diệt tạm thời này mà thắng trí được phát triển, Niết Bàn được chứng đắc bằng phương tiện nhập lưu thánh đạo trí (sotāpanna ñāṇa). Nhập lưu thánh đạo trí diệt những dục ái (kāma taṇhā) nào có thể khiến cho phải tái sanh trong những trạng thái khổ (bốn ác đạo). Bởi thế người hành thiền được giải thoát hoàn toàn khỏi những khổ đau của khổ cảnh (apāya=苦界, 苦處), và cái khổ của hơn bảy kiếp trong những cõi vui dục giới (kāmasugati). Đây là sự diệt của khổ như kết quả của tham ái diệt. Tuy nhiên, không nên nghĩ rằng đạo quả nhập lưu (sotāpanna magga phala)lấy sự diệt ái làm đối tượng quán của nó. Nó chỉ an trú diệt như kết quả của sự diệt khổ cố hữu trong các uẩn danh và sắc mà thôi.

Khi Nhất lai thánh đạo trí (sakadāgāmi ñāṇa) chứng đắc Niết Bàn, những hình thức thô hơn của dục ái cùng với những nỗi khổ của hơn hai kiếp trong cõi dục đã được dập tắt. Khi Bất lai thánh đạo trí (Anāgāmi ñāṇa), chứng đắc Niết Bàn, những hình thức vi tế của dục ái và những nỗi khổ của hơn một kiếp trong cõi sắc giới (rūpa loka), hay trong cõi vô sắc giới (arūpa loka), được dập tắt. Đây cũng là sự diệt khổ như kết quả của sự diệt ái. Trong hai đạo quả này cũng vậy, tâm chỉ an trú diệt như kết quả của sự diệt khổ cố hữu trong các uẩn danh sắc mà thôi.

Khi Niết Bàn được chứng đắc bằng A-la-hán thánh đạo trí(Arahatta magga ñāṇa), mọi hình thức của khổ được đoạn diệt hoàn toàn. Đây cũng là sự diệt khổ như kết quả của diệt ái. Chúng ta có thể tóm tắt lại như sau:

▪ Khi ái diệt thì khổ diệt

Chỉ khi tham ái được đoạn trừ hoàn toàn, sự giải thoát khổ thực sự mới hoàn tất. Thoát khổ bằng những phương tiện khác, không phải là sự giải thoát đích thực mà chỉ là sự giải khuây tạm thời; đúng thời khổ lại tái diễn. Giống như chúng ta phải duỗi chân tay để giảm nhẹ sự cứng nhắc do co. Cái đau tạm thời được loại trừ chỉ để trở lại khi mệt mỏi phát sanh do duỗi. Cũng vậy, sự tê cứng do ngồi lâu có thể được giải toả bằng cách đứng dậy đi tới đi lui nhưng chẳng bao lâu sự tê cứng sẽ quay trở lại do mệt mỏi. Khi một người bị cơn đói tấn công, cái khổ có thể được giải toả bằng cách ăn vào một chút thức ăn; nhưng sau vài giờ cơn đói lại bắt đầu trở lại. Bệnh tật cũng thế, có thể được chữa bằng sự điều trị thuốc men thích hợp nhưng những chứng bệnh khác sớm muộn gì cũng phát sanh để làm phiền trở lại.

Những hoàn cảnh khó khăn của cuộc sống có thể được giải quyết bằng cách dự phần vào một công việc làm ăn hay buôn bán thích hợp nào đó, điều này đôi khi cũng đưa đến sự thành công và thuận lợi, giúp người ta có được địa vị cao hay trở thành một người giàu có. Tuy nhiên với những thăng trầm của cuộc sống, từ địa vị cao ấy lắm khi người ta có thể rớt xuống và trở nên khánh tận. Cho dù cả cuộc đời có thể trôi qua êm ả, không có gì rắc rối, người ta chắc chắn vẫn phải đối diện với những khổ đau vào lúc chết. Nhờ những thiện nghiệp như bố thí, giữ giới, họ có thể được tái sanh làm người trong những hoàn cảnh thuận lợi hoặc tái sanh như một vị vua cõi trời đầy quyền lực. Tuy nhiên, khi quả nghiệp thiện họ làm trước đó đã mãn, tái sanh trở lại trong những cõi khổ là điều không thể tránh được. Nếu một người ra sức phấn đấu để có được một kiếp sống dài lâu và hạnh phúc bằng cách thực hành thiền định thuộc sắc giới và vô sắc giới, họ có thể đạt đến cõi phạm thiên sắc giới và vô sắc giới, ở đây họ có thể sống một cách an vui trong nhiều đại kiếp. Nhưng rồi cũng có lúc, khi những thiện nghiệp thiền cạn kiệt. Lúc đó họ phải đương đầu với sự kiện có thể xảy ra là rớt xuống những kiếp sống thấp thỏi khổ đau trở lại, như trường hợp của con heo cái đã đề cập ở chương Nhân Sanh Của Khổ (samudaya saccā —tập đế) trước đây.

