TÔN GIẢ VAPPA VÀ BHADDIYA ĐÃ NỖ LỰC NHƯ THẾ NÀO?
Tôn-giả Vappa và các vị còn lại của nhóm năm Tỳkheo đã nỗ lực cho sự chứng đắc của mình bằng cách phát triển Bát Thánh Đạo trong tự thân như bài Kinh Chuyển Pháp Luân đã dạy. Và Bát Thánh Đạo được tu tập, như trước đây chúng tôi đã mô tả, bằng cách ghi nhận hiện tượng thấy, nghe,… vốn luôn luôn xảy ra trong họ, nhằm tuệ tri khổ đế, tức hiểu biết rõ ràng về năm thủ uẩn (upādānakkhadhā).
Người hành thiền, trước tiên ghi nhận không ngừng sự sanh của danh và sắc khi nó xảy ra, trong quá trình này họ có thể thấy mình bị quấy rầy bởi những ý nghĩ lang thang và sự tưởng tượng. Đặc biệt đối với những người thông thái, hoài nghi và ngờ vực rất có thể sẽ phát sanh. Đối với một số người, những sự đau đớn không thể chịu đựng nổi sẽ phát triển mãnh liệt trong thân họ. Những hiện tượng và dấu hiệu kỳ lạ có thể làm cho họ phân tâm, hay kiến cho họ tự đánh giá cao về mình (nghĩ lầm đó là những thành tựu của họ). Một số cũng có thể bị trì trệ do sự mất quân bình giữa tín (saddhā) và tuệ (paññā), hay giữa định (samādhi) và tinh tấn (vīriya). Khi thiếu sự nỗ lực tập trung, định trí(samādhi ñāṇa) và nhất tâm sẽ không tiến triển.
Ở giai đoạn Sanh Diệt Trí (udayabhaya ñāṇa -生滅智), khi các hiện tượng kỳ lạ như ánh sáng, trạng thái hoan hỷ, lạc và chánh niệm cao độ xuất hiện. Nếu những tuỳ phiền não hay khó khăn này phát sanh quá trình thiền, sự hướng dẫn của thiền sư lúc đó rất cần thiết để loại trừ chúng. Không có một vị thầy để hướng dẫn và giúp đỡ, những nỗ lực thiền của hành giả có thể trở thành vô ích. Đó là lý do tại sao Đức Phật đã chờ đợi để sẵn sàng đưa ra sự hướng dẫn trong lúc Tôn giả Vappa tiến hành hành thiền, mà không đi ra ngoài khất thực.
Với sự hướng dẫn và trợ giúp này, Tôn giả Vappa đã đắc nhập lưu thánh quả sau khoảng một ngày nỗ lực. Sau khi chứng ngộ tứ thánh đế, ngài được an lập trong những đức và phẩm chất của bậc Kiến Pháp (diṭṭha dhamma). Tự thân biết rõ chân lý, tất cả mọi hoài nghi về Pháp biến mất. Đồng thời có được sự can đảm của niềm tin, sẵn sàng đương đầu với bất kỳ câu hỏi nào liên quan đến Giáo Pháp. Sau khi đã có đủ tư cách như vậy, ngài thỉnh cầu Đức Phật cho phép gia nhập vào Tăng Đoàn. Và Đức Phật chấp nhận lời thỉnh cầu của Tôn giả bằng những lời chào đón “Hãy đến, này Tỳ-kheo” (“Ehi Bhikkhu”).
Tôn giả Bhaddiya, Mahānāma và Assaji cũng lần lượt đắc đạo quả nhập lưu và bỏ lại đằng sau mọi do dự, có được sự can đảm của niềm tin trong pháp, đã thỉnh cầu sự cho phép nhập vào Tăng Đoàn vào ngày thứ hai, thứ ba, và thứ tư của tháng Wāso. Đức Phật đã xuất gia cho các vị bằng cách nói “Ehi Bhikkhu”.
Vào ngày trăng khuyết thứ năm của tháng Wāso, Đức Thế Tôn đã tập trung cả năm vị Tỳ-kheo lại và dạy các vị bài Kinh Vô Ngã Tướng. Vào lúc đó, trong khi nghe pháp, tất cả năm vị đều quán trên năm thủ uẩn và phát triển các minh sát đạo, nhờ vậy đều đắc A-la-hán Thánh Quả.