Nội Dung Chính
SAṄKHĀRA DUKKHA (HÀNH KHỔ)
Cảnh bình thường mà một người thấy, nghe hay tiếp xúc hàng ngày, những dục trần bình thường như vậy không làm khởi lên một cảm thọ lạc cũng không kích thích một cảm thọ khổ hay khó chịu. Tình trạng trung hoà mà bản chất của nó vốn không khổ, không lạc này được đặt tên là thọ xả (upekkhā vedanā). Tuy nhiên, xả trung tính này không thường hằng. Nó đòi hỏi phải có một sự duy trì liên tục những điều kiện cần thiết cho sự tương tục của nó. Dĩ nhiên, điều này hàm ý phải có một nỗ lực gian khó, và đó chính là Khổ. Vì vậy cảm thọ xả, hay không lạc không khổ này được đặt tên là Hành Khổ (saṅkhāra-dukkha). Ngoài thọ xả này ra, tất cả các hành danh và sắc khác của cõi thế gian cũng được gọi là Hành Khổ (saṅkhāra-dukkha), vì chúng cần phải tạo điều kiện không ngừng.
Ghi nhớ: Thọ xả và các hành danh&sắc của cõi thế gian (hiệp thế) được gọi là Hành Khổ (saṅkhāra-dukkha).
Thọ lạc, để duy trì nó, cũng đòi hỏi phải được tạo điều kiện không ngừng , như vậy đúng lẽ nó phải được xếp vào loại Hành Khổ, nhưng các nhà chú giải bỏ nó ra khỏi sự phân loại này vì nó đã được đặt cho một tên riêng là Hoại Khổ (Viparināma dukkha). Tuy thế, nó cũng phải được xem như Hành Khổ vì điều dễ hiểu là để duy trì nó cần phải có một sự áp dụng đáng kể.
Ba loại khổ vừa giải thích ở trên cần phải được hiểu rõ vì một sự nắm bắt thấu đáo ba loại khổ này sẽ giúp ích cho chúng ta rất nhiều trong việc tuệ tri Khổ Đế.
PAṬICCHANNA DUKKHA (隱覆苦Ẩn Phú Khổ)
Những sự đau đớn ở thân như đau tai, đau răng, đau đầu, no hơi sình bụng v.v… và những nỗi đau trong tâm phát sanh do cầu bất đắc, ham muốn thiêu đốt, thất vọng, sầu tủi và lo lắng được gọi là “Khổ Che Dấu”, Paṭicchanna Dukkha (隱覆苦 Ẩn Phú Khổ), bởi vì chỉ người đang khổ mới biết chúng còn người ngoài chỉ biết được khi người này biểu lộ ra mà thôi. Vì khổ này không hiển thị công khai, nên nó cũng được gọi là ‘Khổ Không Hiển Lộ Rõ’ (Apākata Dukkha 不明 的 苦, Bất Minh Đích Khổ).
APAṬICCHANNA DUKKHA (不覆藏的苦 Bất Phú Tàng Đích Khổ)
Những đau đớn ở thân do dao cắt, giáo đâm, đạn bắn không bị che dấu mà hoàn toàn rõ ràng và hiển lộ ra ngoài một cách công khai. Vì thế nó được gọi là ‘Khổ Phơi Bày’ (Apaṭicchanna Dukkha, 不覆藏的苦 Bất Phú Tàng Đích Khổ), hay ‘Khổ Minh Bạch’, Pakata Dukkha (明白的苦, Minh Bạch Đích Khổ).
PARIYĀYA DUKKHA (理由苦 Lý Do Khổ)
Tất cả các hành danh và sắc có thể làm phát sanh những nỗi đau ở thân và tâm không nằm trong cái khổ chính yếu nhưng vì chúng được xem như căn cứ cho khổ dưới hình thức này hay hình thức khác, cho nên chúng được gọi là Lý Do Khổ (Pariyāya Dukkha 理由苦). Xét về cái khổ mà chắc chắn sẽ phát sanh từ chúng (các hành danh sắc) thì hoàn toàn đáng sợ. Như trong nhưng ví dụ vừa nêu, nó đáng sợ giống như bắt người nào phải bảo đảm một sự giao dịch bằng cách ký một khế ước phải thực hiện sự đền bù sau đó vậy.
NIPPARIYĀYA DUKKHA (直接Trực Tiếp Khổ)
Khổ Khổ (dukkha-dukkha) là loại khổ nội tại. Hoạt động của nó không có tính cách gián tiếp, và do đó nó được gọi là Khổ Trực Tiếp (nippariyāya dukkha).
Trong bảy loại khổ này, jāti hay thọ sanh trong một hiện hữu mới nằm dưới nhóm Lý Do Khổ (Pariyāya Dukkha 理由苦) theo cách phân loại kể trên. Tất cả các loại khổ trong địa ngục như bị lửa địa ngục thiêu đốt, ngục tốt hành hạ trong hàng triệu năm, phát sanh do tái sanh trong địa ngục như hậu quả của bất thiện nghiệp quá khứ. Tất cả các loại khổ trong cõi ngạ quỷ như đói khát, lửa thiêu đốt trong hàng triệu triệu năm, phát sanh do tái sanh trong cõi ngạ quỷ như hậu quả của một nghiệp bất thiện. Những khổ sở, gian nan trong cõi súc sanh mà những con vật như trâu, bò, voi, ngựa, chó, heo, gà, chim, dê, cừu, sâu bọ… phải chịu do tái sanh trong kiếp cầm thú.
Cái khổ của con người được biểu thị bằng sự thiếu thốn những nhu cầu cần thiết cho sự sống như thực phẩm, áo quần, v.v… phát sanh do tái sanh trong kiếp người. Ngay cả khi những nhu cầu ấy có được cung cấp đầy đủ như trường hợp của những người giàu có, thì cũng không thoát khỏi khổ, cái khổ giáng xuống họ dưới hình thức của những nỗi đau thể xác cũng như tinh thần do ốm đau, bệnh tật hay ước muốn không thành, sợ hãi kẻ thù và tuổi già… bức bách. Tất cả những nỗi khổ này xảy ra do tái sanh trong cõi người. Như vậy, do là căn cứ cho tất cả những khổ đau diễn ra trong suốt kiếp người nên Jāti (Sanh) được xem là khổ (dukkha).