ĐẮC THIỀN PHÁT TRIỂN MINH SÁT NHƯ THẾ NÀO

Nếu người hành thiền nỗ lực, theo cách đã nói ở trên, cho đến khi đắc thiền (jhāna), trí đi kèm với định của bậc thiền là jhāna sammādiṭṭhi (chánh kiến thiền định), trí này không đáng chú ý so với những mục đích của minh sát (vipassanā). Cái được xem là đáng chú ý là định của bậc thiền vốn được dùng cho sự thanh tịnh tâm và như thiền căn bản cho việc hành minh sát. Dùng bậc thiền mà hành giả đã đắc, như một căn bản, hành giả xuất khỏi trạng thái thiền ấy và bắt đầu quán trên các tâm sở đòi hỏi phải có vào sát na chứng thiền, đó là tầm (vitakka), tứ (vicāra), hỷ (pīti), lạc (sukha), nhất tâm (ekaggatā), xúc (phassa), tư (cetanā), tác ý (manasikāra),… Những tâm sở này trở nên rất rõ ràng đối với hành giả; những trạng thái của thân vật lý mà thiền dựa vào cũng vậy. Mỗi sát na sanh của chúng xuất hiện một cách rõ ràng, và lập tức được theo sau bởi sự diệt của nó. Do sự diệt không ngừng ấy hành giả biết rõ rằng nó chỉ là hiện tượng vô thường, bất toại nguyện và vô ngã.

Hành giả luân phiên nhập vào thiền và xuất khỏi nó để quán các hiện tượng tâm vật lý (danh-sắc) có mặt trong đó. Trong khi luân phiên lập đi lập lại việc này nhiều lần như vậy, Minh Sát Đạo (vipassanā magga) được phát triển mạnh mẽ, và chẳng bao lâu dẫn đến sự chứng ngộ Niết-Bàn. Tính khả dĩ của của việc chứng ngộ Niết-Bàn như thế đã được mô tả trong Tăng Chi Kinh (Navaka Nipāta Aṇguttara): “Này các Tỳkheo, ở đây (trong giáo pháp này), vị Tỳ-kheo chứng và trú sơ thiền. Xuất khỏi thiền, vị ấy quán trên sắc, thọ, tưởng, hành, và thức hiện hữu trong sát na thiền và thấy chúng như vô thường, khổ, và vô ngã. Thấy như vậy, vị ấy trú với minh sát trí đã đạt được và đắc A-la-hán Thánh Quả, diệt tận mọi lậu hoặc (āsava).

Đây là cách một hành giả chứng thiền (jhāna lābhi) đạt đến A-la-hán Thánh Đạo bằng thiền minh sát trên tâm và các tâm sở thiền, cũng như trên các hiện tượng danh và sắc thực sự sanh và diệt trong tương tục thân của vị ấy. Ở đây cần lưu ý nghiêm túc đối với sự kiện này, đó là, không chỉ đơn thuần suy xét trên những gì mình đã học từ sách vở, mà phải thực sự quan sát và thấy các hiện tượng sanh và diệt của danh-sắc khi nó xẩy ra bên trong thân mình đúng như thực mới được.

Do đó, hiển nhiên rằng, cũng như một hành giả đắc thiền nhập và xuất khỏi trạng thái thiền, rồi hành thiền trên sự sanh và diệt của của các trạng thái tâm…đã thực sự xảy ra trong sát na liền trước đó như thế nào, thì với hành giả không đắc thiền (a-jhāna labhī) cũng phải quán trên sự sanh và diệt của những trạng thái tâm tham hay sân… khi chúng xảy ra trong những sát na tâm liền trước đó như vậy.

Tóm lại, một hành giả không đắc thiền phải lưu ý rằng minh sát trí đích thực không thể phát triển do đơn thuần xuy xét trên kiến thức sách vở đã học vẹt; mà nó chỉ có thể được phát triển bằng cách quan sát sít sao mọi hoạt động xúc chạm, suy nghĩ, thấy, nghe, ngửi,… trong chính tương tục thân tâm của mình và phân biệt các hiện tượng sanh và diệt của chúng khi nó xảy ra trong sát na tâm liền trước đó.

 

 

Các bài viết trong sách

Trả lời

Từ điển
Youtube
Live Stream
Tải app