ĐƯỢC TÁI SANH LÀM NGƯỜI TRỞ LẠI SAU KHI LÀM BÒ VÀ CHÓ

Khoảng năm 1300 ME (Lịch Miến), vị Trưởng Lão trụ trì của một ngôi chùa làng ở huyện Monywā bị một thủ lĩnh quân phiến loạn buộc tội ngài đã “ngược đãi” những thuộc cấp của y và bắn chết ngài. Vị Trưởng lão ấy hiện giờ đang ở trong cõi người, là một vị Tỳ-kheo trở lại. Nghe nói rằng vị ấy thậm chí còn đậu các kỳ thi kinh điển nữa. Vị Tỳkheo này kể lại rằng, “Sau khi bị bắn chết tôi đã tái sanh làm một con bò, rồi sau đó làm một con chó và hiện nay làm người trở lại.” Chúng ta thấy, từ mức của một vị Tỳ-kheo trong kiếp người đi xuống mức của một con bò rồi một con

chó dường như rất là thoái hoá. Nhưng đây là sự thật, nếu tham ái (taṇhā) vẫn chưa được đoạn trừ, việc đi xuống nấc thang của sự hiện hữu thấp hơn là điều có thể xảy ra. Như trường hợp của vị Tỳ-kheo Tissa thời Đức Phật trở thành một con rệp do luyến ái tấm y mới chưa mặc của mình chẳng hạn. Vì thế, hiểu rằng bất kỳ ai, với tham ái (taṇhā) chưa đoạn trừ (và như thế tà kiến-diṭṭhi, hoài nghi-viccikicchā cũng còn nguyên vẹn), vẫn phải chịu sự tái sanh, điều thiết yếu là làm sao phấn đấu để đoạn trừ hoàn toàn tham ái hay ít nhất, cũng phải hành làm sao để diệt trừ tà kiến và hoài nghi.

THẬM CHÍ CÓ THỂ TÁI SANH LÀM THẰN LẰN

Khoảng năm 1323 M.E. ở làng Pha Aung We gần Daik-u, có xuất hiện một đứa bé trai lạ, nó nói rằng trước đây nó là một vị sư trú ngụ trong một ngôi chùa ở làng Ywā Waing cách đó khoảng hai dặm. Đứa bé thông minh với trí nhớ rất tốt. Khi người ta đưa nó đến ngôi chùa mà nó nói đã từng ở đó, nó có vẻ biết hết tất cả mọi thứ trong ngôi chùa và có thể nhận dạng từng vật rồi nhắc lại đúng tên của những thí thủ dâng cúng nó. Những gì nó nói được thấy là hoàn toàn chính xác. Đứa bé còn nói sau khi chết trong kiếp làm Tỳkheo ấy nó tái sanh làm một con thằn lằn. Rồi trong kiếp làm thằn lằn, nó thọ nạn khi nhảy từ chùa sang cây dừa kế bên. Nó trượt cái cây và rơi xuống đất gãy xương đùi. Vết thương khiến cho nó chết. Khi nó chết, nó cỡi trên một chiếc xe bò của một người nông dân từ ngôi làng Pha Aung, mà cánh đồng của ông gần ngôi chùa nó ở, và ở lại trong nhà người nông dân ấy. Những gì đứa bé nói về việc cỡi trên chiếc xe bò là sự xuất hiện của thú tướng (gati nimitta), dấu hiệu về nơi đến (tái sanh) lúc cận tử.

Câu chuyện này cũng khiến cho chúng ta hiểu được rằng khi tham ái còn nấn ná, sự tái sanh hay hiện hữu mới vẫn có thể xảy ra và nên biết sợ hãi với điều này để lo tu tập Thánh Đạo đoạn trừ tham ái. Lý do tại sao chúng tôi đưa ra những câu chuyện của thời hiện đại này là, bởi vì có một số người chủ trương rằng không có gì gọi là đời sau cả. Một số khác thì lưỡng lự, bối rối, không thể đi đến kết luận là có hay không có đời sau. Bất chấp những giải thích rõ ràng trong kinh điển về những kiếp sống mới, nhiều người vẫn hoài nghi về những gì được viết vào thời xưa. Vì thế, để khơi dậy đức tin nơi nghiệp và quả của nghiệp trong đời sau, và để giữ vững được sự tin tưởng ấy, chúng tôi đưa ra những câu chuyện này vậy.

Như đã nói ở trên, do tham ái (taṇhā) mà có tái sanh, nên Đức Thế Tôn đã dạy, “Chính sự đói khát này, chính tham ái này đưa đến tái sanh, câu hữu với hỷ và tham, tìm cầu hỷ lạc chỗ này chỗ kia.”. Ngài cũng đưa ra sự giải thích rõ ràng về taṇhā hay tham ái. Thế nào là tham ái này? Trước tiên, có sự khát khao đối với các dục lạc. Thứ hai, có sự dính mắc vào niềm tin về sự thường hằng. Và thứ ba có sự chấp giữ vào quan niệm cho rằng không có đời sau. Ba loại ái này là chân lý hay sự thực về nguồn gốc của khổ (tập đế).

 

 

Các bài viết trong sách

Trả lời

Từ điển
Youtube
Live Stream
Tải app