CHÁNH NIỆM ĐẠO

“Này các Tỷ kheo, thế nào là Chánh niệm? Trong Giáo Pháp này, vị Tỷ kheo sống quán trên thân (sắc uẩn), vốn vô thường, khổ, vô ngã, bất tịnh, nhận ra nó chỉ là thân hay sắc uẩn vô thường, khổ, vô ngã, bất tịnh. Nhận thức được như vậy, vị ấy nhiệt tâm, tỉnh giác, chánh niệm, để chế ngự tham ưu đối với thế gian của năm uẩn; tham ưu ấy có thể sẽ sanh nếu không hiểu biết đúng như vậy.

Vị ấy quán trên các cảm thọ chỉ là thọ, vô thường, khổ, vô ngã,… vị ấy sống quán trên tâm, ghi nhận nó chỉ như một tiến trình của tư duy và nhận thức, vô thường, khổ, và vô ngã,… vị ấy sống quán trên các pháp, ghi nhận nó chỉ như hiện tượng thấy, nghe, v.v… vô thường, khổ, vô ngã,… Nhận thức được như vậy, vị ấy nhiệt tâm, tỉnh giác, chánh niệm, để chế ngự tham ưu đối với thế gian của các cảm thọ; thế gian của tâm, thế gian của các pháp, nói khác hơn thế gian của năm uẩn. Này các Tỳ Kheo, niệm để hiểu biết đúng như vậy được gọi là Chánh Niệm.’ Đây là những lời của Đức Phật kỹ lưỡng của Đức Phật về Chánh Niệm Đạo.

DÙ BÁT THÁNH ĐẠO CÓ ĐƯỢC THUYẾT GIẢNG CHI TIẾT HAY KHÔNG

Trong Kinh Chuyển Pháp Luân (Dhammacakka Sutta), như hiện giờ chúng ta đã thấy, Bát Thánh Đạo chỉ được đề cập dưới hình thức một tiêu đề. Khi bài Kinh Chuyển Pháp Luân này lần đầu tiên được Đức Phật thuyết, liệu Tôn giả Kiều-trần-như cùng với các vị Phạm Thiên và chư thiên đắc thắng trí lúc đó, có hiểu rằng bằng những từ đơn giản của tiêu đề “chánh niệm” Đức Phật muốn nói tới “tứ niệm xứ” qua đó bản chất của thân, thọ, tâm, và pháp được tuệ tri một cách rõ ràng hay không? Liệu các vị có hiểu rằng “ghi nhận mọi thân hành, mọi cảm thọ, mọi danh pháp (hiện tượng tâm), mọi tư duy trên các pháp trần có tạo thành chánh niệm hay không? Và rằng Chánh Niệm này phải được tu tập bằng cách ghi nhận mọi hiện tượng của thân và tâm (danh & sắc) hay không?

Đây là một điểm có thể gây tranh luận cần phải được cân nhắc. Vì trừ phi các vị đã có một sự hiểu biết rõ ràng về nó, bằng không các vị sẽ không thể phát triển chánh niệm được. Và không có chánh niệm, việc chứng đắc thắng trí thuộc thánh đạo và thánh quả là một điều không thể xảy ra.

Ở đây hai sự cân nhắc là có thể. Thứ nhất, Tôn giả Kiều-trần-như và các vị Phạm Thiên, chư thiên là những người có những Ba-la-mật phi thường đã chín mùi, chắc chắn sẽ đắc giải thoát tối hậu, và chỉ cần nghe những từ “chánh niệm”, lập tức hiểu được rằng họ cần phải ghi nhận mọi thân hành, mọi cảm thọ,… và phát triển chánh niệm đạo. Do đó họ đã làm như vậy và đắc thắng trí theo cách này.

