NHỮNG CHÚNG SANH ĐẮC TRI KIẾN CAO THƯỢNG DO NGHE BÀI PHÁP ĐẦU TIÊN

Vào lúc thuyết bài Kinh Chuyển Pháp Luân này, chỉ có năm thành viên trong nhóm Kiều Trần Như là thuộc cõi người. Và trong năm vị, chỉ có một người duy nhất, đó là Tôn-giả Kiều Trần Như, là đắc được tri kiến cao thượng. Nhưng Kinh Mi Tiên Vấn Đáp (Milinda Pañha) nói rằng mười tám Koṭi (kô-ti)15 Phạm Thiên và vô số chư thiên dục giới đã đắc thượng trí lúc đó.

Lúc bấy giờ chỉ một mình Tôn-giả Kiều Trần Như cầu xin gia nhập Tăng Đoàn của Đức Phật và trở thành một sa-môn đệ tử của ngài. Bốn vị còn lại, đó là, Tôn-giả Vappa, Bhaddiya, Mahānama và Assaji vẫn chưa làm như vậy. Sự do dự của các vị có thể được giải thích bằng sự kiện các vị vẫn chưa hoàn thành đầy đủ việc hiểu biết pháp trong tự thân giống như Tôn-giả A-nhã Kiều Trần Như (Aññāsī Koṇḍāñña). Các vị vẫn còn thiếu sự can đảm của niềm tin đối với Lời Dạy của Đức Phật. Tuy nhiên nhờ nghe Kinh Chuyển Pháp Luân, các vị đã phát triển được đức tin (saddhā) nơi pháp. Do đó từ lúc nghe kinh bốn vị đã tiến hành thực tập thiền minh sát dưới sự hướng dẫn của Đức Phật. Đại Phẩm của Tạng Luật đã đưa ra sự giải thích về cách các vị thực tập thiền như thế nào và đã thấy và chứng ngộ pháp ra sao.

CHỈ ĐẮC TRI KIẾN CAO THƯỢNG SAU KHI ĐÃ THỰC SỰ HÀNH

“Sau khi Tôn-giả Kiều Trần Như đã được nhận vào Tăng Đoàn, Đức Thế Tôn tiếp tục đưa ra lời chỉ dẫn và hướng dẫn thực hành pháp cho bốn vị còn lại của nhóm. Nhờ sự hướng dẫn và chỉ dẫn của Đức Thế Tôn, pháp nhãn vô trần, ly cấu đã khởi lên cho Tôn-giả Vappa và Bhaddiya, “phàm pháp nào có bản chất sanh, pháp ấy cũng có bản chất diệt.”

Khi pháp nhãn đã khai mở, và các vị trở thành thánh nhập lưu, Tôn-giả Vappa và Bhaddiya cũng đã thỉnh cầu Đức Thế Tôn cho phép nhập vào Tăng Đoàn.

 

 

Các bài viết trong sách

Trả lời

Từ điển
Youtube
Live Stream
Tải app