SANH LÀ KHỔ (JĀTI DUKKHA)

Nói đến tái sanh là muốn nói đến sự tan hoại của Danh-Sắc (thân và tâm)vào sát na cuối cùng trong kiếp trước và sau khi chết. Sát na đầu tiên của sự hình thành danh-sắc mới trong một hiện hữu mới là do nghiệp (kamma) tạo diều kiện hay làm duyên. Sự hình thành đầu tiên phục vụ như một mắc xích nối kết với kiếp sống quá khứ này được định danh là kết sanh, hay tái sanh (結生, 再生), đó là sự hình thành ban đầu của danh và sắc mới. Nếu sự hình thành này xảy ra trong bào thai của một người mẹ, chúng ta có sự thụ thai trong bào thai hay kết sanh thai sanh, gabbhaseyaka paṭisandhi, có thể có hai loại: Noãn sanh, aṇḍaja paṭisandhi (卵生結生, noãn sanh kết sanh), khi sự thụ thai xảy ra trong trứng ở dạ con, và kết sanh thai sanh, jalābuja paṭisandhi (結生胎生), khi phôi phát triển tự do trong dạ con cho đến khi sự sanh xảy ra.

Sự thụ thai trong dạ con, theo kinh điển Đạo Phật, khởi nguyên từ tinh cha huyết mẹ. Tây y thì quan niệm rằng thụ thai xuất phát từ sự kết hợp giữa tinh trùng của người cha và trứng của người mẹ. Hai quan niệm trên có thể được hoà hợp bằng cách xem tinh trùng của người cha và máu huyết của người mẹ có liên quan trong vấn đề thụ thai. Sự kết hợp của tinh cha và huyết mẹ này, dẫn đến sự hình thành của danh và sắc quả mới, tạo nên cái chúng ta gọi là tái sanh mà vốn có thể xảy ra hoặc trong khổ thú (apāya, địa ngục, ngạ quỷ súc sanh…) hoặc trong cõi người do bất thiện nghiệp hoặc thiện nghiệp quá khứ tương ứng làm duyên.

Sự thụ thai trong môi trường ẩm ướt như rêu v.v… (samsedaja濕生, thấp sanh), tiêu biểu cho sự đi vào hiện hữu của các loài ấu trùng v.v… Các chúng sanh vô hình không thể thấy bằng mắt thường như chư thiên, dạ xoa, ngạ quỷ và những cư dân trong cõi địa ngục gọi là hoá sanh hay tự sanh, opapātika (化生 hay 往 生, hoá sanh hay vãng sanh), với tâm và thân đã phát triển đầy đủ.

Trong tất cả bốn loại thụ thai này, sát na đầu tiên của sự thụ thai hay hình thành gọi là jāti (sanh), đó là sự bắt đầu của một hiện hữu mới. Tất nhiên, ở sát na sanh đầu tiên này khổ hay đau đớn không có mặt, nhưng vì lẽ sự sanh khởi đầu tiên của sự sống này được xem như một căn cứ cho sự xuất hiện sau đó của khổ thân và khổ tâm trong suốt kiếp sống tiếp theo, nên sanh (jāti) được cho là ‘khổ’. Nó cũng giống như đặt bút ký vào một văn kiện đáng ngờ nào đó. Tất nhiên vào lúc ký văn kiện không có gì phiền phức hết, nhưng vì nó chắc chắn sẽ làm phát sanh những rắc rối về sau, nên hành động ký vào hồ sơ có nghĩa là đã dính líu vào chuyện rắc rối hay nói cách khác là đã liên luỵ đến ‘Khổ’ rồi vậy.

Để làm sáng tỏ thêm, Khổ có thể được phân làm bảy loại:

  1. Dukkha dukkha (Khổ-khổ)
  2. Viparināma dukkha
  3. Saṅkhāra dukka
  4. Paṭicchanna dukkha
  5. Apaṭicchanna dukka
  6. Pariyāya dukkha
  7. Nippariyāya dukkha

 

 

Các bài viết trong sách

Trả lời

Từ điển
Youtube
Live Stream
Tải app