MỘT PHÁP HÀNH THẤP HÈN VÀ TẦM THƯỜNG

Đa số người đời là hàng phàm phu bình thường chỉ biết lao đầu tìm kiếm kế sinh nhai và hưởng thụ dục lạc. Chỉ một ít người, có thể vươn lên trên đám đông này, để thấy Pháp (Dhamma) và sống một cuộc đời thánh thiện. Không phải để họ đắm chìm trong những khoái lạc thế gian, thô thiển, vốn là mối quan tâm chính của tầng lớp chúng sanh thấp thỏi.

KHÔNG PHẢI LÀ PHÁP HÀNH CỦA CÁC BẬC THÁNH

Hưởng thụ những khoái lạc thế gian không phải là pháp hành của các Bậc Thánh (Ariyas). Ở đây, người ta có thể hỏi tại sao các Bậc Thánh giống như bà Visākhā, ông Cấpcô-độc (Anāthapiṇṇdika) và Vua trời Đế Thích (Sakka), những người đã đạt đến tầng thánh thứ nhất, Tu-đà-hoàn (Sotāpanna), còn đắm mê trong sự theo đuổi các dục lạc? Về vấn đề này, cần phải hiểu rằng: trong Thánh Đạo Tu-đà-hoàn, dục và tham vẫn chưa được vượt qua hoàn toàn, hay nói khác hơn trong họ vẫn còn nấn ná những lạc tưởng – Sukha saññā (tưởng mới chớm về sự dễ chịu của các dục lạc). Điểm này được minh hoạ trong Tăng Chi Kinh (Aṅguttara) với ví dụ về một người được xem là khó tính trong những thói quen sạch sẽ, song để tránh bị một con voi dữ tấn công, cũng phải tìm chỗ núp trong một nơi đầy phân cứt dơ dáy.

Thói quen thô thiển, dơ bẩn, và đê tiện này người xuất gia phải nên tránh.

NGƯỜI TẠI GIA CÓ THỂ THEO ĐUỔI CÁC DỤC LẠC ĐƯỢC KHÔNG?

Kinh chỉ nói rằng “người xuất gia không nên theo đuổi các dục lạc.” Bởi thế, vấn đề đặt ra là những gia chủ bình thường vẫn còn sống giữa môi trường thế tục có thể tự do theo đuổi các dục lạc mà không có bất kỳ hạn chế nào được không? Vì sự thoả mãn các khoái lạc giác quan là mối bận tâm của người bình thường, nên sẽ là vô nghĩa khi bắt họ phải làm như vậy. Nhưng đối với những người tại gia có ý định thực hành Thánh Pháp, nên thận trọng tránh những khoái lạc này đến mức cần thiết cho sự thực hành. Giữ bát giới đòi hỏi phải tránh phạm vào những tội liên quan đến nhục dục. Cũng vậy, việc sở hữu những vật chất thế gian không nên tìm kiếm bằng cách sát sanh, trộm cắp và lừa đảo.

 BỐN LOẠI ĐAM MÊ HƯỞNG THỤ THẾ TỤC

Trong Kinh Pāsādika của Trường Bộ, Đức Phật có nói đến bốn loại đam mê trong sự hưởng thụ thế tục như sau: 

“Này Cunda, ở đời này có những người ngu si cổ suý sự làm giàu bằng việc sát sanh của họ – giết trâu bò, lợn, gà, cá…Việc thực hành này tạo thành hình thức đam mê hưởng thụ thế tục thứ nhất.”

Trộm cắp, cướp bóc và bán giá cắt cổ tạo thành hình thức đam mê hưởng thụ thế tục thứ hai trong khi những phương tiện kiếm sống bằng cách lừa đảo tạo thành thứ ba. Và hình thức thứ tư của sự đam mê này là tất cả những phương tiện làm giàu khác ngoài ba loại kể trên

Kinh nói rằng các vị Tỳ-kheo đệ tử Phật thoát khỏi những đam mê này. Đối với người cư sĩ đang giữ tám giới hay mười giới phải duy trì phạm hạnh (không hành dâm) và tránh ăn sau ngọ, ca múa, vì đây là những hình thức của dục lạc.

Khi một người chọn hành thiền, họ phải dứt bỏ các loại hưởng thụ dục dạc giống như các vị Tỳ-kheo đã lìa xa đời sống thế tục vậy, vì chúng có khuynh hướng ngăn cản sự phát triển giới, định và tuệ. Bởi thế, một người hành thiền, dù là người tại gia, cũng không nên đam mê trong những hưởng thụ thế tục.

Những điều này đủ để được xem là một hình thức của cực đoan đam mê trong sự hưởng thụ thế tục.

 

 

Các bài viết trong sách

Dhamma Paññā

BQT trang Theravāda cố gắng sưu tầm thông tin tài liệu Dhamma trợ duyên quý độc giả tìm hiểu về Dhamma - Giáo Pháp Bậc Giác Ngộ thuyết giảng suốt 45 năm sau khi Ngài chứng đắc trở thành Đức Phật Chánh Đẳng Chánh Giác vào đêm Rằm tháng 4, tìm hiểu thêm phương pháp thực hành thiền Anapana, thiền Vipassana qua các tài liệu, bài giảng, pháp thoại từ các Thiền Sư, các Bậc Trưởng Lão, Bậc Thiện Trí.

Trả lời

Từ điển
Youtube
Live Stream
Tải app