SUY LUẬN ĐÚNG

Sau khi sống đời khổ hạnh nghiêm khắc trong sáu năm không có được một kết quả lợi ích nào, đức Bồ-tát bắt đầu suy luận như sau: “Dù các sa-môn hay bà-la-môn trong tương lai sẽ cảm thọ những cảm giác đau đớn, đau nhói, đau buốt do hành khổ hạnh như thế nào, thì nó cũng chỉ có thể ngang mức đau khổ này của ta mà thôi, không hơn được; Dù các sa-môn hay bà-la-môn trong hiện tại cảm thọ những cảm giác đau đớn, đau nhói, đau buốt do hành khổ hạnh như thế nào, thì nó cũng chỉ có thể ngang mức đau khổ này của ta mà thôi, không hơn được. Nhưng do khổ hạnh kiệt lực này Ta đã không đạt đến một thành tựu nào xuất sắc hơn người bình thường; Ta đã không đắc được tri kiến thù thắng nào có thể bứng gốc các phiền não. Ngoài con đường khổ hạnh này liệu có con đường nào khác đưa đến giác ngộ không?

Rồi đức Bồ-tát nhớ lại thời còn bé, khi ngài ngồi một mình dưới bóng mát của cây mận (rose-apple), nhập vào giai đoạn sơ thiền, lúc ấy phụ vương ngài, đức Vua Tịnh Phạn đang bận tham dự nghi lễ hạ điền ở kế bên. Ngài tự hỏi liệu pháp sơ thiền này sẽ là con đường đúng đắn đưa đến Chân Lý được chăng!

NHẬP SƠ THIỀN KHI CÒN LÀ MỘT ẤU NHI

Đức Bồ-tát sanh vào ngày rằm tháng Tư (Kason). Có vẻ như rằng lễ hạ điền được tổ chức vào một thời điểm nào đó trong tháng Năm hay tháng Sáu (Nayon hay Wāso), tức một hay hai tháng sau ngày Đức Bồ-tát đản sanh. Ấu nhi Bồ-tát được đặt trên một chiếc giường bọc vải lộng lẫy, dưới bóng mát của cây mận. Một hàng rào được hình thành bằng cách giăng những bức màn quanh chỗ tạm dưỡng, với những người hầu luôn kính cẩn canh giữ hoàng nhi. Vì nghi lễ hạ điền được tiến hành trong khung cảnh rực rỡ, huy hoàng khác thường, với sự tham dự của đức vua trong các lễ hội, nên những người hầu bị cuốn hút vào cảnh lộng lẫy của những hoạt động đang diễn ra trong cánh đồng kế bên. Nghĩ rằng hoàng nhi đã ngủ, họ để ngài nằm an toàn trong hàng rào màn che trướng rũ ấy và lén ra đi thưởng thức lễ hội. Ấu nhi Bồ-tát, nhìn quanh không thấy bóng dáng ai, lăn người dậy và ngồi yên trong tư thế kiết già. Nhờ sự thực hành đã thành thói quen qua nhiều kiếp quá khứ, ngay lập tức ngài bắt đầu quán hơi thở vô-ra. Chẳng bao lâu ngài an trú trong sơ thiền biểu thị bằng năm đặc tính, đó là, tầm, tứ, hỷ, lạc và định.

Mải mê trong các lễ hội, những người hầu cứ lần lữa quay trở về. Khi họ quay về thì hầu hết những bóng cây đã di chuyển cùng với thời gian. Tuy nhiên, bóng cây mận dưới đó ấu nhi Bồ-tát được để nằm vẫn giữ nguyên vị trí không thay đổi. Và họ nhìn thấy ấu nhi Bồ-tát đang ngồi yên bất động trên giường. Vua Tịnh Phạn, khi nghe trình báo, vô cùng kinh ngạc trước cảnh tượng bóng cây không xê dịch và tư thế ngồi yên của đứa trẻ, đã cúi rạp người đảnh lễ con mình trong nỗi lòng kính sợ vô biên.

Đức Bồ-tát nhớ lại kinh nghiệm nhập thiền hơi thở mà ngài có được lúc còn thơ ấu này và nghĩ, “Liệu đó có phải là con đường đi đến Chân Lý không?” Lần theo ký ức ấy, ngài nhận ra rằng hành thiền hơi thở quả thực là con đường đúng đắn đưa đến Giác Ngộ.

