Nội Dung Chính
SỰ GIẢI THÍCH SAI LẦM VỀ KHỔ HẠNH
Có một sự giải thích sai lầm về những pháp khổ hạnh mà một số vị thầy đưa ra trái ngược với lời dạy của Đức Phật.
Theo các vị thầy này, thì nhiệt tâm, tinh cần không mệt mỏi đòi hỏi phải có cho việc hành thiền cũng được kể là khổ hạnh. Quan niệm này hoàn toàn đối nghịch với lời cổ vũ của Đức Phật, người luôn luôn khuyên hàng đệ tử phải tích cực, phấn đấu không ngừng để đạt đến định và tuệ, cho dù có phải hy sinh thân mạng.
“Dù chỉ còn da và xương. Dù máu thịt có khô cạn, ta vẫn sẽ không ngừng nỗ lực cho đến khi nào đạt được Đạo Quả.” Đây hẳn phải là sự quyết định dứt khoát đã dẫn dắt Đức Phật theo đuổi mục tiêu đến cùng.
Những nỗ lực tích cực, không suy giảm trong việc hành thiền nhằm thành tựu định và tuệ không nên hiểu lầmlà một hình thức tự hành xác. Để qua một bên chuyện hành thiền, ngay cả việc giữ giới vốn đòi hỏi phải chịu một sự không thoải mái về thân nào đó cũng không thể được xem là hành khổ hạnh nữa. Những thanh niên và sa-di trẻ nguyện giữ bát giới hay thập giới phải chịu một sự giằn vặt của cơn đói khi không ăn vào buổi chiều. Nhưng việc nhịn ăn này được thực hiện để thành tựu giới, chứ nó không có nghĩa là hành xác.
Đối với một số người, giới không sát sanh là một sự hy sinh đối với họ; họ phải chịu một vài bất lợi nào đó như hệ quả của việc giữ giới này, nhưng vì nó tạo thành một thiện nghiệp thuộc về giữ giới, nên không nên quan niệm nó như một hình thức tự hành xác hay khổ hạnh. Trong Mahādhamma Samādāna Sutta (Đại Kinh Pháp Hành), Đức Phật giải thích rằng những hành động hy sinh trong hiện tại như vậy chắc chắn sẽ tạo ra những quả lợi ích trong tương lai. Đức Phật nói: “Trong đời này, có người tránh sát sanh, (việc làm này) khiến cho bản thân họ phải cảm thọ khổ và ưu. Do chấp nhận chánh kiến (không sát sanh) nên họ phải chịu khổ thân và khổ tâm. Những người này, do tự nguyện cảm thọ khổ để giữ giới trong sạch trong hiện tại, sau khi mệnh chung sẽ đạt đến những cảnh giới cao hơn của các vị chư thiên. Mười thiện nghiệp này gọi là những pháp hành thiện, hiện tại khổ song tạo ra những quả lợi ích trong đời sau.”
Như vậy, bất cứ pháp hành nào làm tăng trưởng Giới, Định và Tuệ thì không phải là pháp hành vô ích, không phải là khổ hạnh, mà thực sự đó là pháp hành lợi ích và hợp với Trung Đạo, chắc chắn phải nên hành theo. Cũng nên ghi nhớ rõ ở đây là chỉ những pháp hành nào không phát triển giới, định, và tuệ mà chỉ dẫn đến khổ thân mới tạo thành pháp khổ hạnh, tự hành xác mình.
SỰ HIỂU SAI VỀ QUÁN THỌ
Có số người chấp quan điểm cho rằng quán thọ lạc tạo thành sự đam mê trong các dục lạc (cực đoan thứ nhất) trong khi quán thọ khổ tạo thành sự tự hành xác hay khổ hạnh (cực đoan thứ hai). Vì vậy, họ chủ trương rằng người ta nên tránh cả hai pháp quán trên và chỉ tập trung trên quán thọ xả. Đây chắc chắn là một sự hiểu lầm phi lý, không được hỗ trợ bởi một thẩm quyền kinh điển nào cả.
Trong Kinh Đại Niệm Xứ (Mahā Satipatthāna Sutta) Đức Phật đã tuyên bố rõ rằng thọ lạc, thọ khổ, và thọ xả đều là đối tượng cho sự quán. Lời tuyên bố này cũng được lập lại ở nhiều bài kinh khác. Vì vậy phải xác định rõ rằng bất kỳ đối tượng nào được xếp vào loại Năm Thủ Uẩn đều là đối tượng hợp pháp cho thiền quán.
Người ta kể là một vị thiền sư cư sĩ nọ dạy “Trong khi hành thiền, sử dụng bất kỳ oai nghi nào cũng được, nếu hành giả bắt đầu cảm thấy mệt, đau, tê, hay có những cảm giác nóng và khó chịu nơi chân tay, hành giả phải thay đổi oai nghi liền. Nếu hành giả cứ kiên quyết hành thiền bất chấp những cảm giác khó chịu hay mệt mỏi ấy, hành giả thực sự đã vướng vào pháp hành khổ hạnh.”
