PHIỀN NÃO NGỦ NGẦM THỰC SỰ HIỆN HỮU

Mặc dù Kinh và Vi Diệu Pháp (Abhidhamma) nói rõ rằng có sự hiện hữu của phiền não ngủ ngầm (anusaya kilesā). Một số người vẫn quả quyết cho rằng không có thứ gì gọi là phiền não ngủ ngầm cả, chỉ do khả năng lưu giữ của tâm mà phiền não phát khởi vậy thôi. Điều này rõ ràng đã biểu lộ sự bất kính hoàn toàn đối với những lời dạy của Đức Phật.

Cứ suy xét một lúc xem. Ở những đứa bé trước tuổi dậy thì, sự khát khao dục lạc dưới hình thức ham thích người khác phái, vẫn chưa tự thể hiện. Điều này không phải vì chúng không có phiền não (kilesā), mà chỉ vì vào lúc ấy cơ hội cho phiền não (kilesā) này sanh khởi vẫn chưa có. Nó vẫn ngủ ngầm trong chúng và chỉ xuất hiện khi những điều kiện thích hợp có mặt. Mọi người đều biết rằng, khi đến tuổi dậy thì, chỉ cần thấy hay nghe tiếng nói của người khác phái lập tức những dục vọng liền khởi lên trong chúng. Nó chỉ xảy ra một cách tự nhiên chứ không phải do chúng đã được thấy hay được nghe về chuyện này trước đó và ghi nhớ nó trong tâm. Thực sự điều này xảy ra là vì có những phiền não (kilesā) ngủ ngầm trong những đứa bé ấy và bây giờ chúng tìm được cơ hội để sanh khởi mà thôi.

Lại nữa, lấy trường hợp của một số người có đức tin nơi Tam Bảo, đó là có lòng tin đối với Đức Phật, Giáo Pháp, và Chư Tăng. Nhưng khi bị các vị đạo sư của các tôn giáo khác tác động, họ bắt đầu ấp ủ hoài nghi, vicikicchā, về Phật, Pháp, Tăng. Một số thậm chí còn thay đổi tín ngưỡng của mình để đi theo tà kiến. Hoài nghi và tà kiến khởi lên trong họ không phải do khả năng ghi nhớ trong tâm; mà ngày nào chưa bị loại trừ bằng Thánh Đạo (Ariya Magga) chúng luôn luôn có mặt trong họ vậy.

Các bậc thánh thời Đức Phật đã diệt trừ được tà kiến và hoài nghi bằng nhập lưu thánh đạo (sotāpanna magga) do vậy không vị đạo sư nào, ngay cả vua trời Đế Thích và MaVương (Māra) có thể tác động làm cho họ chấp nhận tà kiến, nuôi dưỡng hoài nghi về tam bảo. Điều này là do những phiền não ngủ ngầm trong họ đã bị thánh đạo loại trừ.

Những bậc thiện nhân có cơ hội nghe hay đọc bài Kinh Chuyển Pháp Luân này nên ghi nhớ dứt khoát trong tâm rằng có những phiền não đang nằm ngầm trong tâm mình chỉ chờ cơ hội để khởi lên và rằng tham ái này, vốn là nhân đích thực của khổ, phải được đoạn trừ bằn thánh đạo qua việc tu tập thiền minh sát (vipassanā bhāvanā).

Tóm lại, biết rằng đây là pháp (dhamma) cần phải đoạn trừ là phận sự trí (kicca ñāṇa)đối với sự thực về nguồn gốc của khổ (tập đế). Phận sự trí biết những gì cần phải làm đối với tập đế này phải được tu tập trước khi thánh đạo xuất hiện. Như vậy, phận sự trí là tri kiến đi trước (nó) biết những gì cần phải được biết, những gì cần phải được đoạn trừ, những gì cần phải được chứng ngộ, và những gì cần phải được tu tập.Đối với Đức Thế Tôn, phận sự trí này xuất hiện, không phải do nghe từ người khác. Do đó Ngài thừa nhận: “Đây là Thánh Đế về nguồn gốc của khổ phải được đoạn trừ. Như vậy, này các Tỳ-kheo, đối với các pháp từ trước chưa từng được nghe, nhãn đã sanh khởi nơi ta, trí đã sanh khởi nơi ta, tuệ đã sanh khởi nơi ta; minh đã sanh khởi nơi ta, và quang đã sanh khởi nơi ta. Rồi Đức Thế Tôn tiếp tục giải thích cách ngài đã hoàn thành phận sự đoạn trừ (tập đế).

 

 

Các bài viết trong sách

Trả lời

Từ điển
Youtube
Live Stream
Tải app