CHÁNH TINH TẤN ĐẠO
“Này các Tỷ kheo, thế nào là Chánh tinh tấn? Ở đây, trong Giáo Pháp này, vị Tỷ kheo, đối với các ác, bất thiện pháp chưa sanh, khởi lên ý muốn không cho sanh khởi; vị này nỗ lực, tinh tấn, quyết tâm, trì chí. Ðối với các ác, bất thiện pháp đã sanh, khởi lên ý muốn trừ diệt, chiến thắng, vị này nỗ lực, tinh tấn, quyết tâm, trì chí. Ðối với các thiện pháp chưa sanh, khởi lên ý muốn khiến cho sanh khởi; vị này nỗ lực, tinh tấn, quyết tâm, trì chí. Ðối với các thiện pháp đã sanh, khởi lên ý muốn khiến cho an trú, không cho băng hoại, khiến cho tăng trưởng, thành thục và đi đến sự phát triển (bhāvanā: tu tập) viên mãn. Vị này nỗ lực, tinh tấn, quyết tâm, trì chí. Này các Tỷ kheo, như vậy gọi là Chánh tinh tấn. Sự cố gắng như vậy gọi là chánh tinh tấn, như đã được chính Đức Thế Tôn giải thích tường tận.
Những gì đoạn kinh trên muốn nói là như thế này:
1) Tinh tấn ngăn những bất thiện pháp chưa sanh không cho khởi sanh. Khi một người nhận biết, hay nghe hoặc thấy những người khác làm các ác hạnh sát sanh, trộm cắp, nói dối, họ phải cố gắng chế ngự những ác hạnh trên. Điều này cũng giống như cố gắng bảo vệ mình khỏi những chứng bệnh hay lây như bệnh cúm trong những trận dịch của chúng vậy.
2) Tinh tấn trừ diệt, chiến thắng những ác, bất thiện pháp đã sanh. Những bất thiện pháp này có hai loại:
a) Vītikkama akusala,những bất thiện ở mức vi phạm, trách nhiệm cho những thân hành ác và lời nói ác như sát sanh, trộm cắp hay nói dối mà người ta có thể vi phạm và pariyutthāna akusala, những bất thiện ở mức bột khởi, làm phát sanh những ý nghĩ tham dục, sân hận….và
b) Anusaya akusala, bất thiện ở mức ngủ ngầm, những bất thiện vẫn chưa thực sự sanh khởi, còn ngủ ngầm trong dòng tâm thức, và sẽ sanh khi có cơ hội.
Trong hai loại này bất thiện ở mức vi phạm được chế ngự hay diệt trừ bằng giới. Giữ giới kỹ lưỡng sẽ tự động diệt được những thân hành ác và lời nói ác phát sanh do Vītikkama akusala này. Những ý nghĩ ác của tham dục ở mức bột khởi trong tâm (pariyutthāna akusala) được diệt trừ bằng thiền địnhvà thiền minh sát.
Bất thiện ngủ ngầm(anusaya akusala)có thể bị diệt tạm thời bằng thiền minh sát. Song chỉ khi đạt đến thánh đạo, những phiền não ngủ ngầm này mới bị loại trừ hay bứng gốc hoàn toàn bằng thánh đạo trí (ariya maggañāṇa). Chính với quan niệm bứng gốc hoàn toàn những phiền não ngủ ngầm này mà thiền minh sát cần phải được thực hành. Đây là điểm rất vi tế và sâu xa, chỉ những người hành thiền minh sát một cách hiệu quả và đầy đủ mới có thể hiểu được.
3) Tinh tấn làm phát sanh những thiện pháp chưa sanh. Bố thí, trì giới, hành thiền định và thiền minh sát là những hình thức khác nhau của phước nghiệp sự. Chúng ta nên cố gắng hết sức mình để thực hiện những phước nghiệp sự vẫn chưa được hoàn thành này.
Có số người đã bóp méo lời dạy của Đức Phật bằng cách nói rằng thực hành những phước nghiệp sự này sẽ chỉ đưa đến kéo dài thêm vòng luân hồi (saṃsāra) mà thôi. Theo họ, thiện nghiệp (kusala) là hành (saṅkhāra), mà hành là do vô minh (avijja) tạo điều kiện hay làm duyên. Pháp duyên sanh nói rằng: “saṅkhāra paccayā viññānā” hành duyên thức (duyên hành có thức tái sanh khởi lên). Như vậy, thiện hành (kusala saṅkhāra) cũng sẽ khiến cho thức tái sanh khởi lên. Vì thế những hành động thiện cần phải từ bỏ. Một sự quyết đoán như vậy rõ ràng là mâu thuẫn với ý nghĩa đích thực của lời Đức Phật dạy, và cực kỳ lầm lẫn.
