KAMMASSAKATA SAMMĀDIṬṬHI 

Kammassakatā sammādiṭṭhi có nghĩa là tin và chấp nhận quan niệm cho rằng có Nghiệp và có quả của nghiệp ấy. Bất kỳ hành động nào được làm với sự chủ ý là nghiệp (kamma) và nghiệp này tạo ra những quả tốt hay xấu tuỳ theo. Chẳng hạn, người làm những ác nghiệp sẽ gặt những quả báo ác. Những kẻ tội phạm phải đương đầu với sự trừng phạt vì những tội ác của họ, nhẹ nhất trong đó có thể là bị xã hội lên án hay chỉ trích. Ngôn ngữ ghê gớm chắc chắn sẽ bị đáp trả lại bằng ngôn ngữ ghê gớm; một ánh mắt khắt khe đầy ác ý, sẽ bị đáp trả bằng một ánh mắt khắt khe, không thân thiện, trong khi một nụ cười vui vẻ sinh ra một nụ cười vui vẻ. Một lời chào hỏi thân thiện chắc chắn sẽ được thưởng lại bằng sự thân thiện, đáng yêu.

Một đứa trẻ biết cách cư xử, có được sự giáo dục tốt từ nhỏ, sẽ lớn lên thành một con người trưởng thành phát đạt, thành công. Theo đuổi một nghề nghiệp hay một ngành công nghiệp có lợi sẽ đưa đến giàu sang và thịnh vượng, trong khi những cố gắng vô bổ như bài bạc chắc chắn sẽ dẫn đến bại vong. Những trường hợp báo đáp tốt xấu theo những hành động thiện ác như vậy ai cũng có thể thấy trong kinh nghiệm sống hàng ngày của mình.

Quy luật nghiệp báo này chiếm ưu thế trong suốt kiếp luân hồi bất tận của chúng ta, hành động thiện đưa đến quả báo thiện, hành động ác đưa đến những hậu quả xấu. Do kết quả của những ác nghiệp đã làm trong những kiếp quá khứ người ta phải gánh chịu những hậu quả ác hại như đoản thọ, bệnh hoạn, xấu xí, nghèo hèn, không có người theo hay không có ai phụ giúp trong kiếp hiện tại. Những ác nghiệp như sát sanh, hành hạ, trộm cắp, nói dối…đã làm trong kiếp này sẽ cho quả trong những kiếp tương lai, như bị tái sanh trong những cảnh giới hạ liệt và kèm theo bởi những quả báo ác tương tự.

Do kết quả của những thiện nghiệp đã làm trong tiền kiếp trước, những quả báo tốt kết trái trong kiếp hiện tại và người ta hưởng được một cuộc sống trường thọ không bị ốm đau, có đầy đủ sắc đẹp, giàu sang và đông người hầu hạ, giúp đỡ. Tránh những hành động ác như sát sanh, hành hạ, trộm cắp và sẵn sàng làm những thiện nghiệp như bố thí, giúp đỡ và phục vụ tha nhân, người ta được tái sanh trong những cảnh giới cao hơn, hưởng được quả báo của những thiện nghiệp mà mình đã làm này.

Nghiệp tốt cho quả tốt và nghiệp xấu cho quả xấu là những sự thực hiển nhiên. Tin những sự thực này là có Chánh Kiến về Nghiệp Sở Hữu (Kammassakatā sammādiṭṭhi), nghĩa là thấy đúng rằng nghiệp của một người là tài sản riêng của họ.

Chánh kiến này không phải do trực giác thể nhập của một người tạo ra giống như minh sát trí. Nó chỉ đơn thuần là sự chấp nhận quan điểm dựa trên niềm tin vào những lời dạy của các bậc trưởng lão và của kinh điển sau khi đã cân nhắc những trường hợp mà mình biết rõ và tính đáng tin của chúng. Chánh kiến này được kể trong mười phước hành và gọi là thiện hành chánh kiến (sucarita sammādiṭṭhi).Trong khi quan niệm sai lầm phủ nhận sự hiện hữu của nghiệp và quả của nghiệp, bất chấp sự thực hiển nhiên của chúng, là tà kiến (micchādiṭṭhi); nó được xếp như một trong mười phi phước hành và được gọi là ác hành tà kiến (ducarita micchādiṭṭhi).Quý vị có thể tham khảo thêm ở quyển hai của những bài pháp do chúng tôi giảng, Kinh Sallekha, để có sự sáng tỏ thêm về ducarita micchādiṭṭhi (ác hành tà kiến) này. Như vậy:

  1. Quan kiến sai lầm phủ nhận sự thực của Nghiệp và quả của nghiệp là Tà Kiến.
  2. Quan kiến đúng đắn chấp nhận sự thực của Nghiệp và quả của nghiệp là Chánh Kiến.

Thiện hạnh chánh kiến (Sucarita sammādiṭṭhi) hay gọi cách khác là chánh kiến về nghiệp sở hữu (kammasakata sammādiṭṭhi) tạo thành căn bản của tất cả mọi thiện nghiệp. Dựa trên căn bản này, người ta tránh các ác nghiệp và chỉ thực hiện các thiện nghiệp như bố thí, trì giới… Và những phước hành khác như thiền định và thiền minh sát cũng có thể được tu tập. Vì lý do đó, chánh kiến và giới (sīḷa) được tuyên bố là sự khởi đầu cho những thiện nghiệp của định (samadhi)và tuệ (paññā).

“Này các Tỳ-kheo, vì lẽ các vị xin một lời dạy tóm tắt về thiền với mong muốn được độc cư thực hành, Như lai thúc giục các vị nên tu tập để thanh tịnh các pháp tạo thành điểm khởi đầu cho sự phát triển của định và tuệ trước. Và thế nào là những điều kiện khởi đầu phải có này? Đó là Giới thanh tịnh và tri kiến chánh trực.

“Này các Tỳ-kheo, khi các vị đã thanh tịnh giới và giữ tri kiến chánh trực, lúc đó dựa trên giới và trú trên giới, các vị có thể tu tập tứ niệm xứ theo ba cách: quán trên các nội xứ, quán trên các ngoại xứ và quán trên các nội, ngoại xứ.”

Từ những lời dạy này của Đức Thế Tôn, rõ ràng chánh kiến về nghiệp sở hữu và giới thanh tịnh là những nền tảng khởi đầu phải được thết lập trước khi một hành giả bắt tay vào việc thực hành thiền. Và một điều cũng rõ ràng nữa là để tu tập Minh Sát, thì định của bậc thiền (jhāna samādhi)và cận định (upacāra samādhi) là những đòi hỏi phải có để thành tựu sự thanh tịnh tâm ban đầu. Thêm nữa, để thiết lập Thánh Đạo, hiển nhiên minh sát đạo hay gọi cách khác là đạo đi trước (pubbabhāga magga) là điềm báo trước của Thánh Đạo, phải được phát triển trước, do đó, để mô tả Đạo đầy đủ chúng ta có ba giai đoạn: (a) Mūla magga— đạo căn bản (b) Pubbabhāga vipassanā magga — tiền minh sát đạo và (3) Ariya magga — thánh đạo.

Căn bản, điềm báo trước,Thánh Đạo,

Phát triển chúng dẫn đến Niết-Bàn.

 

 

Các bài viết trong sách

Trả lời

Từ điển
Youtube
Live Stream
Tải app