TÁI SANH XẢY RA NHƯ THẾ NÀO
Bây giờ chúng tôi sẽ bàn về ‘ponobhavika’ — khuynh hướng làm phát sanh những hiện hữu mới hay nói khác hơn là khuynh hướng dẫn đến Tái Sanh.
Vì lẽ Ái (taṇhā) có trạng thái tự nhiên là ham thích và dính mắc, một chúng sanh tìm thấy sự thích thú ở bất kỳ kiếp sống nào nó sanh ra và hưởng thụ bất kỳ đối tượng giác quan nào xuất hiện. Bởi vì nó nhận thấy kiếp sống của nó thật thú vị và khả ái, nên bắt đầu có sự ước muốn cho kiếp sống ấy được trường cửu, vững bền và những đối tượng khả lạc được kéo dài mãi mãi. Trong cố gắng để duy trì chúng đúng như ước nguyện, các tâm hành bắt đầu hoạt động. Những Nghiệp (kamma) hay tâm hành này, có thể là thiện hoặc bất thiện, là nhân cho tái sanh trong những hiện hữu mới.
Như vậy, khi một người sắp chết, một trong ba hiện tượng này có thể xuất hiện trước con mắt tâm của họ, đó là 1. Nghiệp (kamma): nghiệp thiện hay bất thiện; 2. Nghiệp tướng (kamma-nimitta): biểu tượng của nghiệp, có thể là cảnh sắc hoặc âm thanh, mùi, vị, sự xúc chạm hay ý niệm có được vào lúc phạm nghiệp ấy; 3. Thú tướng (gati-nimitta): đây là dấu hiệu của số phận, dấu hiệu về kiếp sống kế tiếp nơi đây người ấy sẽ đi đến để mở ra một kiếp sống mới do kết quả của nghiệp đã tạo. Nghiệp, nghiệp tướng, hay thú tướng xuất hiện đối với người sắp chết được bám chặt bởi năng lực tham ái và không thể nào xua tan khỏi tâm trí người ấy. Cũng giống như cái bóng của một ngọn núi do mặt trời chiều để lại trên mặt đất và bao phủ nó như thế nào, những cảnh của nghiệp, nghiệp tướng hay thú tướng xuất hiện ở các cửa giác quan này cũng vậy, hoàn toàn chiếm lĩnh tâm của người ấy. Những cảnh trần này được bám giữ dai dẳng bởi tốc hành tâm cận tử (maraṇasanna javana), hay gọi cách khác là Hành Tác Thức (abhisaṅkhāra viññāṇa).
Chú thích: Phù hợp với câu: kammaṃkhettam, viññāṇaṃ bijaṃtaṅhā sinohotrong Aṅguttara, Ṭika Nipātavề sự xuất hiện của Kiết Sanh Thức (paṭisandhi viññāṇa) trong kiếp sống mới, theo đó phước nghiệp hay phi phước nghiệp phục vụ như một thửa ruộng. Tác Hành Thức như hạt giống cho sự phát triển của Kiết Sanh Thức, và Ái (taṅhā) có thể ví như sự ẩm ướt hay yếu tố nước (thúc đẩy sự phát triển). Ở đây, Tác Hành Thức (abhisaṅkhāra viññāṇa, thức tạo điều kiện hay làm duyên cho hiện hữu mới), theo Chú giải, là thức kèm theo tư (cetana). Theo cách tương tự, nó khởi lên cùng với tư (cetana) thứ nhất, và nó cũng kèm theo các tư (cetana)sau đó và như vậy, thức xuất hiện sau đó cũng được định danh là Tác Hành Thức (abhisaṅkhāra viññāṇa). Đặc biệt, thức của tốc hành tâm cận tử (maraṇasanna javana viññāṇa) lấy nghiệp, nghiệp tướng hay thú tướng làm đối tượng của nó phải được gọi là Tác Hành Thức (abhisaṅkhāra viññāṇa) bởi vì chính từ thức của tốc hành tâm cận tử này mà kiết sanh thức sanh. Ngoài ra, một hạt giống chỉ nảy mầm khi có sự tiếp xúc với nước, sự ẩm ướt như thế nào thì theo cách tương tự, hạt giống của thức cũng nhận sự hỗ trợ và khích lệ bởi ái vốn đi kèm hay đi trước liền theo nó, chính ái này bám chặt vào nghiệp, nghiệp tướng, hay thú tướng như đối tượng của nó và làm phát sanh kiết sanh thức.