Thực sự, nếu bỏ những hành động thiện, người ta sẽ chỉ còn lại những hành động bất thiện không những sẽ kéo dài thêm vòng luân hồi mà chắc chắn sẽ còn đưa họ xuống bốn cõi thấp (địa ngục, ngạ quỷ, súc sanh và A-tu-la). Nhân đích thực của vòng luân hồi bất tận này là vô minh và tham ái. Những phiền não này chỉ có thể được đoạn trừ bằng các hành động thiện được thực hiện với mục đích đoạn trừ chính những phiền não ấy. Một thiện nghiệp có thể tạo ra tái sanh trong một cõi tốt lành (thiện thú), ở đây người ta được nghe Pháp và thực hành Pháp (Dhamma) để trở thành một bậc thánh (Ariya), và như vậy thoát khỏi những khổ đau của bốn cõi khổ và vòng luân hồi. Câu chuyện của vị Thiên tử Ếch có thể được dùng để minh hoạ cho điểm này. Thiên tử Ếch trong kiếp trước là một chú ếch tình cờ được nghe một bài pháp do Đức Thế Tôn giảng. Dù không hiểu được chữ nào trong bài pháp, nhưng chú ếch vẫn lắng nghe với tâm cung kính và vừa lòng, nhờ thiện nghiệp ấy, chú được tái sanh trong cõi chư thiên. Khi đã là một vị chư thiên chú lại có cơ hội nghe pháp của Đức Phật, và lần này chú đạt đến giai đoạn nhập lưu, trở thành Thánh Tu Đà Hoàn, nhờ nghe pháp ấy.
Vì thế tinh tấn phải được thực hiện để tạo ra những thiện pháp chưa sanh, đặc biệt những phước nghiệp sự đưa đến Thánh Đạo. Mỗi lần thực hiện được một sự tinh tấn như vậy, kể như bạn đã phát triển được Chánh Tinh Tấn Đạo.
4) Tinh tấn duy trì những thiện pháp đã sanh và phát triển chúng cho được thành thục và viên mãn. Điều này khá đơn giản. Một hành giả ghi nhận mọi sự, mọi việc xảy ra ở sát-na thấy, nghe, xúc chạm, hay biết là thực sự họ đang hành tinh tấn ngăn ngừa, không cho những ác bất thiện pháp có cơ hội sanh khởi. Nó cũng có nghĩa là đang tinh tấn loại bỏ, đoạn trừ những ác bất thiện pháp đã sanh. Đồng thời hành giả cũng đang cố gắng để phát triển giai đoạn cao hơn của thiện nghiệp minh sát và Thánh Đạo đã sanh. Như vậy, mỗi lần hành giả ghi nhận từng hiện tượng khởi lên như một bài tập thiền minh sát, hành giả đang phát triển Chánh Tinh Tấn đạo hay tứ chánh cần. Điều này được tóm tắt như sau:
1. Tinh tấn ngăn những bất thiện pháp chưa sanh không cho khởi sanh.
2. Tinh tấn loại trừ những bất thiện pháp đã sanh.
3. Tinh tấn thúc đẩy hay tu tập, khiến cho những thiện pháp chưa sanh được sanh khởi.
4. Tinh tấn duy trì, phát triển và đưa đến sự hoàn thiện những thiện pháp đã sanh, đây gọi là tứ chánh cần (sammappadhānas), hay bốn pháp tinh tấn lớn.
Mỗi lần bạn dự phần vào những thiện sự như bố thí, trì giới, và tu thiền, bạn đang phát triển Chánh Tinh Tấn đạo, bốn pháp tinh tấn lớn. Đặc biệt là thế khi bạn thực hiện những thiện sự này với quan niệm thoát khỏi những khổ đau của vòng tử sanh luân hồi. Những thiện sự thuộc thiền minh sát, không cần phải nói, chắc chắn phải là một phần của Chánh Tinh Tấn đạo rồi.
Tóm lại, cố gắng làm điều thiện là Chánh Tinh Tấn.