DĨ TÁC TRÍ ĐỐI VỚI TẬP ĐẾ
Taṃkho panidaṃdukkhasamudayaṃariyasaccaṃpahīna ’ nti me, bhikkhave, pubbe ananussutesu dhammesu cakkhuṃudapādi, ñāṇaṃ udapādi, paññā udapādi, vijjā udapādi, āloko udapādi.
(Đây là thánh đế về nguồn gốc của khổ (tập đế) đã được đoạn trừ. Như vậy, này các Tỳ-kheo, đối với các pháp từ trước chưa từng được nghe, nhãn đã sanh khởi nơi ta, trí đã sanh khởi nơi ta, tuệ đã sanh khởi nơi ta; minh đã sanh khởi nơi ta, và quang đã sanh khởi nơi ta.)
Trên đây là lời giải thích về cách trí hồi quan hay trí phản khán nhớ lại sự hoàn thành công việc đoạn trừ, xảy ra sau khi vị ấy đã đoạn trừ xong những gì cần phải đoạn trừ, đó là đoạn trừ tham ái (taṇhā) hay tập đế. Trí nhớ lại sự hoàn thành của công việc phải được thực hiện này được gọi là dĩ tác trí (kata ñāṇa).
Liên quan đến tập đế, điều đặc biệt đáng lưu ý ở đây là bốn thánh đạo nhận thức Niết-Bàn bằng cách chứng đắc. Ở giai đoạn đầu tiên của sự nhận thức này, những tham ái dẫn đến bốn cõi khổ được đoạn trừ; ở giai đoạn thứ hai, những hình thức thô của tham dục, hay còn gọi là dục ái (kāma taṇhā), bị thủ tiêu. Ở lần thứ ba, những hình thức vi tế của dục ái này biến mất. Tất cả những tham ái còn lại được đoạn trừ hoàn toàn khi Niết-Bàn được nhận thức ở lần thứ tư. Sự đoạn trừ của tham ái như vậy được gọi là biết tập đế bằng bốn thánh đạo hay thể nhập bằng đoạn trừ (pahāna paṭivedha). Hành động đoạn trừ này tạo thành cái biết những gì cần phải được biết bằng thánh đạo. Như vậy tập đế là pháp phải được đoạn trừ và sự đoạn trừ này được gọi là thể nhập đoạn trừ (pahāna paṭivedha). Dĩ tác trí (kata ñāṇa) cũng rất quan trọng. Mục đích của việc hành thiền thực sự là để loại trừ các phiền não (kilesā) và tham ái (taṇhā). Nói chung, sự chứng đắc thắng trí, sự hoàn thành những gì cần phải được làm, chỉ được hoàn tất và bảo đảm khi tham ái và các phiền não này được đoạn trừ. Điều chính yếu là phải tự mình xét kỹ xem đã thực sự thoát khỏi tham ái và những phiền não này hay chưa. Ngay cả ở giai đoạn chứng đắc thấp nhất, đó là chứng đắc nhập lưu thánh quả, tham ái thúc đẩy những bất thiện nghiệp đưa đến các cõi khổ cũng đã được đoạn trừ; và người hành thiền cũng thoát khỏi những tham ái xúi giục sự vi phạm vào ngũ giới. Sự thích thú và khoái cảm đi kèm với tham ái và tà kiến cho rằng có một cái tôi hay thực thể sống, phải được đoạn trừ. Chỉ khi một người được giải thoát hoàn toàn khỏi những tham ái này, sự tuyên bố chứng đắc nhập lưu (sotapanna) mới được chấp nhận, nếu không thì bất kỳ lời tuyên bố chứng đắc nào cũng cần phải xét lại.
Chúng tôi đã đề cập tương đối đầy đủ về ba loại trí, sự thực trí (saccā ñāṇa), phận sự trí (kicca ñāṇa), và dĩ tác trí (kata ñāṇa) liên quan đến tập đế. Bây giờ chúng tôi sẽ tiếp tục bàn về ba trí liên quan đến diệt đế.