TỨ ĐẾ ĐƯỢC TUỆ TRI BẰNG THÁNH ĐẠO CÙNG MỘT LÚC NHƯ THẾ NÀO?

Đây là cách nó xảy ra: khi diệt đế (nirodha saccā) hay gọi cách khác là Niết Bàn Tịch Tịnh được tuệ tri qua sự chứng đắc thực sự, phận sự tuệ tri khổ đế được hoàn thành nhờ nhận ra rằng danh- sắc và các hành, vốn sanh và diệt không ngừng, quả thực là khổ. Sau khi đã nhận ra chúng như chỉ là sự thể hiện của khổ, người hành thiền sẽ không còn thích thú, tham ái hay chấp thủ gì với chúng nữa.

Sự đoạn trừ ái (taṇhā) xảy ra ở bốn giai đoạn: nhờ đạt đến sơ đạo (tu-đà-hoàn đạo), tham ái (taṇhā) vốn sẽ đưa đến các cõi khổ (địa ngục, ngạquỷ,…) và tham ái sẽ khiến cho phải tái sanh hơn bảy lần trong các cõi vui dục giới (sugati: cõi trời và cõi người…), không thể phát sanh. Nhờ nhị đạo (tư-đà-hàm đạo), những hình thức thô hơn của ái dục và ái vốn sẽ khiến cho phải tái sanh hơn hai lần trong cõi vui dục giới được loại trừ. Tam đạo (a-na-hàm đạo) diệt những hình thức vi tế hơn của ái. Nhờ tứ đạo (A-la-hán đạo), ái sắc (rūpa rāga) và ái vô sắc (arūpa rāga) hay gọi cách khác là khát ái đối với hiện hữu không thể phát sanh. Ở đây cần phải ghi nhớ rằng tham ái đối với sự hiện hữu (hữu ái)dù vẫn còn trong những người ở địa vị a-na- hàm (thánh bất lai) nhưng không đi kèm với thường kiến (sassata diṭṭhi).

Sự không sanh khởi của ái này đồng nghĩa với sự hoàn thành của tuệ thể nhập theo cách đoạn trừ. Đối với các thánh đạo, vì chúng được kinh nghiệm trong tự thân mỗi người, nên sự tuệ tri được hoàn thành theo cách tu tập. Vì lẽ đó, chú giải nói rằng: “Đối với ba đế, khổ (dukkha), tập (samudaya) và đạo (magga), sự tuệ tri được hoàn thành lần lượt bằng liễu tri (pariññā), đoạn trừ (pahāna), và tu tập (bhāvanā).”

Như đã giải thích ở trên, thánh đạo trí (ariyamagga ñāṇa), do tuệ tri diệt đế (nirodha saccā) bằng cách chứng ngộ (Niết-Bàn), sẽ hoàn thành phận sự tuệ tri ba đế còn lại. Cũng vậy, minh sát trí (vipassanā ñāṇa), do quán và tuệ tri khổ đế, cũng sẽ hoàn thành phận sự tuệ tri ba đế còn lại.

Chúng tôi xin tóm tắt lại điều này như sau:

  1. Khi đạo (magga) thấy một trong bốn đế.
  2. Nó hoàn thành phận sự tuệ tri cả bốn (đế), (Tuệ thể nhập đối với cả bốn đế được thiết lập.)

Khi minh sát đạo (vipassanā magga), đã được tu tập để quán và tuệ tri khổ đế, trở nên đủ mạnh, tám thánh đạo sẽ được thiết lập và lao vào Niết-Bàn giới (Nibbānic dhātu), ở đây tất cả khổ liên quan đến các hành danh và sắc thuộc đối tượng cũng như tất cả khổ liên quan đến các hành của tâm hay biết, diệt.

  1. Với sự diệt của ái có sự diệt của khổ.
  2. Và Chánh Đạo chứng ngộ sự diệt này.

Sự diệt của ái được kèm theo bởi sự diệt của tất cả khổ trong ngũ uẩn. Do đó, vào sát-na Thánh Đạo được thiết lập, đối tượng của sự quán không chỉ là sự diệt của ái mà còn là sự diệt của tất cả khổ trong ngũ uẩn nữa. Những gì được hàm ý trong lời dạy ‘về sự diệt của ái’ phải được hiểu như bao gồm luôn “sự diệt của tất cả khổ thuộc các hành (saṅkhāra)”, bởi vì chỉ có “sự diệt của tất cả khổ thuộc các hành” mới tạo thành Niết-Bàn đích thực, diệt khổ thánh đế. Do đó, Niết-Bàn đã được định nghĩa như là sự diệt của tất cả hành (saṅkhāras). Như vậy sự thiết lập của Thánh Đạo rõ ràng chỉ theo nghĩa đã đạt đến giai đoạn ở đây tất cả danh (nāma), sắc (rūpa) và các hành (saṅkhāra) ngưng hiện hữu, trở thành không mà thôi.

 

 

Các bài viết trong sách

Trả lời

Từ điển
Youtube
Live Stream
Tải app