CHÁNH TƯ DUY ĐẠO

(Sammā Saṅkappa Magga)

Từ trước đến đây chúng tôi đã giải thích chi tiết xong bảy loại đạo. Bây giờ chúng tôi sẽ tiếp tục xét đến đạo còn lại, đó là chánh tư duy đạo (sammā saṅkappa magga).

“Này các Tỷ kheo, thế nào là Chánh tư duy? Tư duy về ly dục, tư duy về vô sân, tư duy về bất hại. Này các tỷ kheo, như vậy gọi là Chánh tư duy.”

Tất cả những tư duy hay suy nghĩ về việc làm thiện như thực hiện các nghiệp công đức, xuất gia (sống đời một nhà sư), nghe pháp, và thực hành pháp là những nhân tố của tư duy xuất ly hay tư duy ly dục (sammā saṅkappa).

Pabbajjā pathamaṃ jhānaṃ,

Nibbānañca vipassanā

Sabbepi kusalā dhammā,

Nekkhammanti pavuccare

Theo bài kệ trên thì rõ ràng hành thiền minh sát sẽ hoàn thành nhân tố tư duy xuất ly hay tư duy ly dục của chánh tư duy. Những tư duy về sự không sát sanh và ước mong hạnh phúc cho người khác tạo thành tư duy vô sân (abyāpāda saṅkappa). Đặc biệt khi thiền tâm từ được tu tập, nhân tố tư duy vô sân này kể như đã được hoàn thành. Những tư duy về sự quan tâm đến người khác, và lòng nhân từ tạo thành tư duy vô hại (avihimsa saṅkappa),đặc biệt nó được hoàn thành khi một người hành thiền tâm bi.

Trong tiến trình thiền minh sát, vì ý nghĩ sát sanh hay độc ác đối với đối tượng giác quan không có cơ hội khởi lên khi đang quán, nên có thể xem hai nhân tố của chánh tư duy đã được hoàn thành với mỗi sát na ghi nhận. Tuy nhiên tư duy trong thiền minh sát không phải là luyện tập về sự nhận thức có chủ ý. Nó chỉ là sự uốn nắn tâm một cách nhẹ nhàng hay hướng tâm đến việc nhận thức thực tánh của danh và sắc, bản chất sanh và diệt cũng như sự thực vô thường, khổ và vô ngã của chúng mà thôi.

Chúng tôi đã thuyết giảng đầy đủ về Đạo Căn Bản (Mūla Magga) cũng như tám chi đạo minh sát hay gọi cách khác là đạo đi trước (pubbabhāga magga). Khi minh sát đạo được tu tập viên mãn, nó chuyển thành Thánh Đaọ dẫn đến sự chứng ngộ Niết-Bàn. Do đó pubbabhāga magga cũng có thể được gọi như tiền đạo báo trước Thánh Đạo theo sau nó. Nói cách khác chúng tạo thành phần đầu và phần cuối tương ứng của cùng tiến trình Đạo. Như vậy, để đạt đến Thánh Đạo, phần cuối của Đạo, thì Minh Sát Đạo, phần đầu của nó phải được hoàn tất trước. Theo cách này, Thánh Đạo, giai đoạn cuối của Đạo, tự nó sẽ phát triển.

Có thể đưa ra một minh hoạ như thế này, giả sử một người muốn nhảy qua một con suối, họ phải chạy thật nhanh (để lấy đà) và nhảy qua. Một khi họ đã nhảy rồi, họ không cần phải vận dụng nỗ lực nữa. Họ sẽ tự động đáp xuống ở bên kia con suối. Việc tu tập minh sát đạo cũng giống như chạy nhanh đến con suối và nhảy qua vậy. Đáp xuống phía bên kia của con suối có thể so sánh với sự chứng đắc Thánh Đạo do kết quả của động lượng hay đà có được từ minh sát đạo. Do đó chúng tôi sẽ tóm tắt lại như sau:

Căn bản, điềm báo trước, Thánh Đạo,

Tu tập chúng sẽ dẫn đến Niết Bàn.

 

 

Các bài viết trong sách

Trả lời

Từ điển
Youtube
Live Stream
Tải app