Liền sau sự diệt của sát-na tâm tử các uẩn danh và sắc, tâm tục sanh (paṭisandhi citta), bám chặt vào nghiệp, nghiệp tướng, hay thú tướng như đối tượng của nó, khởi lên ở một vị trí mới trong một kiếp sống mới hoàn tất cùng với căn vật lý mà nó dựa vào. Cùng sanh với mỗi thức còn có các tâm sở (cetasikas). Kiết sanh thức được theo sau bởi các tâm hữu phần (bhavaṅga) tiếp tục trôi chảy suốt kiếp sống do nghiệp lực riêng của mỗi người quy định. Sự sanh khởi của một kiếp sống mới xảy ra do hai yếu tố: nghiệp riêng của một người và tham ái (taṅhā). Tuy nhiên, không có tham ái nghiệp tự nó không thể tạo ra một sanh hữu mới được.
Đối với một vị A-la-hán, các phước nghiệp quá khứ sẽ cho những quả lành trước khi vị ấy nhập diệt (parinibbāna). Những món quà phong phú mà Trưởng-lão Sīvali thọ nhận, sức khoẻ hoàn hảo mà Trưởng-lão Bākula được hưởng là những ví dụ của quả lành. Tuy nhiên những phi phước nghiệp của các ngài cũng sẽ cho những quả dữ như trường hợp thiếu ăn của Trưởng-lão Lossakatissa, hay nghiệp chướng mà Trưởng-lão Moggalāna (Mục-kiền-liên) phải trả, bị bọn người xấu ác đánh bằng gậy gộc cho đến chết. Tuy nhiên, những nghiệp này không còn tiềm lực để tạo ra sự tái sanh mới vì chúng không còn tham ái (taṅhā). Không có sự hỗ trợ và khuyến khích của tham ái vào lúc cận tử, Tác Hành Thức (abhisaṅkhāra viññāṇa)không thể sanh và vì vậy không có sự tái sanh xảy ra. Vì lý do này, chỉ một mình tham ái (taṅhā) được cho là nhân của sự hiện hữu mới hay tái sanh…ponobhavikā, mà thôi.
Do tham ái tạo thành nhân căn để của hiện hữu mới nên Đức Thế Tôn đã xác định Tham Ái là nhân của tái sanh. Đây là những từ mà ngay trong bài pháp đầu tiên (Kinh Chuyển Pháp Luân)Đức Thế Tôn đã dùng để giảng dạy về sự hiện hữu của đời sau. Mặc dù lời dạy này rõ ràng đến như vậy, nhưng vẫn có một nhóm người chủ trương rằng “Đức ThếTôn chỉdạy về kiếp sống hiện tại. Ngài không đụng chạm gì tới kiếp sống tương lai.” Chúng tôi không biết chắc rằng những người này có đang kết hợp những lời dạy của Đức Phật với Đoạn Kiến (uccheda vāda) hay không, nhưng phải nói đây là một cố gắng hết sức lầm lạc của họ! Tuy nhiên, trong thực tế bao lâu Tham Ái (taṇhā) còn tồn tại, do không tu tập Bát Thánh Đạo, hay ngay cả có tu tập, song chưa đạt đến chỗ hoàn mãn, chừng ấy Tham Ái này vẫn sẽ tiếp tục phục vụ như nhân căn để cho sự hiện hữu mới.
Khi Bát Thánh Đạo đã được tu tập hoàn mãn và A-lahán Thánh Đạo và Thánh Quả đã được đạt đến, tham ái sẽ bị đoạn trừ hoàn toàn, lúc đó sẽ không còn tái sanh nữa. Như vậy, khi vận dụng trí phản khán để hồi nhớ lại sự giác ngộ, như Đức Phật hoặc một vị A-la-hán thường làm, ý nghĩ này luôn luôn khởi lên đối với các Bậc Thánh: Ayaṃ antima jāti, natthi dani ponabhavoti…Đây là kiếp sống cuối cùng. Không còn phải tái sanh lại nữa. Sự suy quán này cũng được đề cập trong một phần sau của Kinh Chuyển Pháp Luân. Điều này cho thấy rõ rằng trừ phi tham ái được bứng gốc hoàn toàn, bằng không những kiếp sống mới hay sự trở thành mới chắc chắn vẫn cứ tiếp tục xảy ra.
Tham ái này đưa đến tái sanh như thế nào sẽ được minh hoạ qua một số câu chuyện ở đây. Thực ra có hàng ngàn câu chuyện chứng minh cho sự kiện này, nhưng chỉ cần lấy ba câu chuyện từ các bản Chú Giải Pāḷi và bốn hoặc năm câu chuyện của thời hiện đại này là đủ.