KHỔ DO NĂM THỦ UẨN
Những nỗi khổ đáng sợ của sanh, già, bệnh, chết, sầu, bi, khổ, ưu, não phát sanh là do năm thủ uẩn. Bao lâu năm thủ uẩn này còn hiện hữu, những nỗi khổ đáng sợ ấy sẽ vẫn còn. Do đó, năm thủ uẩn tự thân chúng là khổ. Tóm lại, do có sắc thân (rūpa), những khổ thân và khổ tâm dựa trên sắc phát sanh. Do có tâm biết (nāma), những khổ thân và khổ tâm dựa trên đó, phát sanh. Bởi thế, Danh và Sắc tạo thành năm thủ uẩn là Khổ.
Nói cách khác, những nỗi đau đớn không thể chịu đựng được của thân và tâm là những nỗi khổ nội tại Kinh điển Pāli gọi là dukkha-dukkha (khổ-khổ). Đây là những thống khổ mà mọi người đều sợ chúng. Như vậy, thọ khổ (dukkha vedanā), hay thọ thủ uẩn là Khổ Đế đích thực.
Những cảm thọ lạc trong thân và tâm chỉ khả ý, khả lạc khi chúng tồn tại, nhưng khi chúng biến diệt, chúng được thay thế bằng sự khó chịu, sự không thoả mãn mà điều này dĩ nhiên là Khổ. Loại khổ được gọi là Hoại Khổ (vipariṇāma dukkha) này xảy ra do sự thay đổi, chuyển đổi từ một trạng thái hay điều kiện dễ chịu sang một điều kiện khác tồi tệ hơn. Đối với các bậc Thánh, những cảm thọ lạc giống như yêu nữ, làm cho người ta say mê với nhan sắc của nó và biến thành điên loạn. Đối với các vị, những cảm thọ lạc cũng là những thủ uẩn đáng sợ và tạo thành Khổ Đế thực sự. Đồng thời, những cảm thọ lạc cũng vô thường và đòi hỏi phải nỗ lực tạo điều kiện liên tục để duy trì hiện trạng ấy. Điều này dĩ nhiên là phiền phức và do đó đối với bậc trí nó là cái khổ thực sự.
Đối với thọ xả (upekkhā vedanā), và các Thủ Uẩn còn lại — Tưởng, Hành, Thức, và Sắc cũng luôn luôn nằm trong trạng thái tạm bợ và trôi chảy không ngừng, do đó đối với các bậc Thánh chúng cũng thực sự đáng sợ. Mặc dù phải dựa vào các Thủ Uẩn vô thường để sống và chờ chết nhưng nó thật nguy hiểm giống như đang sống trong căn nhà có những dấu hiệu đổ sụp bất cứ lúc nào vậy.
Bản chất tạm bợ của các Thủ Uẩn đòi hỏi phải nỗ lực không ngừng để tạo điều kiện cho sự duy trì hiện trạng của chúng. Hành Khổ (Saṅkhāra Dukkha), cái khổ do phải làm công việc tạo điều kiện không ngừng, này cũng đáng sợ. Do đó, đối với các Bậc Thánh, không chỉ những thọ lạc hay thọ bất lạc mà các thủ uẩn còn lại cũng là Khổ Đế.
Vì tất cả năm thủ uẩn đều được các Bậc Thánh xem như cái khổ thực sự khủng khiếp, nên khi kết luận sự định nghĩa về Khổ Đế, Đức Thế Tôn đã nói, “Tóm lại, năm thủ uẩn, hay gọi cách khác: Danh và Sắc, vốn có thể gây ra những chấp thủ như Tôi, của tôi, hay thường, lạc, ngã chỉ là Khổ”.