SỰ TỪ BỎ CỦA ĐỨC BỒ TÁT

Trong lần dạo chơi thứ tư đến vườn thượng uyển, đức Bồ-tát đã gặp một vị tu sĩ. Từ vị tu sĩ này ngài biết rằng ông đã xa lìa cuộc sống trần tục và đang theo đuổi những sự tầm cầu xứng đáng, đức Bồ-tát ngay lúc đó khởi lên ước muốn từ bỏ thế gian, trở thành một vị sa-môn và đi tìm những gì không phải chịu già, bệnh, và chết. Khi đã đạt được những gì mình hoài bảo, ý định của ngài là sẽ truyền trao kiến thức ấy cho thế gian để những người khác cũng sẽ biết cách thoát khỏi cái khổ của bị già, bệnh và chết. Quả thực là một ý nghĩ cao quý, một ý định thánh thiện!

Cũng trong ngày ấy và trong khoảng giờ ấy, Công Chúa Da-du-đà-la đã hạ sanh một hoàng nam. Khi nghe được tin này, Đức Bồ-tát lẩm bẩm than phiền, “Một chướng ngại (Rāhulā) đã sanh, một sự ràng buộc đã sanh.” Nghe được lời bình phẩm của Đức Bồ-tát, Vua Tịnh Phạn đã khiến cho đặt tên đứa cháu nội mới sanh của mình là Hoàng Tử Rāhulā (Hoàng Tử Chướng Ngại), với hy vọng rằng đứa bé thực sự sẽ chứng tỏ là một sự ràng buộc đối với Đức Bồ-tát và trở thành một chướng ngại cho dự định xuất gia của ngài.

Nhưng Đức Bồ-tát đã chán ngán những lạc thú trần gian. Đêm đó ngài thản nhiên, không bị tác động bởi những trò vui do các vũ công trong hoàng cung đem đến và chìm vào một giấc ngủ sớm. Đám nhạc công chán nản cũng buông nhạc cụ xuống và nằm ngủ ngay tại đó. Cảnh tượng những vũ nữ nằm ngủ nghiêng ngủ ngả mà ngài bắt gặp khi thức giấc lúc nửa đêm đã khiến cho ngài ghê tởm và nó biến cho cung điện nguy nga tráng lệ của ngài nhìn chẳng khác gì một bãi tha ma với đầy những xác chết.

Vì thế vào lúc nửa đêm Đức Bồ-tát đã lìa bỏ Hoàng Cung (nguyên tác: một cuộc Hồi Hưu Vĩ Đại), cỡi trên lưng ngựa Kiền Trắc (Kandhaka) cùng với Xa-nặc (Channa), người tuỳ tùng thân tín của ngài. Đến dòng sông A-nô-ma (Anomā), Đức Bồ-tát cắt đứt mái tóc và râu của mình khi đang đứng trên bờ cát. Sau đó ngài vứt bỏ hoàng phục và mặc vào tấm y vàng do Phạm Thiên Ghatikara dâng và trở thành một vị sa-môn. Lúc ấy, Đức Bồ-tát chỉ mới hai mươi chín tuổi, độ tuổi thuận lợi nhất cho sự theo đuổi các dục lạc. Việc ngài từ bỏ tất cả với thái độ dửng dưng, không màng đến vẻ phù hoa và tráng lệ của vương quyền và sự chăm sóc, uỷ lạo của Công Chúa Da-duđà-la cũng như đoàn tuỳ tùng ở một độ tuổi thuận lợi nhất trong khi còn sung mãn với tuổi trẻ như vậy thực sự đã gây ra biết bao kinh hoàng.

TÌM ĐẾN ĐẠO SĨ ĀLĀRA

Lúc đó Đức Bồ-tát vẫn chưa có một sự hiểu biết thực tiễn về đời sống phạm hạnh. Vì thế ngài đã tìm đến vị đạo sĩ nổi tiếng thời bấy giờ, đó là Ālāra, người được xem như không phải phàm nhân. Trong tám tầng thiền hiệp thế, Ālāra đã tự thân tinh thông hết bảy tầng, tức là đến Vô Sở Hữu Xứ Thiền (Akincannayatana Jhāna) và đang truyền dạy kiến thức ấy cho những môn đồ của mình. Trước khi có sự xuất hiện của Đức Phật, những vị đạo sư thành tựu các thiền chứng như vậy được xem như những vị thiền sư rất đáng tin cậy trong việc đưa ra những hướng dẫn thực tiễn về phương pháp chứng thiền. Ālāra thời ấy nổi tiếng như một vị Phật. Văn học Thượng Toạ Bộ (Theravāda) không nói gì về vị này, nhưng trong Lalitavistra 1, một tác phẩm ghi chép tiểu sử Đức Phật của Phật Giáo Bắc Truyền, có ghi lại rằng vị đạo sư này sống ở xứ Vesālī, và rằng ông có ba trăm người đệ tử học pháp với ông.

THỌ TRÌ PHÁP CỦA THÁNH GIẢĀLĀRA

Đức Bồ-tát thọ trì những hướng dẫn từ Thánh Giả Ālāra như thế nào đã được mô tả trong Kinh như vầy: Sau khi xuất gia trở thành một sa-môn theo đuổi cái thánh thiện, tìm cầu sự An Ổn tối thượng, vô song của Niết-Bàn, Ta đi đến chỗ Ālāra Kāḷāma và thưa với ông như vầy: “Hiền giả Kāḷāma, tôi muốn sống đời phạm hạnh dưới pháp và luật của ngài.” Khi ta thưa với ông như vậy Ālāra đã trả lời: “Hãy đến, này Hiền giả Gotama, và sống trong Giáo Pháp này. Bản chất của pháp (dhamma) này là vậy, chỉ trong một thời gian ngắn, người trí có thể tự mình chứng ngộ và an trú, có đầy đủ những gì Đạo Sư của người ấy đã tự mình chứng ngộ.” Sau những lời khích lệ này, Ālāra đã cho đức Bồ-tát những hướng dẫn về pháp.

 

 

Các bài viết trong sách

Dhamma Paññā

BQT trang Theravāda cố gắng sưu tầm thông tin tài liệu Dhamma trợ duyên quý độc giả tìm hiểu về Dhamma - Giáo Pháp Bậc Giác Ngộ thuyết giảng suốt 45 năm sau khi Ngài chứng đắc trở thành Đức Phật Chánh Đẳng Chánh Giác vào đêm Rằm tháng 4, tìm hiểu thêm phương pháp thực hành thiền Anapana, thiền Vipassana qua các tài liệu, bài giảng, pháp thoại từ các Thiền Sư, các Bậc Trưởng Lão, Bậc Thiện Trí.

Trả lời

Từ điển
Youtube
Live Stream
Tải app