CÁC ĐẠO TUỆ MINH SÁT ĐƯỢC TU TẬP NHƯ THẾ NÀO
Biết đối tượng đúng theo bản chất của nó khi quán là Chánh Kiến Đạo (sammādiṭṭhi magga). Chỉ sau khi đã đạt đến Tâm Thanh Tịnh, thì trí, trí có khả năng phân biệt các đối tượng giác quan với tâm biết, mới phát sanh. Trí phân biệt rõ ràng danh và sắc đúng như thực này tạo thành Kiến Thanh Tịnh. Trí này được theo sau bởi sự phân biệt tính chất nhân và quả trong quá trình quán. Chẳng hạn, có sự co bởi vì có ước muốn co, duỗi bởi vì có ước muốn duỗi, chuyển động bởi vì có ước muốn chuyển động. Thấy bởi vì có con mắt và đối tượng để thấy (cảnh sắc). Nghe bởi vì có tai và âm thanh để nghe. Có của cải bởi vì có thiện nghiệp… phân biệt rõ quy luật nhân quả đúng như nó thực sự là như thế.
Tiếp tục hành thiền, với mỗi sát na ghi nhận, hành giả phân biệt sự sanh khởi cũng như sự hoại diệt của từng hiện tượng. Điều này sẽ dẫn đến sự chứng ngộ khổ đế ở cả đối tượng giác quan lẫn tâm hay biết. Hiện tượng sanh và diệt không ngừng này khiến cho hành giả tin chắc rằng tất cả chỉ là khổ, là không có thực chất (vô ngã), vì nó không tuân theo ước muốn hay sự kiểm soát của ai cả. Và một sự tin chắc rõ ràng như vậy sẽ tạo thành chánh kiến đạo (sammādiṭṭhi magga).
Do đó Đức Phật nói rằng trí về khổ đế là chánh kiến đạo. Khi khổ đế được phân biệt theo tam tướng, vô thường, khổ, vô ngã, ở từng sát na quán, thì công việc tuệ tri ba đế còn lại – tập đế, diệt đế, và đạo đế – cũng được hoàn tất. Nó hoàn tất như thế nào sẽ được bàn đến ở phần đạo đế (magga saccā).
Hướng tâm vào việc biết bản chất thực của danh và sắc, tập khởi và sự hoại diệt của chúng theo tam tướng vô thường, khổ và vô ngã tạo thành chánh tư duy đạo (sammā saṅkappa). Hai đạo: chánh kiến và chánh tư duy hợp lại thành tuệ đạo (paññā magga).
Ba đạo thuộc chánh định (chánh tinh tấn, chánh niệm, và chánh định) đã giải thích ở trên cộng với hai đạo thuộc tuệ (chánh kiến và chánh tư duy) này tạo thành năm đạo được xếp vào nhóm sở tác đạo (kāraka maggas-, 所作道).Sở dĩ chúng được gọi là sở tác đạo vì, theo chú giải, những đạo này trách nhiệm cho việc hoàn tất nhiệm vụ ghi nhận và biết mọi hiện tượng.
Giới đạo bao gồm chánh ngữ, chánh nghiệp và chánh mạng đã được thiết lập ngay trước khi khởi sự hành thiền và chúng được củng cố vững chắc cũng như thanh tịnh hơn trong quá trình thiền. Như vậy, với ba đạo thuộc về giới tổng cộng có cả thảy tám đạo gọi là đạo đi trước (pubbabhāga magga), được tu tập với mỗi sát na ghi nhận các hiện tượng.