THÁNH ĐẠO TRÍ VÔ TRẦN VÀ LY CẤU NHƯ THẾ NÀO

Nhập lưu trí (sotāpanna ñāṇa) mà Tôn Giả Kiều-TrầnNhư đắc được ca ngợi trong kinh như vô trần và ly cấu. Sẽ là điều thích hợp để suy xét xem nhập lưu trí này vô trần và ly cấu ra sao. Phụ chú giải Sāratta Dīpanī nói: Vô trần có nghĩa là thoát khỏi bụi và chất dơ của tham dục (rāga) vốn sẽ dẫn đến bốn ác đạo; ly cấu là thoát khỏi những phiền não của tà kiến (diṭṭhi) và hoài nghi (vicikicchā). Đây là một sự mô tả có tính cách bóng bẩy về các phiền não đã bị nhập lưu đạo huỷ diệt. Nhưng chú giải Vô Ngại Giải Đạo xem cả hai, bụi cũng như phiền não đều là tham dục (rāga). Tham dục có khuynh hướng che đậy, bao phủ và vì vậy nó cũng giống như chất bụi. Lại nữa, tham dục giống như những chất bất tịnh hay phiền não vì nó làm hư hỏng và đem lại sự huỷ diệt.

Ở đây một sự suy xét khác phát sanh: Phải chăng “thoát khỏi bụi trần và phiền não” có nghĩa là a) pháp nhãn hay thánh đạo trí khởi lên không đi kèm bụi trần và phiền não; hay b) bụi trầnvà phiền não không cản trở hoặc gây trở ngại cho thánh đạo trí nhờ thế Niết-Bàn có thể được thấy? Tuy nhiên, cần phải nhớ rằng thánh đạo (magga) không bao giờ phối hợp với phiền não. Do đó, hiển nhiên rằng ở đây không ám chỉ thánh đạo không đi kèm bụi và phiền não. Như vậy “thoát khỏi bụi trần và phiền não” phải được hiểu theo nghĩa ‘không cản trở hay gây chướng ngại cho thánh đạo trí.’

Đây là cách vượt qua các triền cái: trong khi kiến và nghi, sẽ bị huỷ diệt bằng nhập lưu thánh đạo, thì tham dục vốn sẽ dẫn đến các cõi khổ, vẫn còn hiệu lực, bất chấp thiền minh sát, Niết-bàn vẫn chưa được thấy bằng phương tiện nhập lưu trí. Nó cũng giống như sự không có khả năng thấy vì có cườm trong mắt vậy. Nhưng khi minh sát trí (vipassanā ñāṇa) đã được hoàn thành viên mãn, và có sức mạnh, kiến, nghi và tham dục vốn sẽ dẫn đến các cõi khổ sẽ bị suy yếu đi, chúng không còn cản trở việc thấy Niết-bàn nữa, cũng như khi lớp cườm mỏng bớt đi nó không còn che phủ hoàn toàn thị lực được nữa. Lúc đó nhập lưu thánh đạo trí có thể thấy rõ và chứng ngộ Niết-bàn. Khả năng thấy rõ và chứng ngộ Niết-bàn này được mô tả như “vô trần”, (virāga -ly tham); ly cấu (vitamala).

Chỉ sau khi minh sát đã làm hết sức diệt trừ của nó Thánh đạo trí mới đoạn trừ (phiền não).

Sự giải thích ở trên hợp với cách mô tả bóng bẩy về “pháp nhãn” và với sự giải thích trong Thanh Tịnh Đạo cũng như Mahāṭika, vốn tuyên bố rằng đạo trí siêu thế đoạn trừ không còn dư tàn chỉ những phiền não đã được minh sát trí hiệp thế làm suy yếu đến mức tối đa.

 

 

Các bài viết trong sách

Trả lời

Từ điển
Youtube
Live Stream
Tải app