DIỆT ĐẾ (NIRODHA SACCĀ)

Idaṃ kho pana, bhikkhave, dukkhanirodhaṃ ariyasaccaṃ– yo tassāyeva taṇhāya asesavirāganirodho cāgo paṭinissaggo mutti anālayo.

“Này các Tỳ-kheo, bây giờ Như Lai sẽ giảng về Diệt Đế (Thánh đế về sự Diệt của Khổ), chân lý đích thực mà các Bậc Thánh nên biết. Đó chính là ly tham, đoạn diệt, không có dư tàn khát ái ấy, sự quăng bỏ, từ bỏ, giải thoát, không có chấp trước khát ái ấy.”

Như vậy thánh đế về sự diệt khổ chính là sự diệt của tham ái, tập đế (samudaya saccā), gọi cách khác là khổ tập thánh đế. Nhờ minh sát trí (vipassanā ñāṇa) và Thánh đạo trí (Ariya magga ñāṇa) tham ái không có cơ hội phát sanh và diệt mất. Nó cũng giống như đêm tối bị xua tan bởi ánh sáng mặt trời vậy. Khi A-la-hán thánh đạo trí (Arahantta magga Ñāṇa) xuất hiện, tham ái không còn cơ hội để sanh và bị tuyệt diệt. Với sự diệt của tham ái (taṇhā), các uẩn danh và sắc cho một kiếp sống mới không thể xuất hiện và ngưng hiện hữu hoàn toàn. Sự không khởi lên hay sự diệt của tham ái này được gọi là Thánh Đế về Sự Diệt của Khổ (Khổ Diệt Thánh Đế). Sự diệt của tham ái bằng A-la-hán thánh đạo trí là sự diệt hoàn toàn không còn dư tàn của tham ái và là hình thức diệt cao quý nhất và cao tột nhất.

Có những hình thức diệt thấp hơn, chẳng hạn như sự diệt bằng Bất Lai Thánh Đạo (anāgāmi magga) vốn chỉ dập tắt hoàn toàn dục ái (kāma taṇhā); sự diệt bằng Nhất Lai Thánh Đạo (sakadagāmi magga) chỉ diệt được những hình thức thô của dục ái; sự diệt bằng Nhập Lưu Thánh Đạo (sotāpatti magga) chỉ loại trừ được những dục ái nào đưa đến tái sanh trong những cõi khổ. Do những sự diệt này chỉ liên quan đến sự diệt phần nào tham ái nên có thể xem chúng như những loại Diệt Đế (nirodha saccā) cấp thấp. Có một hình thức diệt khác xảy ra do hành thiền trên tính chất vô thường, bất toại nguyện và vô ngã của các hiện tượng.Thực ra, trong suốt giai đoạn quán trên những tính chất ấy, tham ái không có cơ hội phát sanh và vì vậy sự diệt tạm thời của tham ái xảy ra mà thôi. Nó có thể được xem như sự diệt nửa vời của tham ái bằng sự phát triển minh sát trí. Mỗi lần một người chuyên tâm hành thiền minh sát, có thể nói rằng họ đang thực hiện sự diệt tạm thời của tham ái này.

Kinh điển Pāḷi đưa ra những giải thích sau về sự diệt của ái bằng cách trả lời câu hỏi tham ái này khi xả ly thì xả ly ở đâu, khi diệt trừ thì diệt trừ ở đâu? “Chỗ nào trên đời này có những pháp thích ý, vừa lòng, ở đó ái này có thể được xả ly, có thể được diệt trừ.”

Ở đây, các pháp thích ý, vừa lòng, như đã giải thích ở trên, là sáu căn môn: nhãn, nhĩ, tỷ, thiệt, thân, và ý; sáu trần cảnh: sắc, thanh, hương, vị, xúc, và pháp; sáu thức: nhãn thức, nhĩ thức, tỷ thức, thiệt thức, thân thức, và ý thức. Về chi tiết có thể tham khảo trong Kinh Đại Niệm Xứ.

Xả ly và diệt trừ về ý nghĩa giống như nhau. Tương tự, từ bỏ (cāgo), xả ly (paṭinissaggo-捨離); giải thoát (mutti — 解脱); vô chấp trước hay không tham muốn (analayo— 無執著<着>)… tất cả đều bao hàm cùng một ý nghĩa như nirodha, tức sự diệt, hay huỷ diệt.

 

—————————–

Bài viết được trích từ Phần VI – Giảng Giải Kinh Chuyển Pháp Luân, tác giả Tỳ Khưu Mahasi Sayadaw

Link  Phần VI – Giảng Giải Kinh Chuyển Pháp Luân
Link  tải sách ebook Phần VI – Giảng Giải Kinh Chuyển Pháp Luân
Link  video Phần VI – Giảng Giải Kinh Chuyển Pháp Luân
Link  audio Phần VI – Giảng Giải Kinh Chuyển Pháp Luân
Link  thư mục tác giả Tỳ Khưu Mahasi Sayadaw
Link  thư mục ebook Tỳ Khưu Mahasi Sayadaw
Link  giới thiệu tác giả Tỳ Khưu Mahasi Sayadaw
Link  tải app mobile Phật Giáo Theravāda

Các bài viết trong sách

Trả lời

Từ điển
Youtube
Live Stream
Tải app