Nội Dung Chính
TUỆ THỂ NHẬP
Trung Đạo cũng còn dẫn đến Tuệ Thể Nhập (Sambodhāya Saṃvattati). Thắng Trí (Abhiññā) có nghĩa là trí biết toàn diện về Minh Sát Trí và Thánh Đạo Trí, vốn chưa được phát triển trước đây, còn Sambodha nói đến tuệ thể nhập. Cũng như những vật dấu sau bức màn hay tường sẽ được thấy khi phá bỏ những chướng ngại vật này đi. Tứ Thánh Đế cũng vậy, bị che dấu đằng sau vô minh sẽ hiển lộ khi vô minh bị phá trừ. Nhờ tu tập Bát Thánh Đạo qua việc hành thiền, những Chân Lý (Đế) vốn chưa được biết đến trước đây trở nên rõ rệt trước Minh Sát Trí và Thánh Đạo Trí. Do đó tuệ thể nhập chọc thủng vô minh và tuệ tri Tứ Thánh Đế.
Như vậy, hoàn toàn hiển nhiên rằng những pháp hành cực đoan – đắm chìm trong các dục lạc và khổ hạnh, không thể làm phát sanh thắng trí cũng không thể làm cho tuệ thể nhập khởi lên.
CHỨNG NGỘ NIẾT-BÀN
Cuối cùng, Trung Đạo, hay Bát Thánh Đạo dẫn đến sự chứng ngộ Niết-Bàn (Nibbānayasaṃvattati). Ở đây, thể nhập Tứ Thánh Đế bằng A-la-hán Thánh Đạo Trí (Arahatta Magga Ñāṇa) có nghĩa là chứng ngộ Niết-Bàn. Nhưng vì Niết-Bàn là mục tiêu cuối cùng và cao quý nhất của những người hiến mình cho sự giải thoát khỏi vòng luân hồi khổ nên nó được Đức Thế Tôn đề cập trở lại như một sự chứng đắc riêng vậy thôi.
Nhờ tu tập Bát Thánh Đạo mà người hành thiền đạt đến sự thể nhập Tứ Thánh Đế bằng A-la-hán Thánh Đạo, cuối cùng chứng ngộ Niết-Bàn qua A-la-hán Thánh Quả. Và, sau khi đã đắc chứng Niết-Bàn, sát-na tâm cuối cùng của Bát-Niết-Bàn (Parinibbāna) sẽ không còn dẫn đến một hiện hữu mới cho những hình thức mới của danh và sắc nữa. Đó là sự diệt của tất cả khổ. Như vậy, theo cách này Bát Thánh Đạo dẫn đến sự chứng ngộ Niết-Bàn, sự diệt hoàn toàn của tất cả khổ.
Có thể tóm tắt những lợi ích sẽ pháp sanh từ việc thực hành Trung Đao như sau:
- Tránh được các dục lạc.
- Tránh được khổ hạnh.
- Tránh được cả hai cực đoan được xem là tà đạo này.
- Trung đạo là đạo lộ chân chánh.
- Đi theo đạo lộ chân chánh này, Tuệ Giác sẽ được phát triển và chứng ngộ Niết-Bàn.
Những lợi ích phát sanh từ việc thực hành theo Trung Đạo đã được chúng tôi giải thích tận tường trên mọi khía cạnh. Có thể nói những lợi ích ấy tiêu biểu cho mục đích cao cả nhất mà những người hiến mình cho sự giải thoát khỏi những thống khổ của vòng luân hồi nhắm đến. Không còn cần thêm gì nữa.
Bây giờ chỉ còn vấn đề là những gì tạo thành Trung Đạo. Để giải thích Đạo Lộ này, Đức Thế Tôn bắt đầu với một câu hỏi được xem phù hợp với cách dùng truyền thống thời đó.
“Katamā ca sā, bhikkhave, majjhimā paṭipadā Tathāgatena abhisambuddhā – Cakkhukaraṇī Ñāṇakaraṇī upasamāya abhiññāya sambodhāya nibbānāya saṃvattati?”
(Thế nào là con đường Trung đạo, này các Tỷ-kheo, do Như Lai chánh giác, tác thành mắt, tác thành trí, đưa đến an tịnh, thắng trí, giác ngộ, Niết-bàn?)
Câu trả lời cũng được chính Đức Thế Tôn đưa ra;
Ayameva ariyo aṭṭhaṅgiko maggo, seyyathidaṃ – sammādiṭṭhi sammāsaṅkappo sammāvācā sammākammanto sammāājīvo sammāvāyāmo sammāsati sammāsamādhi.
(Chính là con đường Thánh Tám ngành, tức là: chánh tri kiến, chánh tư duy, chánh ngữ, chánh nghiệp, chánh mạng, chánh tinh tấn, chánh niệm, chánh định.)
Đức Thế Tôn đã chỉ cho thấy Đạo Lộ, như chỉ ngón tay vào những vật có thể thấy được hay vào những vật đang nắm giữ trong bàn tay của ngài. Bát Thánh Đạo chỉ có vậy, đó là:
Sammā Diṭṭhi
Sammā Sankappa
Sammā Vācā
Sammā Kammanta
Sammā ājīva
Sammā Vāyama
Sammā Sati
Sammā Samādhi
Chánh Kiến
Chánh Tư Duy
Chánh Ngữ
Chánh Nghiệp
Chánh Mạng
Chánh Tinh Tấn
Chánh Niệm
Chánh Định
Đây là Bát Thánh Đạo, hay Trung Đạo, mà khi được Như Lai giác ngộ đã tạo ra con mắt (tuệ nhãn), tạo ra trí và dẫn đến an tịnh; thắng trí, tuệ thể nhập, Niết-bàn.
Ở phần sau chúng tôi sẽ giải thích tỉ mỉ Bát Thánh Đạo này. Hy vọng rằng, nhờ chú tâm theo dõi bài Kinh Chuyển Pháp Luân này với lòng thành kính, quý vị có thể tránh được tà đạo, đó là hai pháp hành cực đoan, và đi theo Bát Chánh Đạo, nhờ đó có được con mắt và thắng trí dẫn đến sự chứng ngộ Niết-bàn, chấm dứt mọi khổ đau.