Lời tuyên bố này rõ ràng có quan tâm đến sự an lạc của người hành thiền, tuy nhiên phải nói rằng đó là một lời tuyên bố vô căn cứ và thiếu kinh nghiệm. Trong khi hành thiền định hay Thiền Minh Sát, yếu tố kiên nhẫn hay tiết chế (khantī Saṃvara)luôn đóng một vai trò quan trọng. Phải nói đó là một yếu tố rất quan trọng cho việc thực hành thành công thiền định và minh sát. Sự nhất tâm chỉ có thể được thành tựu nhờ kiên nhẫn chịu đựng một vài sự khó chịu, và không thoải mái của thân nào đó. Kinh nghiệm của những người hành thiền nghiêm túc cho thấy rằng thay đổi oai nghi liên tục sẽ không có lợi cho sự phát triển định tâm. Do đó, cảm giác không thoải mái của thân bắt buộc phải sanh cùng với sự kham nhẫn. Thực hành tiết chế như vậy không phải là khổ hạnh, vì mục đích không đơn thuần là làm khổ mình, mà là để tăng trưởng giới, định và tuệ, phù hợp với ước nguyện của Đức Phật.
Đức Thế Tôn mong mỏi mọi người, nếu có thể được, hãy thực hiện một nỗ lực không ngừng nghỉ hơn nữa để thành tựu Đạo Quả A-la-hán cao thượng bằng một thời ngồi liên tục, không bị gián đoạn bởi sự thay đổi oai nghi. Trong Mahā Gosinga Sutta (Đại Kinh Rừng Sừng Bò), Đức Thế Tôn nói rằng: “Vị Tỳ-kheo hành thiền sau khi hạ quyết tâm vững chắc: “Ta sẽ không bỏ thế ngồi kiết-già này cho đến khi tâm của ta được khéo giải thoát khỏi các lậu hoặc, không có chấp thủ”. Vị Tỷ-kheo như vậy có thể làm sáng chói khu rừng Gosinga, và được xem như một báu vật cho trú xứ ở rừng.’
Như vậy, lời tuyên bố cho rằng kham nhẫn quán thọ khổ là một hình thức tự hành hạ mình kể như đã lên án những hành giả đang thực hành theo sự chỉ dạy của Đức Phật. Điều đó cũng có nghĩa bác bỏ cả những lời dạy của Ngài, và ngăn cản sự nỗ lực của các thiền sinh, những người vốn chỉ có thể thành tựu định và tuệ nhờ kham nhẫn chịu đựng sự đau đớn do không thay đổi oai nghi đem lại.
Ghi chú: (“Này các Tỳ-kheo, trong giáo pháp này, vị Tỳ-kheo sau khi như lý giác sát, kham nhẫn chịu đựng lạnh, nóng, đói, khát, sự tấn công của các loài côn trùng, bò sát, của gió và sức nóng mặt trời, những lời buộc tội, phỉ báng. Vị ấy kham nhẫn các cảm thọ về thân, những cảm thọ thống khổ, khốc liệt, đau nhói, nhức nhối, không sung sướng, đáng sợ hãi thậm chí có thể gây nguy hiểm đến mạng sống. Những quả lợi ích của sự kham nhẫn chịu đựng lạnh, nóng, đói, khát, sự tấn công của các loài côn trùng, bò sát, của gió và sức nóng mặt trời, những lời buộc tội, phỉ báng…này là sự không xuất hiện cuả các lậu hoặc, phiền não, khổ đau, và nhiệt não mà nếu không kham nhẫn chịu đựng chắc chắn sẽ xuất hiện”.
Cần lưu ý rằng trong bài “Kinh Tất Cả Lậu Hoặc” này Đức Thế Tôn khuyên chúng ta phải biết chịu đựng sự đau đớn nghiêm trọng ngay cả với giá phải hy sinh thân mạng. Chú giải bài Kinh liên hệ câu chuyện của Trưởng Lão Lomasa Nāga, người đã kiên trì việc hành thiền ngay cả khi bị những bông tuyết bao phủ lúc ngài đang ngồi hành thiền ngoài trời, vào đêm trăng tròn tháng Giêng. Chỉ bằng cách quán cái lạnh cực độ của vùng Lokantariks, ngài đã vượt qua được cái lạnh đang vây quanh ngài, không từ bỏ oai nghi. Những tấm gương kham nhẫn trong khi hành thiền như vậy có rất nhiều trong những mẫu chuyện đề cập ở Kinh Điển.
Vì vậy những hình thức đau đớn tương đối nhẹ như tê cứng chân tay, cảm giác nóng bức khi hành thiền,…phải được kham nhẫn chịu đựng, không nên thay đổi oai nghi. Nếu có thể được, hãy giữ sự kiên trì dù có phải hy sinh thân mạng, vì điều đó sẽ làm tăng trưởng sự kham nhẫn tiết chế (khantī saṃvara), cũng như định và tuệ.
Tuy nhiên, nếu những cơn đau và cảm giác khó chịu đạt đến mức độ lớn không thể chịu đựng được nữa, hành giả có thể thay đổi oai nghi nhưng phải thực hiện rất chậm và nhẹ nhàng đừng để đánh động chánh niệm, định và tuệ.)
Tóm lại, những pháp hành không liên quan đến sự tăng trưởng Giới, Định và Tuệ mà chỉ hành để thọ khổ đơn thuần, dứt khoát là những hình thức tự hành xác mình hay khổ hạnh. Ngược lại, những nỗ lực nhiệt thành, dù có phải cảm thọ khổ ưu, nhưng nếu thực hành vì sự phát triển Giới, Định, và Tuệ, sẽ không phải là khổ hạnh. Việc thực hành đó rõ ràng phải được xem như Trung Đạo hay Bát Thánh Đạo, do Đức Thế Tôn đưa ra.
Chính Đức Thế Tôn, sau khi tránh hai pháp hành cực đoan này, đó là đắm chìm trong các dục lạc, được xem là quá dễ duôi và ép xác khổ hạnh được xem là quá nghiêm khắc, đã đắc thành Phật Quả và Giác Ngộ nhờ hành theo Trung Đạo.