MA VƯƠNG THUYẾT PHỤC
Trong khi Đức Bồ-tát đang nỗ lực phấn đấu và thực hành khổ hạnh để tự thắng mình thì Ma-Vương (Māra) đi đến và bằng những lời lẽ đầy thương cảm lọc lừa đã thuyết phục Đức Bồ-tát: “Này Hiền giả Cồ-đàm, ngài đã trở nên còm cõi và mang lấy một bộ dạng xấu xí lắm rồi đấy. Ngài nay đang đứng trước thần chết. Cơ hội sống của ngài chỉ còn lại có một phần ngàn. Ôi, này Hiền giả Cồ-đàm! Hãy cố gắng giữ lấy sự sống. Sống vẫn tốt hơn là chết. Nếu ngài còn sống, ngài có thể làm được những việc thiện và tạo được phước báu.”
Những phước báu mà Ma Vương đề cập ở đây không liên hệ gì đến những phước báu tích tạo do bố thí, trì giới, và thực hành đưa đến giải thoát; cũng chẳng phải là những phước báu xuất phát từ việc tu tập Minh Sát và chứng đắc đạo quả. Ma Vương chỉ biết những phước báu có được do sống đời phạm hạnh tránh hành dâm và thờ lửa mà thôi. Thời đó, những pháp hành này được người ta tin là đưa đến một đời sống cao quý, thịnh vượng trong những kiếp tương lai. Nhưng Đức Bồ-tát không còn ham thích những hạnh phúc của sự hiện hữu nữa và ngài đã trả lời Ma Vương như sau: “Này Ma Vương, một mảy may phước báu mà ngươi nói ta cũng không cần đâu. Ngươi hãy đi đi và nói về phước với những ai đang cần nó.”
Liên quan đến lời nói này của Đức Bồ-tát, một sự hiểu lầm đã nảy sanh, cho rằng ngài không cần bất kỳ phước báu nào. Theo cách hiểu đó thì “đối với người đang tầm cầu sự giải thoát khỏi vòng luân hồi giống như Đức Bồ-tát thì phước bỏ, không tìm cầu cũng không tạo tác.” Có lần một người thiện nam nọ đã đến gặp tôi và muốn được sáng tỏ về điểm này. Tôi đã giải thích cho anh ta biết rằng khi Ma Vương nói về phước, ông không nghĩ trong tâm phước báu tích tạo từ những hành động bố thí, trì giới, phát triển tuệ giác qua việc hành thiền hay chứng Đạo. Hay nói đúng hơn ông không biết về chúng. Đức Bồ Tát lúc đó cũng không có sự hiểu biết chính xác về những phúc hành này; ngài chỉ nghĩ rằng thực hành những pháp khổ hạnh sẽ làm cho người ta trở thành con người cao quý. Vì thế khi Đức Bồ-tát nói với Ma Vương, “Ta không cần phước báu,” ngài không hàm ý những hành động phước dẫn đến Niết-Bàn mà chỉ muốn nói đến những việc làm được người thời đó tin rằng sẽ bảo đảm một kiếp sống an vui. Chú giải cũng ủng hộ quan điểm này của chúng tôi. Chú giải tuyên bố, khi nói “Ta không cần phước” đức Bồ-tát chỉ hàm ý phước mà Ma Vương đang nói về, đó là, những phúc hành tạo ra tái sanh trong tương lai. Như vậy có thể kết luận rằng không có vấn đề gì phát sanh đối với quan niệm bỏ làm phước sẽ đưa đến Niết-bàn.
Vào thời đó đức Bồ-tát vẫn thực hành dưới ảo tưởng cho rằng khổ hạnh là phương tiện để đạt đến giác ngộ. Ngài nghĩ như vầy: “Gió này còn thổi cạn được nước sông. Thế thì tại sao khi ta phấn đấu một cách tích cực nó lại chẳng làm khô cạn máu ta được chứ? Khi máu khô cạn, mật và đàm sẽ khô cạn. Khi máu thịt mòn đi, tâm ta sẽ trở nên trong sáng, lúc đó niệm, định và tuệ sẽ được thiết lập một cách vững chắc hơn.”
Ma Vương cũng có ấn tượng sai lầm như thế, ông nghĩ rằng nhịn ăn sẽ đưa đến giác ngộ và giải thoát. Chính sự lo lắng này đã thúc đẩy ông dỗ ngọt đức Bồ-tát tránh đi theo con đường tuyệt thực này. Và cũng với quan niệm sai lầm ấy, nhóm năm vị đạo sĩ (nhóm Kiều-trấn-như) đã hầu hạ ngài, chăm sóc những nhu cầu cần yếu của ngài, hy vọng rằng pháp hành nhịn ăn này sẽ đưa đến sự chứng đắc Phật Quả và lúc đó họ sẽ là những người đầu tiên được tiếp nhận giáo lý giải thoát của ngài. Bởi thế, rõ ràng rằng pháp hành khổ hạnh lúc đó được mọi người tin là con đường chân chính đưa đến Giác Ngộ