ĐỊNH NGHĨA CHÍNH XÁC VỀ KHỔ ĐẾ TRONG KINH ĐIỂN PĀLI
“Idaṃ kho pana, bhikkhave, dukkhaṃ ariyasaccaṃ – jātipi dukkhā, jarāpi dukkhā, maraṇampi dukkhaṃ, soka parideva dukkha domanassupāyasāpi dukkha , piyehi vippayogo dukkho, appiyehi sampayogo dukkho. Yampicchaṃ na labhati tampi dukkhaṃ – saṃkhittena pañcupādānakkhandhā.”
“Này các Tỳ-kheo, Ðây là Thánh đế về Khổ, hay sự thực về khổ mà các bậc Thánh nên biết. Sanh là khổ, già là khổ, chết là khổ, sầu, bi, khổ, ưu, não là khổ, ái biệt ly là khổ, oán gặp nhau là khổ, cầu không được là khổ (chú giải nói rằng mong có được <người hay vật gì đó>nhưng không đạt được những gì mình muốn cũng là khổ). Tóm lại, năm thủ uẩn (năm uẩn tạo thành đối tượng của chấp thủ hay nhóm danh-sắc chấp thủ khái niệm Tôi, của tôi, thường, lạc, ngã…) là khổ”.
TỨ THÁNH ĐẾ
Có rất nhiều hệ thống tín ngưỡng hiện hữu trong thế gian, mỗi tín ngưỡng đều diễn giải quan điểm riêng của mình về những gì mà nó xem là bản chất của Chân Lý. Giáo lý của những tín ngưỡng khác không y cứ trên sự chứng ngộ tự thân về Chân Lý, mà chỉ đơn thuần dựa trên tư duy suy đoán. Tín đồ của họ cũng chấp nhận những giáo lý ấy không qua kinh nghiệm tự thân, mà chỉ dựa vào đức tin thuần tuý. Tất cả những giáo lý ấy đều nằm ngoài Đạo Phật và bao gồm trong sáu mươi hai tà kiến đã được Đức Phật liệt kê trong Kinh Phạm Võng (Brahmajāla Sutta).
Tuy nhiên, sự suy đoán không có chỗ đứng trong Giáo Pháp của Đức Phật. Chân Lý mà ngài dạy được chính ngài khám phá bằng tuệ giác của mình. Tứ Thánh Đế cùng với những định nghĩa của chúng cũng vậy, có được do thắng trí thể nhập của ngài, và được tu tập theo Trung Đạo hay còn gọi là Bát Thánh Đạo (mà như đã nói ở trên, đưa đến thắng trí và tạo ra tuệ thể nhập). Tứ Thánh Đế ấy là:
- Khổ Đế (Dukka saccā).
- Tập Đế (Samudaya Saccā)
- Diệt Đế (Nirodha Saccā)
- Đạo Đế (Magga saccā)
Điều thiết yếu nhất là phải biết Bốn Chân Lý này. Chỉ khi nắm bắt được ý nghĩa của Khổ Đế, người ta mới tránh được Khổ và để tránh khổ, nhân sanh của khổ (Khổ Tập) cũng phải được biết. Lại nữa, để thành tựu sự diệt khổ, nhất thiết phải có trí hiểu biết về những gì tạo thành sự diệt đích thực của khổ (Khổ Diệt). Cuối cùng, sự diệt khổ không thể xảy ra nếu không có sự hiểu biết về con đường thực hành để hoàn thành nó (Đạo Diệt Khổ). Vì vậy trí hiểu biết về Tứ Thánh Đế là điều cần thiết không thể thiếu được.
Sau khi đã nêu lên bốn Chân Lý thiết yếu này, Đức Phật liệt kê chúng theo trình tự. Chân lý thứ nhất đề cập đến Sự Thực của Khổ (Khổ Đế), được ngài mô tả như sau: 1. Sanh, 2. Già, 3. Chết, 4. Sầu, 5. Bi, 6. Khổ, 7. Ưu, 8. Não, 9. Oán tắng hội (gần gũi người hay vật mình không thích), 10. Ái biệt ly (chia lìa người hay vật mình yêu mến), 11. Cầu bất đắc (không được những gì mình monh muốn), 12. Tóm lại, năm thủ uẩn là khổ. Đây là phần dịch của đoạn kinh Pāḷi đã trích dẫn ở trên.