TẬP ĐẾ (SAMUDAYA SACCĀ)
Idaṃkho pana, Bhikkhave, dukkha-samudayo ariya saccaṃ: Yāyaṃtaṇhā ponobhavikā nandīrāsahagatā tatra tatrābhinandinī seyathidaṃ, kāmataṇhā, bhavataṇhā, vibhavataṇhā.
‘Này các Tỳ-kheo, đây là Thánh đế về Khổ tập (nguồn gốc của khổ) mà các Bậc Thánh nên biết: Đó chính là ái này đưa đến tái sanh, câu hữu với hỷ và tham, tìm cầu hỷ lạc chỗ này chỗ kia. Ái này là gì ? Ái có ba loại, đó là dục ái (kāma taṇhā), mong muốn hưởng thụ các dục lạc; hữu ái (bhava taṇhā), khát khao sự hiện hữu vĩnh hằng; và phi hữu ái (vibhava taṇhā), khát khao sự không hiện hữu, hay tin rằng không còn gì sau khi chết. Ba loại ái này là sự thực về nguồn gốc của khổ hay Tập Đế.’
Như vậy, sự thực về nguồn gốc của khổ tuyên bố rằng ái là duyên động lực trách nhiệm cho tất cả các loại khổ đã giải thích, từ cái khổ của tái sanh cho đến cái khổ của năm thủ uẩn. Để diệt khổ, điều chính yếu là phải biết nhân sanh của khổ. Nó cũng giống như phải làm một cuộc chẩn đoán để biết nguyên nhân của bệnh, nhờ đó mới có thể chữa được bệnh. Đức Thế Tôn đã tự thân thể nhập sự thực về nguyên nhân của khổ này và nhờ vậy đoạn trừ hoàn toàn khổ bằng cách loại trừ nhân của nó. Tập Đế (samudaya saccā) hay nguyên nhân của khổ chỉ là tham ái (taṇhā), sự khát khao, thèm muốn các dục trần.
Tham ái đối với các dục trần làm phát sanh sự hiện hữu mới hay nói cách khác là dẫn đến tái sanh (ponobbhavikā (pono-=puna再),【形】再生, tái sanh). Bao lâu người ta còn nằm trong sự kềm kẹp của Tham Ái này, tái sanh sẽ mãi liên tục xảy ra. Vấn đề tái sanh xảy ra như thế nào chúng ta sẽ bàn luận ở một phần sau. Ái này đi tìm lạc thú trong các dục trần và chấp thủ chúng. Nó thích thú với những dục trần dường như khả lạc và thậm chí, giống như chất dầu hay thuốc nhuộm bám dính trên bất cứ bề mặt nào nó tiếp xúc, tham ái cũng bám vào các dục trần ấy một cách dai dẳng. Ái này đi tìm vị ngọt lúc chỗ này, lúc chỗ kia. Không bao giờ có sự nhàm chán hay buồn tẻ trong sự theo đuổi lạc thú. Bất kỳ dục trần dường như khả lạc nào, dù xuất hiện ở đâu, cũng đều đem lại sự thích thú.
Trong cõi người, cuộc sống của giai cấp xã hội thấp kém có thể chẳng có gì hấp dẫn và thích thú đối với những người ở địa vị cao hơn. Tuy nhiên chúng ta có thể thấy những người, không may sanh vào những hoàn cảnh nghèo hèn, nhưng bất chấp cuộc sống của họ có là như thế nào, họ cũng vẫn thích hưởng thụ. Cũng vậy, đối với con người, đời sống thú vật được xem là không khả ái, ghê tởm và khủng khiếp. Mang vào tấm thân của một con rắn hay một loại côn trùng nào đó thật là một ý nghĩ kinh tởm đối với con người. Tuy vậy, nếu chẳng may sự tái sanh xảy ra trong cõi súc sanh, người ta vẫn hài lòng với tấm thân của mình và tìm thấy niềm vui trong cuộc sống của nó. Đó là vì bản chất của tham ái là đi tìm vị ngọt trong mọi hiện hữu, trong mọi dục trần, bất kể tái sanh ở nơi đâu vậy. Do đó Đức Thế Tôn đã mô tả Tham Ái (taṇhā) như đi tìm lạc thú lúc chỗ này, lúc chỗ kia, trong mọi hiện hữu, trong mọi dục trần. Điều này được minh hoạ rõ qua những câu chuyện của vua Sampeya Nāga và Hoàng Hậu Upari.