Nội Dung Chính
SẦU LÀ KHỔ (SOKA DUKKHA)
Soka hay sầu là tình trạng ưu tư và lo lắng nơi một người bị xúc động bởi sự mất mát của người thân, tài sản… 1. Khi sự mất mát xảy ra với thân quyến do bị trộm, cướp, dịch bệnh, hoả hoạn, bão lụt, thì bất hạnh này được gọi là Bất Hạnh về Thân Quyến (Ñātivyasana); 2. Khi sự tiêu hoại về tài sản mà nguyên cớ là do hành động của Vua Chúa (chính phủ), trộm cắp, hay hoả hoạn thì nó được gọi là Bất Hạnh về Tài Sản (bhogavyasana); sự suy giảm về sức khoẻ và tuổi thọ do những chứng bệnh ác tính gây ra gọi là Tổn Giảm về Bệnh Tật (rogavyasana); những sai sót trong giới là Tổn Giảm về Giới (sīlavyasana); Trệch khỏi Chánh Kiến rơi vào Tà Kiến là Tổn Giảm về Tri Kiến (diṭṭhivyasana).
Chúng ta dễ nhận thấy tình trạng buồn phiền vớisự lo lắng và ưu tư quá mức này khi một người bị mất những người thân yêu nhất như vợ, chồng, con cái, anh em, chị em…, hoặc khi những tai hoạ về kinh tế xảy đến với họ. Nói đúng ra sầu (soka) chính là thọ ưu (domanasa vedanā), và như vậy nó là cái khổ nội tại hay Khổ Khổ (dukkha-dukkha). Tình trạng kiệt sức do sầu lo gây ra rất có thể sẽ khiến cho người ta mắc chứng ợ nóng, và góp phần làm cho họ mau già và thậm chí chết sớm. Do là một căn cứ cho những đau đớn về thể xác khác, nên soka hay sầu được xem là đáng sợ và được Đức Thế Tôn xác định là Khổ (dukkha).
Mọi người đều sợ Soka (sầu). Lợi dụng sự sợ hãi này, người ta đã viết nhiều cuốn sách về đề tài “thoát khỏi sầu lo” (Quẳng Gánh Lo Đi…). Nhưng muốn thực sự thoát khỏi sầu lo cách duy nhất là thực hành Tứ Niệm Xứ mà thôi. Nhờ thực hành Tứ Niệm Xứ người ta có thể hưởng được sự giải thoát hoàn toàn khỏi sầu lo như đã được minh hoạ bằng hình ảnh của Tể Tướng Santati và Trưởng Lão Ni Pācātārā[1]. Thời buổi này cũng có những người sầu khổ vì mất vợ mất chồng, những người phiền muộn vì làm ăn thất bại, đã đến thiền viện của chúng tôi để hành Tứ Niệm Xứ. Từng ngày từng ngày trôi qua, sầu lo của họ giảm dần và cuối cùng sự giải thoát hoàn toàn khỏi sầu lo đã đến với họ.
BI LÀ KHỔ (PARIDEVA DUKKHA)
Bi (khóc) là tính chất vật lý của âm thanh (âm sắc) do sự than khóc của một người bị xúc động bởi sự mất mát những người thân hay tài sản tạo ra. Người đau khổ gào la một cách cuồng loạn và mất trí, kể lể về những tính tốt của người chết hay giá trị của tài sản bị mất hoặc vạch trần (tội ác) của kẻ thù hoặc tác nhân trách nhiệm cho tai hoạ của mình.
Theo nghĩa trừu tượng, bi là một âm sắc và do đó về bản chất không phải là Khổ (dukkha). Tuy nhiên gào la và kể lể một cách cuồng loạn như vậy thường tạo ra sự khó chịu và đau đớn ở thân. Vì thế mà Đức Phật tuyên bố Bi hay than khóc (parideva) là khổ.
[1] Xem hai tích truyện này trong Đại Niệm Xứ Tường Giải I