KINH ĐIỂN CỦA PHÁI NIGANTHA

Theo các bản kinh của Nigantha thì sự giải thoát khỏi những thống khổ của Luân Hồi (vòng tái sanh) được thành tựu nhờ hai phương tiện:

  1. Pháp môn chế ngự (saṃvara): Pháp môn này cốt ở việc ngăn không cho các đối tượng giác quan như sắc, thinh, hương, vị, xúc đi vào thân, nơi đây theo đức tin của họ, chúng sẽ kết hợp với tự ngã (atman, atta) để tạo ra nghiệp mới. Người ta tin rằng, những nghiệp mới này, đến lượt nó, sẽ tạo ra một kiếp sống mới.
  2. Huỷ diệt quả của của nghiệp quá khứ bằng việc tự hành hạ thân xác. Theo niềm tin của họ thì nhờ phục tùng khổ hạnh họ sẽ chuộc được những quả của nghiệp bất thiện quá khứ (akusala kamma).

Có lần Đức Phật đã hỏi những đạo sĩ loã thể đang hành khổ hạnh: “Các vị nói rằng các vị chịu đựng những khổ đau về thân xác này để làm cạn kiệt những quả của nghiệp bất thiện mà mình đã làm trong những kiếp quá khứ. Thế nhưng, quý vị có biết chắc chắn rằng quý vị thực sự đã phạm những nghiệp bất thiện trong quá khứ chăng? Câu trả lời của họ là không. Đức Phật hỏi thêm, quý vị có biết trước đây quý vị đã tạo bao nhiêu nghiệp bất thiện; và nhờ hành khổ hạnh quý vị đã chuộc được bao nhiêu và còn lại bao nhiêu không?” Những câu trả lời của họ hoàn toàn phủ định…họ không biết gì cả.

Sau đó, để gieo trồng hạt giống trí tuệ cho họ, Đức Phật đã giải thích cho họ biết rằng do không biết có bao nhiêu nghiệp bất thiện trong quá khứ, và cũng không biết đã chuộc được bao nhiêu nghiệp trong số đó, nên việc thực hành khổ hạnh như vậy là vô ích.

Đức Phật nói thêm rằng những ai đang cố gắng giải nghiệp quá khứ bằng sự tự hành hạ thân xác thực sự đã phạm một số nghiệp bất thiện rất lớn.

Đức Bồ-tát trước đây cũng đã chọn những biện pháp thực hành cực đoan nhưng không phải với quan niệm chuộc tội, nếu có, mà ngài chỉ nghĩ rằng những pháp hành ấy sẽ dẫn đến tri kiến thù thắng. Nhưng sau năm năm ráng sức nỗ lực, như trên đã nói, ngài nhận ra rằng pháp hành cực đoan sẽ không dẫn đến tri kiến thù thắng hay trí tuệ và tự hỏi xem có cách nào khác đẫn đến mục đích ngài ấp ủ chăng, và ngài đã từ bỏ pháp hành khổ hạnh ấy.

 

NỖ LỰC KHÔNG LỢI ÍCH

Pháp hành khổ hạnh cũng không liên quan đến những lợi ích đích thực mà người xuất gia đang tìm cầu. Nó chẳng những không liên quan đến những những lý tưởng tu tập thuộc về giới, định và tuệ, mà lại còn không đóng góp gì cho những tiến bộ thế gian. Là một nỗ lực không có lợi ích, chỉ đưa đến khổ thân, pháp hành khổ hạnh, thậm chí còn chứng tỏ là đem lại tai hại cho những người thực hành quá nhiệt tâm. Vì thế nó được xem như hoàn toàn không lợi ích.

Trước khi có sự xuất hiện của Đức Phật Chánh Đẳng Giác, khắp mọi nơi trên đất nước Ấn Độ, khổ hạnh vẫn được mọi người xem là pháp hành cao quý, thánh thiện, thực sự đưa đến giải thoát (khỏi những quả báo của ác nghiệp). Nhóm năm vị Tỳ-kheo cũng chấp giữ quan điểm ấy.

Tuy nhiên Đức Phật nói rằng pháp hành cực đoan ấy chỉ tạo ra khổ, một pháp hành không trong sạch, thấp hèn, không được thực hành bởi các Bậc Thánh. Nó không liên quan đến mục đích người ta đang tìm kiếm. Vì thế Đức Phật khuyên người xuất gia nên tránh cực đoan ấy, không để đắm chìm trong đó.

Thực ra, ở giai đoạn đó, một lời tuyên bố xác định về sự vô ích và không xứng đáng của pháp hành cực đoan là điều cần thiết bởi vì thời buổi ấy không những người ta chấp ‘chỉ có khổ hạnh mới đưa đến tri kiến thù thắng’, mà cả nhóm năm vị Tỳ-kheo cũng chấp nhận đức tin đó. Bao lâu họ còn chấp chặt vào quan niệm này, họ sẽ không dễ gì tiếp nhận giáo lý Bát Thánh Đạo của Đức Phật. Vì thế Đức Phật phải lên án công khai rằng khổ hạnh là pháp hành vô ích và chỉ đưa đến khổ đau thân xác.

Phần cực đoan hay pháp hành cực đoan thứ nhất để cho tâm và thân tự do (theo đuổi các dục lạc) và do đó được xem là quá dễ duôi. Một cái tâm (tự do) không kiểm soát bằng thiền (định hay minh sát) có khả năng chìm sâu vào việc theo đuổi các dục lạc. Chúng ta biết rằng có những vị thầy hiện nay đang dạy pháp xả tâm, đó là thả lỏng cho tâm tự do suy nghĩ. Nhưng bản chất của tâm là phóng túng và đòi hỏi phải có một sự canh chừng thường xuyên. Ngay cả khi đã được kiểm soát liên tục băng thiền, tâm nhiềulúc vẫn lang thang đến những đối tượng của dục lạc. Do đó, một điều hiển nhiên rằng nếu cứ để cho tâm tự do không canh chừng bằng thiền, chắc chắn tự nó sẽ khuếch đại những suy nghĩ về dục lạc.

Phần cực đoan hay pháp hành cực đoan thứ hai thì tự giáng cái khổ lên cho mình bằng cách từ chối những nhu cầu bình thường về ăn và mặc. Đây được xem là pháp hành quá cứng rắn, căng thẳng, tự tước đi của mình sự thoải mái bình thường và như vậy cũng cần phải tránh.

 

 

Các bài viết trong sách

Dhamma Paññā

BQT trang Theravāda cố gắng sưu tầm thông tin tài liệu Dhamma trợ duyên quý độc giả tìm hiểu về Dhamma - Giáo Pháp Bậc Giác Ngộ thuyết giảng suốt 45 năm sau khi Ngài chứng đắc trở thành Đức Phật Chánh Đẳng Chánh Giác vào đêm Rằm tháng 4, tìm hiểu thêm phương pháp thực hành thiền Anapana, thiền Vipassana qua các tài liệu, bài giảng, pháp thoại từ các Thiền Sư, các Bậc Trưởng Lão, Bậc Thiện Trí.

Trả lời

Từ điển
Youtube
Live Stream
Tải app