Sự cân nhắc thứ hai là: khi thuyết bài pháp đầu tiên này, để thính chúng của ngài hiểu được một cách rõ ràng, Đức Thế Tôn đã giải thích tỉ mỉ những tiêu đề của Bát Thánh Đạo và tứ niệm xứ. Nhưng vào lúc Kết Tập Tam Tạng lần Thứ Nhất, khi trùng tuyên Kinh Chuyển Pháp Luân (Dhammacakka Sutta), Bát Thánh Đạo như một thành phần của Tứ Thánh Đế đã được cô đọng chỉ trong hình thức của một tiêu đề, như vậy phải có những giải thích chi tiết về chúng riêng ở các bản kinh khác được trùng tuyên trong hình thức cô đọng tại cuộc Kết Tập lần Thứ Nhất. Câu trả lời là có. Kinh Niệm Xứ (Satipatthāna Sutta) của Trung Bộ là một sự cô đọng của bài Kinh Đại Niệm Xứ (Mahāsatipatthāna) của Trường bộ mà chỉ phần đầu của nó được trùng tuyên trong kỳ Kết Tập lần Thứ Nhất. Nhưng hiện nay trong phương thức tiến hành ở cuộc Kết Tập lần Thứ Sáu, những phần bỏ sót đã được lấp đầy và ghi chép lại, mặc dù những phần mới thêm của kinh không được đề cập trong chú giải Trung Bộ. Tương tự cũng có một số những bài kinh dài thuộc các Nikāya khác đã được ghi lại trong hình thức cô đọng ở Tiểu Bộ Kinh (Khuddaka Nikāya).

Như vậy ở đây chúng ta có thể rút ra một điều là sự trình bày chi tiết về chánh niệm mà Đức Phật đưa ra ở lần thuyết bài kinh này đã được bỏ qua nên bài kinh chỉ được trùng tuyên một cách súc tích trong kỳ Kết Tập lần Thứ Nhất. Vì thế vấn đề ý nghĩa thâm sâu và chi tiết của Bát Thánh Đạo được hiểu như thế nào từ tiêu đề đơn giản của nó không cần thiết phải đặt ra nữa. Ngày nay, tứ niệm xứ mà tôi vừa nói đã được nhiều người biết rõ. Và nhất là có bài Kinh Đại Niệm Xứ cung cấp những giải thích kỹ lưỡng cho tiêu đề đã được tóm tắt về Bát Thánh Đạo. Ngoài ra chúng ta còn có những bản chú giải về bài kinh này. Tuy vậy, bất chấp những gì đã có, chỉ một ít người là có thể biết cách làm thế nào để phát triển chánh niệm đạo. Do đó theo tôi nghĩ Đức Thế Tôn thực sự đã trình bày đầy đủ chi tiết về đạo (Bát Thánh Đạo) khi ngài thuyết bài pháp đầu tiên, Chuyển Pháp Luân, này vì lợi ích của số đông vậy.

Ở đây phải lưu ý rằng chánh niệm đạo là tứ niệm xứ. Đạo này phải được tu tập như thế nào đã được nói rõ trong bài kinh Pāḷi vừa dẫn. Bài kinh Pāḷi này chính xác giống như đoạn giới thiệu tóm tắt cho bài Kinh Đại Niệm Xứ (Mahā Satipatthāna Sutta). Nếu thấy sự giải thích quá cô đọng này không đủ để hiểu rõ, bạn có thể nhờ đến sự nghiên cứu sâu xa hơn về bài Kinh Đại Niệm Xứ.

Theo Kinh Đại Niệm Xứ, quán thân có thể được thực hiện theo hai cách: hoặc bằng cách quán hơi thở, ānāpāna, đó là theo dõi hơi thở vô và hơi thở ra, hoặc bằng cách quán ba mươi hai thành phần cấu tạo của thân như tóc, lông, móng, răng, da… Chú giải nói rằng hai phần này của Kinh NiệmXứ là những đề mục thiền có thể tạo ra định an chỉ (appanā). Mười chín phần còn lại của Kinh Niệm Xứ là những đề mục thiền chỉ tạo ra cận định (upacāra Kammaṭṭhāna). Thiền minh sát (vipassanā kamaṭṭhāna) cũng chỉ tạo ra cận định.

 

 

Các bài viết trong sách

Trả lời

Từ điển
Youtube
Live Stream
Tải app