PHẬN SỰ TRÍ ĐỐI VỚI DIỆT ĐẾ
‘Taṃkho panidaṃdukkhanirodhaṃariyasaccaṃsacchikātabba ’ nti me, bhikkhave, pubbe ananussutesu dhammesu cakkhuṃ udapādi, ñāṇaṃudapādi, paññā udapādi, vijjā udapādi, āloko udapādi.”
(“Đây là thánh đế về sự diệt khổ cần phải chứng ngộ. Như vậy này các Tỳ-kheo, đối với các pháp từ trước chưa từng được nghe, nhãn đã sanh khởi nơi ta, trí đã sanh khởi nơi ta, tuệ đã sanh khởi nơi ta; minh đã sanh khởi nơi ta, và quang đã sanh khởi nơi ta.”)
Đây là trí (Ñāṇa) biết rằng diệt đế, tức Niết-Bàn, sự diệt của tham ái (taṇhā), là pháp phải được chứng ngộ. Trí này được gọi là phận sự trí (kicca ñāṇa) vì lẽ nó là trí biết phận sự nào phải được thực hiện đối với diệt đế (nirodha saccā).
Và đây là cách sự chứng ngộ xảy ra: vào sát-na Hành Xả Trí (Saṅkhār-Upekkhā-Ñāṇa) được thiết lập vững chắc và đầy đủ, khi (hành giả) quan sát một trong những hiện tượng sanh và diệt, nhịp độ nhận thức càng lúc càng trở nên nhanh hơn cho đến khi các hành (saṅkhāras) là đối tượng quán và tâm biết lao nhanh vào trạng thái diệt ở đây tất cả hành khổ đều chấm dứt. Vào lúc chứng ngộ sự diệt của tất cả pháp hữu vi (các hành) như thế, tham ái (taṇhā) cũng đi đến sự diệt. Vì vậy sự diệt ái được định danh là diệt đế (nirodha saccā) và được nhận thức bằng thánh đạo qua sự chứng ngộ. Sự chứng ngộ này gọi là thể nhập bằng chứng ngộ (sacchikiriya paṭivedha).
Diệt đế là chân lý phải được chứng ngộ và sự chứng ngộ như thế gọi là thể nhập bằng sự chứng ngộ (sacchikiriya paṭivedha).
Mục đích của việc ghi nhận mọi trường hợp thấy, nghe, xúc chạm, biết,..là để hoàn thành công việc thể nhập bằng sự chứng ngộ qua sự chứng đắc diệt đế. Đức Phật đã hoàn thành phận sự sacchikiriya paṭivedha này bằng sự chứng ngộ Niết Bàn qua A-la-hán thánh quả trên “bồ đoàn bất bại” dưới gốc cây Bồ Đề. Ngài đã kể lại cách ngài phát triển phận sự trí, sau khi duyệt lại sự hoàn tất của công việc (bằng phản khán trí), như sau.