SỰ THỰC TRÍ ĐỐI VỚI TẬP ĐẾ

Idaṃ dukkhasamudayaṃ ariyasacca ’ nti bhikkhave, tathāgatānaṃpubbe ananussutesu dhammesu cakkhuṃudapādi, ñāṇaṃ udapādi, paññā udapādi, vijjā udapādi, āloko udapādi.

(Đây là thánh đế về khổ tập (nhân sanh khổ) mà các bậc Thánh phải biết. Như vậy, này các Tỳ-kheo, đối với các pháp từ trước Ta chưa từng được nghe, nhãn đã sanh khởi nơi ta, trí đã sanh khởi nơi ta, tuệ đã sanh khởi nơi ta, minh đã sanh khởi nơi ta, quang đã sanh khởi nơi ta.)

Trong đoạn kinh trên chữ ‘Đây’ muốn nói đến dục ái (kāma taṇhā), hữu ái (bhava taṇhā), và phi hữu ái (vibhava taṇhā), đã được giải thích ở một phần trước. Khổ xuất phát từ những ái này như thế nào, được giải thích như sau: Dục ái tìm thấy sự thích thú trong các đối tượng dục lạc vốn phải tầm cầu và làm ra. Trong khi theo đuổi chúng, một số người phải nếm trải những khổ đau cùng cực, ngay cả đến mức mất cả mạng sống. Bất kỳ cố gắng nào nhằm kiềm chế tham ái đã sanh cũng dẫn đến khổ đau và bất hạnh. Đi tìm những vật không dễ có được cũng là khổ. Rồi việc phải chăm lo, giữ gìn những tài sản đã hoạch đắc được cũng là công việc rất phiền hà và khó khăn. Ngay cả những người nghiện thuốc và nhai trầu cũng phải chịu khổ khi hết những vật mà họ ưa thích. Người nghiện rượu và ma tuý còn cảm thấy khổ hơn trong những hoàn cảnh thiếu thốn tương tự.

Con người sinh ra một mình. Lúc trẻ, họ vui sống cuộc đời độc thân không có những phiền toái của gia đình. Nhưng khi lớn lên, họ cảm thấy cần một người bạn đồng hành. Và rồi dục ái (kāma taṇhā) xúi giục, họ bắt đầu tìm một người. Khi họ nhắm đến một đối tượng không thể đạt tới được, mối tình của họ kết thúc trong sầu khổ. Và nếu cuối cùng ước nguyện của họ thành công, nghĩa là kiếm được người bạn đời họ cần, phiền não chẳng bao lâu sẽ bắt đầu khi họ tự thấy mình không thích hợp với nhau. Ngay cả khi có được sự hoà hợp với nhau trong cuộc sống hôn nhân, phiền não cũng xuất hiện khi một trong hai người bất ngờ đổ bệnh. Chăm sóc người bệnh quả là một công việc khó nhọc. Đúng thời, cái chết đến với một người, để lại cho người kia sống trong những nỗi thống khổ của bi ai và sầu muộn. Rõ ràng tất cả những khổ đau này đều bắt nguồn từ dục ái (kāma taṇhā).

Nhưng đa số mọi người đều có ảo tưởng cho rằng ái dục này là cội nguồn của hạnh phúc. Họ xem việc hưởng thụ các dục lạc là niềm vui thú ở trên đời. Khi tham ái không bi đánh thức, do thiếu những đối tượng khả lạc hay không có những cảm thọ lạc, cuộc sống đối với họ trở nên đơn điệu và buồn tẻ. Đi viếng chùa hay viếng tháp thì tẻ nhạt; nghe những bài pháp về thiền minh sát còn chán hơn. Trái lại, những sô giải trí như chiếu phim, nhạc kịch,…lại đem đến cho họ sự hứng thú, sung sướng, và vui vẻ. Như vậy, ái này được nuôi dưỡng cẩn thận bằng việc săn đuổi những dục trần khả ái. Những theo đuổi dục lạc điên rồ này được thực hiện dựa trên sự tin tưởng rằng chúng đem đến niềm vui và hạnh phúc. Sở dĩ người ta tin như vậy là vì vô minh đã đưa ra cho họ những hướng dẫn sai lạc.  

Tuy nhiên, những gì có vẻ thú vị và vui sướng ấy, trong thực tế, thật kinh hoàng và đáng sợ bởi vì bản chất sanh và diệt không ngừng của chúng. Dục lạc thì không bao giờ biết chán vì lòng tham (taṇhā) không đáy. Ngay cả sau nhiều ngày, nhiều tháng, nhiều năm hưởng lạc, tham ái vẫn không hề thoả mãn. Vì thế mà con người cứ phải lo lắng chạy đuổi theo các lạc thú không ngừng để giữ cho niềm vui của họ không bị đứt đoạn. Nhưng cuối cùng, khi cái kho dự trữ các dục lạc và cảm thọ cạn kiệt, họ phải cam chịu những bất toại nguyện lớn lao. Đây là sự giải thích ngắn gọn cách tham ái làm phát sanh phiền não và khổ đau trong cuộc sống hiện tại.

