PHẢI CHĂNG ĐẮC ĐẠO TRÍ LÀ NHỜ BIẾT THƯỞNG THỨC BÀI KINH?
Đây là một điểm cần tranh luận. Phải chăng đó là một sự thực? rằng trong đoạn kinh vừa dẫn, không hề đề cập đến việc Tôn-giả Kiều Trần Như đã tiến hành tu tập minh sát. Nói khác hơn kinh chỉ nói rằng pháp nhãn đã khởi lên trong lúc Đức Thế Tôn đang thuyết giảng hay vừa thuyết giảng xong bài kinh. Như vậy, liệu có thể nói rằng nhập lưu thánh đạo trí phát triển là do biết thưởng thức và hoan hỷ với bài kinh không? Trong trường hợp đó, tất cả những chi tiết về cách Tôn-giả Kiều Trần Như đã tự mình tiến hành tu tập minh sát là thực sự thừa thãi. Đây là một điểm cần tranh luận
Những chi tiết hoàn toàn không thừa thãi. Chính trong Kinh Chuyển Pháp Luân đã nói rõ rằng bát thánh đạo phải được tu tập. Ngoài ra, sự giải thích của chú giải về chánh định (sammādiṭṭhi) cũng nói rằng khổ đế (dukkha saccā) và tập đế (samudaya saccā) phải được tuệ tri bằng cách quán trên chúng, và chỉ khi đạo đi trước hay minh sát đạo đã được hoàn thành đầy đủ thánh đạo trí mới khởi lên. Chú giải cũng xác định rõ là không quán bất kỳ một trong bốn niệm xứ (thân, thọ, tâm, và pháp), thì chắc chắn không thể nào đạt đến minh sát tuệ (vipassanā paññā) và thánh đạo tuệ (ariya paññā). (Tham khảo lại Phần Ba của tập sách này). Kinh điển Pāḷi cũng nói rõ rằng chánh niệm đạo (sammā sati magga) chỉ có thể phát triển bằng sự tu tập tứ niệm xứ.
Vì những lý do này, chúng ta có thể tin chắc rằng không tu tập minh sát đạo thì thánh đạo không thể nào phát sanh. Những chi tiết này được đưa ra để làm cho mọi người dễ hiểu hơn việc thiền minh sát có thể được tu tập trong lúc nghe pháp như thế nào. Do đó, phải chấp nhận rằng, nhờ hành theo một trong những pháp môn thiền đã giải thích ở trên Tôn-giả Kiều Trần Như đã lập tức đắc đạo quả nhập lưu.
Sau khi đã mô tả việc Tôn giả Kiều Trần Như đắc nhập lưu thánh đạo trí, các vị Trưởng lão của kỳ kết tập lần thứ nhất tiếp tục mô tả cách bài Kinh Chuyển Pháp Luân được ca ngợi.