Những kinh nghiệm thiền này khả lạc đến nỗi đức Bồ-tát tự nghĩ: “E rằng Ta có (đang cố gắng đi tìm) lạc của thiền chăng?” Rồi ngài nghĩ: “Không, Ta không sợ (là mình đang cố gắng cho) những kinh nghiệm khả lạc ấy.”

ĂN UỐNG TRỞ LẠI

Lúc đó ý nghĩ này khởi lên nơi ngài: “Không thể đắc thiền với một thân hình quá kiệt quệ như vầy. Nếu như ta ăn uống lại những vật thực cứng như trước đây thì sao. Khi thân được nuôi dưỡng và tăng cường sức mạnh như vậy, Ta sẽ có thể thực hành để đắc thiền.” Nhìn thấy ngài ăn uống trở lại, nhóm năm vị Tỳ-kheo (nhóm Kiều Trần Như) hiểu lầm hành động của ngài. Trước đây họ là những nhà chiêm tinh và cố vấn của triều đình, khi đức Bồ-tát đản sanh, họ là những người tiên đoán rằng ngài sẽ trở thành một bậc Chánh Đẳng Giác, một vị Phật (Buddha).

Triều đình lúc đó có tám nhà chiêm tinh. Khi được yêu cầu tiên đoán tương lai cho thái tử, ba người trong họ đã đưa lên hai ngón tay, tuyên bố nước đôi rằng thái tử lớn lên sẽ là một vị Chuyển Luân Vương hoặc là một vị Phật. Năm vị còn lại chỉ dơ một ngón, cho rằng thái tử chắc chắn sẽ trở thành một vị Phật.

Theo Chú Giải Mūlapaṇṇāsa (Quyển 2. Tr. 92), năm nhà tiên tri này trước khi vui thú trong đời sống gia chủ, đã rời bỏ thế gian và đi vào rừng để sống đời phạm hạnh. Nhưng Chú Giải Buddhavamsa và một số kinh khác thì nói rằng bảy nhà chiêm tinh đều dơ lên hai ngón tay, đưa ra lời giải thích nước đôi trong khi vị Bà-la-môn trẻ nhất, người sau này trở thành Tôn-giả Kiều-trần-như (Koṇḍañña), chỉ dơ một ngón và tiên đoán chắc chắn rằng thái tử là một vị Phật tương lai.

Vị Bà-la-môn trẻ này cùng với con trai của bốn vịBàla-môn khác đã từ bỏ thế gian (xuất gia) và họp lại với nhau tạo thành “Nhóm Năm Đạo Sĩ”, chờ đợi cuộc Đại Xuất Gia của đức Bồ-tát. Sau này khi hay tin Đức Bồ Tát đang thực hành khổ hạnh trong Rừng Uruvela, họ đã đi đến đó và trở thành những thị giả của ngài với hy vọng “khi ngài thành tựu Tri Kiến Thù Thắng, ngài sẽ chia xẻ nó với chúng ta, chúng ta sẽ là những người đầu tiên được nghe giáo pháp của ngài”.

Khi năm vị Tỳ kheo này thấy Đức Bồ Tát ăn uống bình thường trở lại, họ hiểu lầm hành động của ngài và trở nên thất vọng. Họ nghĩ: “Khi sống bằng một vốc tay súp đậu còn không đạt đến thượng trí, y có thể hy vọng đắc thượng trí thế nào được do ăn uống bình thường trở lại như vậy chứ?” Họ lầm tưởng rằng ngài đã từ bỏ sự phấn đấu và quay trở lại với lối sống xa hoa để hưởng sự giàu sang và vinh quang cá nhân. Vì thế họ chán ghét và rời bỏ ngài để đi đến vườn bảo hộ nai ở Benares.

 

 

Các bài viết trong sách

Dhamma Paññā

BQT trang Theravāda cố gắng sưu tầm thông tin tài liệu Dhamma trợ duyên quý độc giả tìm hiểu về Dhamma - Giáo Pháp Bậc Giác Ngộ thuyết giảng suốt 45 năm sau khi Ngài chứng đắc trở thành Đức Phật Chánh Đẳng Chánh Giác vào đêm Rằm tháng 4, tìm hiểu thêm phương pháp thực hành thiền Anapana, thiền Vipassana qua các tài liệu, bài giảng, pháp thoại từ các Thiền Sư, các Bậc Trưởng Lão, Bậc Thiện Trí.

Trả lời

Từ điển
Youtube
Live Stream
Tải app