Nhưng nguyên nhân đích thực của khổ nằm trong sự kiện rằng tham ái (taṇhā)này khiến cho có sự luân hồi sanh tử bất tận. Những cảnh sắc và âm thanh khả ái kích thích sự khoái cảm và tham muốn, và tham muốn này làm phát sanh chấp thủ. Do chấp thủ , người ta phải dốc hết sức ra để có được nó. Điều này tạo thành Saṇkhāra (hành nghiệp). Do các hành này là nhằm hoàn thành những tham muốn và do tốc hành tâm (javana) của sát na cận tử, hay gọi cách khác là hành tác thức (abhisaṅkhāra viññāṇa— 行作識) có được lực đẩy của nó từ tham ái (taṇhā) bám chặt vào đối tượng xuất hiện lúc đó, thức tái sanh khởi lên liền ngay sau tâm tử. Từ khoảnh khắc thức tái sanh an lập trong hiện hữu mới, có thể nói rằng tất cả những phiền muộn và đau khổ liên quan đến kiếp sống mới đã bắt đầu. Tất cả những phiền muộn này, ngay từ khoảnh khắc của thức tái sanh, đã có gốc của chúng trong tham ái. Đối với các vị A-la-hán, do tham ái đã được đoạn trừ, các vị không còn gặp bất kỳ khổ đau nào của kiếp sống mới nữa. Như vậy dục ái (kāma taṇhā) là nhân đích thực của khổ đau như sanh, già, chết… hay còn gọi là tập đế (samudaya saccā).  

Những người phát nguyện đạt đến các cõi sắc và vô sắc thì ra sức nỗ lực để chứng đắc các thiền sắc giới (rūpāvacara jhāna)và vô sắc giới (arūpāvacara jhāna). Nhờ những thiền chứng này họ được tái sanh trong các cõi Phạm thiên hữu sắc và vô sắc. Là các vị Phạm Thiên (Bhramas), họ thoát khỏi những cái khổ về thân vật lý cũng như những khổ tâm. Thọ mạng của họ không tính bằng năm mà được đo lường dưới dạng chu kỳ thế gian (đại kiếp). Từ quan niệm thế gian thì cuộc sống của họ được đánh giá là một cuộc sống hạnh phúc. Nhưng khi thọ mạng của họ chấm dứt, họ vẫn phải đối đầu với cái chết và chịu những nỗi thống khổ của sự chết (marana dukkha). Họ cũng phải chịu những sầu ưu vì ước nguyện bất tử của họ không được hoàn thành. Sau khi chết cũng vậy, những phiền muộn và khổ não chờ đợi họ trong cõi dục mà họ tái sanh vào. Như vậy, hữu ái (bhava taṇhā), hay khát khao hiện hữu trong thế giới phạm thiên thực sự cũng là khổ đế.

Mong muốn không-hiện hữu sau khi chết (phi hữu áivibhava taṇhā) cũng là nguyên nhân của khổ bởi vì nó khuyến khích những điều ác trong cuộc đời này. Thay vì chùn bước trước điều ác những người chủ theo chủ nghĩa hư vô sẵn sàng làm bất cứ điều gì trong việc theo đuổi chúng và thích thú trong những việc làm ấy. Do những bất thiện nghiệp (akusala kamma) ấy họ phải tái sanh vào bốn cõi khổ (địa ngục, ngạ quỉ, súc sanh, và A-tu-la) trong nhiều kiếp và chịu đựng những nỗi thống khổ cũng như bất hạnh của các cõi này. Do đó, rõ ràng phi hữu ái (vibhava taṇhā), phát sanh từ đoạn kiến này, là nguồn gốc thực sự của khổ hay tập đế (samudaya saccā).  

Cả ba loại ái này đều là nhân căn để của khổ, Đức Phật đã chứng thực được điều đó và tuyên bố ngài đã thấy được chúng như thế nào: “Nhãn, thấy rằng đây là Khổ Tập Thánh Đế, đã sanh khởi nơi Ta.” Biết được đây là khổ tập thánh đế là sự thực trí (saccā ñāṇa). Sự thực trí biết (tập) đế sanh khởi trước và sau sự đến của Thánh Đạo. Vào sát-na Đạo, phận sự biết (tập) đế cũng được hoàn thành, theo cách từ bỏ hay đoạn trừ, pahāna paṭivedha (thể nhập bằng đoạn trừ).  

Tóm lại, cái biết tứ đế trước, sau và vào sát-na Đạo là sự thực trí (saccā ñāṇa).

 

 

Các bài viết trong sách

Trả lời

Từ điển
Youtube
Live Stream
Tải app