NĂM THỦ UẨN VÀO LÚC ĂN
Vào lúc biết vị do ăn, rõ ràng phải có lưỡi, vị và thức biết vị. Trong thức biết vị này có thọ lạc hay thọ khổ về vị, sự nhận thức hay nhớ lại vị, sự vận dụng ý chí và xoay sự chú ý hướng về đối tượng để hoàn tất công việc ăn và chỉ biết vị.
Không ghi nhận “ăn”, “ăn” và lúc ăn và không thấy hiện tượng ăn đúng như thực sẽ dẫn đến sự chấp thủ vào nó như Tôi, của tôi, v.v… Do sự có thể xảy ra của những chấp thủ này, lưỡi, vị và thức biết vị được gọi là thủ uẩn (upādānakkhandhā).
Tóm lại:
- Vào lúc ăn “lưỡi” và “vị” là Sắc Thủ Uẩn (rūpa uppādānakkhandhā).
- Thọ lạc hay thọ khổ của vị là Thọ Thủ Uẩn (vedanā upādānakkhandhā).
- Nhận thức hay ghi nhớ vị là Tưởng Thủ Uẩn (saññā upādānakkhandhā).
- Vận dụng ý chí để nếm và xoay sự chú ý hướng về đối tượng của sự nếm là Hành Thủ Uẩn (saṅkhāra upādānakkhandhā).
- Chỉ biết vị là Thức Thủ Uẩn (viññāṇa upādānakkhandhā)
Trong khi ăn thức ăn, viên một miếng thức ăn trong tay (trong trường hợp ăn bốc, hoặc múc một muỗng thức ăn nếu ăn bằng muỗng), đưa lên (miệng), bỏ vào trong miệng, và nhai thức ăn; tất cả những hành động này liên quan tới sự hay biết cảm giác xúc chạm; tuy nhiên, biết vị trên lưỡi trong khi nhai đồ ăn, là thiệt thức hay thức nếm. Như vậy, ghi nhận “nếm”, “nếm” mỗi khi ăn thức ăn phải được thực hiện để thấy đúng như thực năm uẩn danh và sắc thể hiện vào lúc nếm và cố gắng giữ ở giai đoạn chỉ có sự nếm để không phát sanh sự chấp trước vào nó như: Tôi, của tôi, hay thường, lạc, tịnh, v.v…