TÔN GIẢ KIỀU TRẦN NHƯ ĐÃ ĐẮC TRI KIẾN CAO THƯỢNG TRONG KHI NGHE PHÁP NHƯ THẾ NÀO?
Tôn Giả Kiều Trần Như có thể đã tu tập Bát Thánh Đạo và đắc đạo quả nhập lưu lúc Đức Phật đang nói về Trung Đạo hay Bát Thánh Đạo trong thời pháp của ngài. Khi Đức Phật nói về tứ Thánh Đế cũng vậy, có thể vị này đã quán trên đó để biết những gì cần phải được biết và đạt đến tri kiến cao thượng của thánh đạo và thánh quả. Đặc biệt khi Tôn Giả nghe Đức Phật nói rằng khổ đế phải được tuệ tri và đạo đế phải được tu tập, rất có thể ngài đã quán trên khổ đế hay năm thủ uẩn và nhờ tu tập minh sát đạo, ngài đã đắc tri kiến cao thượng thuộc đạo quả nhập lưu.
Còn về việc quán khổ, bằng cách ghi nhận âm thanh của pháp ở mỗi sát-na nghe, Tôn Giả đã biết được thực tại đúng như thực cũng như bản chất vô thường, khổ, và vô ngã của chúng, và tu tập Bát Thánh Đạo theo cách này. Khi sự cảm kích sâu lắng về ý nghĩa của bài pháp khởi lên, ngài cũng quán trên đó. Sự cảm kích pháp và sự cảm kích âm giọng thuyết pháp (của Đức Phật) cũng có thể được ngài ghi nhận ngay lúc nó xuất hiện. Hân hoan đi liền sau sự cảm kích, và hỷ (pīti) cùng sanh với nó cũng được quán. Điều hoàn toàn có thể xảy ra là hỷ đã được ngài dùng như một đối tượng cho sự quán của ngài. Kinh điển Pāḷi thường đề cập rằng, vào khoảnh khắc khi mà tâm đã được sửa soạn thích hợp, mềm mại, nhu nhuyến, thoát khỏi các triền cái, phấn chấn và hân hoan, đầy đủ niềm tin và lòng mộ đạo, nhiều người đã đắc tri kiến cao thượng khi nghe bài kinh về tứ thánh đế này. Bát Thánh Đạo cũng được tu tập bằng cách ghi nhận những gì đang xảy ra trong thân, những cảm thọ khổ hay cảm thọ lạc trong thân, và bằng cách quán trên hành động cung kính đảnh lễ Đức Phật.
Thấy, nghe,… đã đề cập ở trên đối với danh (nāma) và sắc (rūpa) đang sanh trong hiện tại không chỉ là paññatti (chế định pháp), không chỉ là những từ ngữ hay tên gọi; mà chúng là chân đế pháp (paramattha dhammas), những thực tại tối hậu vốn thực sự hiện hữu, thực sự xảy ra. Các thủ uẩn cũng là những thực tại. Khổ đế cần phải tuệ tri cũng là một thực tại, paramattha dhamma. Khi ghi nhận các hiện tượng, hợp theo lời dạy trong kinh rằng khổ đế phải được tuệ tri, thì khổ đế phải được tuệ tri qua sự hiểu biết bản chất vô thường, khổ, và vô ngã của chúng. Mỗi lần tuệ tri theo cách này, tham ái vốn có thể sanh sẽ không có cơ hội để sanh do khái niệm thường, lạc, ngã, tịnh đã bị diệt trừ. Đây là sự đoạn trừ tạm thời của tập đế (samudaya).
Si mê hay vô minh không hiểu biết về đối tượng quán cùng với phiền não (kilesā), nghiệp (kamma) và quả (vipāka) có thể sanh cùng với nó sẽ biến mất và diệt với mỗi sát-na ghi nhận. Đây là sự diệt tạm thời được thành tựu với mỗi sát-na ghi nhận. Tất nhiên minh sát đạo cũng đã được tu tập ở mỗi sát-na quán này. Như vậy, bằng việc ghi nhận những gì được thấy, nghe… trong lúc ấy, Tôn Giả Kiều Trần Như đã phát triển minh sát biết tứ Đế đúng như nó phải được biết và đạt đến đạo quả nhập lưu trong khi đang nghe bài kinh Chuyển Pháp Luân; hay nói cách khác vị ấy đã trở thành một bậc thánh nhập lưu nhờ chứng đắc thánh đạo và thánh quả tu-đàhoàn ngay khi chấm dứt bài kinh.