HỮU ÁI (BHAVA TAṆHĀ)

Theo Chú giải, hữu ái (bhava taṇhā) là tham ái đi kèm với thường kiến (sassata diṭṭhi). Ở đây, bhava có nghĩa là trở thành hay hiện hữu. Vì vậy bhava taṇhā là tham ái dựa trên niềm tin vào sự thường hằng và vững bền của hiện hữu. Thương Kiến là tà kiến cho rằng có một linh hồn hay thực thể sống không bao giờ chết cũng không bao giờ tan biến; mặc dù thân xác vật lý thô này có chết đi, song linh hồn hay thực thể sống này không phải chịu sự tan hoại. Nó nhập vào một thân xác mới và tồn tại ở đó. Cho dù thế gian này có sụp đổ và tan hoại, linh hồn vẫn thường tại vĩnh cửu và không bao giờ chết.

Những tín ngưỡng tôn giáo ngoài Phật Giáo hầu hết bám vào thường kiến này. Một số tin rằng, sau khi chết, con người sẽ trường tồn trên thiên giới hoặc chịu kiếp đoạ đày vĩnh viễn trong địa ngục theo ý Thượng Đế. Số khác thì quan niệm rằng một chúng sanh chuyển di từ một hiện hữu này sang một hiện hữu khác theo nghiệp (kamma) và tồn tại vĩnh hằng ở đó. Số khác nữa lại tin rằng một chúng sanh cứ luân chuyển từ kiếp sống này sang kiếp sống khác theo một tiến trình nhất định và rồi giải thoát.

Nói tóm lại, bất cứ tín ngưỡng nào chấp giữ quan niệm cho rằng “có một linh hồn hay thực thể sống di chuyển từ kiếp này sang một kiếp sống mới không bị tan hoại” là thường kiến (sassata diṭṭhi). Ví như, con chim đậu trên một cái cây, khi cái cây này đổ thì nó bay sang cây khác. Khi cây thứ hai đổ nó lại tiếp tục bay sang cây thứ ba… Cũng vậy, linh hồn hay thực thể sống, vào lúc xác thân thô mà trên đó nó nương dựa tan hoại, sẽ di chuyển sang một thân xác khác, còn tự thân nó vẫn bất diệt không bị tiêu hoại.

Tham ái đi kèm với thường kiến như vậy gọi là hữu ái (bhava taṇhā). Tham ái này lấy làm vui thích trong quan niệm cho rằng có một linh hồn hay thực thể sống thường hằng, bền vững. Cái Ta bất diệt này cảm giác các cảm thọ và sẽ tiếp tục cảm giác những cảm thọ ấy trong tương lai; do tin như vậy, nó lấy làm thích thú trong mọi đối tượng nó thấy, nghe, ngửi, xúc chạm, hay biết và nó cũng thấy thích thú trong những đối tượng mà nó hy vọng sẽ đi đến hưởng thụ trong tương lai. Ước muốn được hưởng một cuộc sống an vui và thịnh vượng trong hiện tại và trong tương lai. Nghĩa là trong tương lai, nó muốn được tái sanh trong những kiếp sống mới tốt đẹp hơn, hạnh phúc hơn để thọ hưởng sự giàu sang của con người hay chư thiên. Một số thì mong muốn luôn luôn được tái sanh là người nam, một số thì luôn luôn làm người nữ. Tất cả những điều này là sự thể hiện của Hữu Ái.

Mỗi lần tham ái sanh khởi, đối với các dục trần sẵn có trong hiện tại hay đối với kiếp sống họ đang sống, hay một kiếp sống nào đó trong tương lai mà họ mong đợi sẽ được tái sanh vào, chính là do hữu ái này. Có thể nói hữu ái là thế lực tạo điều kiện hay sức mạnh tiệm tàng đang xây dựng cho sự xuất hiện của một kiếp sống mới. Đó là lý do tại sao Đức Phật dạy: ‘ponobhavika… có thể làm phát sanh một hiện hữu mới (tái sanh). Hữu ái được tóm tắt lại như thế này:

Khát khao hiện hữu với quan niệm cho rằng sự sống là bất diệt là Hữu Ái (Bhava Taṇhā)

 

 

Các bài viết trong sách

Trả lời

Từ điển
Youtube
Live Stream
Tải app