Như vậy, trừ phi tham ái được đoạn trừ hoàn toàn, không hình thức giải thoát nào có thể được xem là sự giải thoát bảo đảm chân thực. Sự giải thoát hoàn toàn và vĩnh cửu khỏi mọi hình thức của khổ chỉ thành tựu khi tham ái bị diệt trừ hoàn toàn. Chính vì thế mà Đức Phật dạy, “tassayeva taṇhāya asesa virāga nirodhā”, sự đoạn trừ, sự diệt tận của tham ái (taṇhā) là diệt khổ thánh đế.

Điều này phù hợp với giáo lý duyên sanh vốn tuyên bố rằng khi những nhân duyên như vô minh…diệt, các quả của chúng, như hành (saṅkhāra)… cũng diệt. Vì thế, trong Tăng Chi Kinh (Aṅguttara) Đức Phật dạy “Này các Tỳ-kheo, thế nào diệt khổ thánh đế?” Do sự suy tàn và đoạn diệt của vô minh, các hành (saṅkhāra), hay hành nghiệp diệt; do hành, nghiệp diệt thức tái sanh diệt; do thức diệt danh và sắc diệt; do danh và sắc diệt lục nhập diệt; do lục nhập diệt (sáu giác quan hay sáu căn) xúc diệt; do xúc (sự tiếp xúc giữa căn và cảnh) diệt thọ diệt; do thọ diệt ái diệt; do ái diệt thủ diệt; do thủ diệt hữu diệt; do hữu (tiến trình trở thành) diệt tái sanh diệt; do tái sanh diệt, già chết, sầu, bi, khổ, ưu,và não diệt. Như vậy sự diệt của toàn bộ khối khổ này xảy ra (mà không có bất kỳ linh hồn hay thực thể nào và cũng chẳng có gì liên quan đến lạc (sukha) ở đây). Này các Tỳ-kheo đây gọi là thánh đế về sự diệt của toàn bộ khối chỉ có khổ này.

Trong bài kinh trên, trình tự diệt, chẳng hạn, do vô minh diệt, hành nghiệp diệt, được nêu ra theo một dãy có thứ tự hẳn hoi để biểu thị sự tương quan của từng nhân với quả của nó. Song điểm quan trọng cần lưu ý ở đây là một khi vô minh đã suy tàn và đoạn diệt , thì tất cả những quả của nó như hành, thức, danh sắc…, đều diệt.

Từ Pāḷi ‘nirodha’ hay ‘nirodho’trong kinh điển chỉ có nghĩa là sự diệt, chứ không phải nơi diệt hay điều kiện diệt. Mặc dù các bản chú giải đề cập nirodha một cách bóng bẩy như một nơi diệt hay điều kiện của sự diệt, song cần phải thận trọng quan sát để thấy rằng ý nghĩa đích thực của nó là sự không-sanh của những điều kiện có liên quan nhân quả với nhau như vô minh, hành, thức…, sự diệt hoàn toàn, sự cắt đứt hoàn toàn của chúng, gọi cách khác là Diệt Khổ Thánh Đế hay Niết-Bàn.

Chúng tôi đã đề cập tương đối đầy đủ về diệt khổ thánh đế. Để có thêm chi tiết hãy tham khảo trong cuốn sách “Liên Quan Đến Niết-Bàn”. Bây giờ chúng tôi sẽ tiếp tục giải thích Thánh Đế về Con Đường Đưa Đến sự Diệt của Khổ (Đạo Diệt Khổ Thánh Đế).

 

 

Các bài viết trong sách

Trả lời

Từ điển
Youtube
Live Stream
Tải app