ĐỨC BỒ TÁT GIÁC NGỘ
Sự ra đi của năm vị Tỳ kheo đã cho Đức Bồ Tát cơ hội để phấn đấu cho sự giải thoát tối hậu trong sự cô độc hoàn toàn. Mūlapaṇṇāsa (Quyển 2 trang 192) đưa ra một sự mô tả chi tiết việc Đức Bồ Tát đã hành một mình không có ai bên cạnh, suốt nửa tháng, trên bồ đoàn Trí Tuệ (dưới cội BồĐề), và cuối cùng đắc Toàn Giác, sự Giác Ngộ của một vị Phật như thế nào.
Đức Bồ Tát xuất gia năm hai mươi chín tuổi và trải qua sáu năm thực hành khổ hạnh. Giờ đây, ở tuổi ba mươi lăm, vẫn còn trẻ và khoẻ mạnh, nhờ mười lăm ngày thọ dụng những bữa ăn đều đặn, thân thể Ngài đã đầy đặn như trước với ba mươi hai Đại Nhân tướng. Sau khi đã lấy lại sức khoẻ và nghị lực nhờ sự dinh dưỡng bình thường, Đức Bồ Tát hành thiền niệm hơi thở và an trú trong lạc của sơ thiền, được biểu thị bằng tầm, tứ, hỷ, lạc và định. Ở tầng thiền thứ ba, Ngài hưởng thụ hỷ, lạc, và định và ở tầng thiền thứ tư , chỉ còn xả và niệm rõ ràng (nhất tâm).
Sáng sớm ngày trăng tròn (rằm) tháng Tư, Ngài ngồi dưới cội Cây Bồ-Đề, gần ngôi làng Senanigāma chờ đến giờ đi khất thực. Vào lúc đó, nàng Sujātā, con gái của một phú hộ trong ngôi làng ấy, đang sửa soạn cho buổi lễ cúng dường đến vị thọ thần của cây Bồ-Đề. Nàng sai người nữ tỳ đi đến đó trước để dọn dẹp gọn ghẽ khu vực dưới tàn bóng cây thiêng ấy. Khi thấy Đức Bồ Tát ngồi dưới cội cây, người nữ tỳ nghĩ vị chư thiên đã hiện hình ra để thọ nhận lễ cúng dường của họ. Cô vô cùng phấn khích chạy về báo cho nữ chủ của mình biết. Sujātā vội bỏ cơm sữa mà nàng đã nấu từ sáng sớm vào một bình bát bằng vàng trị giá một trăm ngàn đồng tiền vàng. Nàng đậy cái bát ấy bằng một cái bát bằng vàng khác. Rồi nàng mang hai cái bát ấy đến gốc cây nơi Đức Bồ Tát vẫn còn đang ngồi ở đó và đặt vào tay Ngài rồi nói, “Cầu mong những ước nguyện của Ngài được thành tựu giống như ước nguyện của con”. Nói xong cô ra về.
Sujātā khi còn thiếu nữ đã phát nguyện tại cây Bồ-Đề ấy; “Nếu con lấy được một người chồng cùng địa vị, cùng giai cấp với con và nếu đứa con đầu lòng của con là trai, con sẽ cúng dường đến Ngài”. Lời cầu nguyện của cô đã được thành tựu và lễ cúng dường cơm sữa ngày hôm ấy được làm với ý định tạ ơn vị thọ thần đã đáp ứng lời cầu nguyện của cô. Tuy nhiên, sau này khi cô biết rằng Đức Bồ Tát đã đạt đến Giác Ngộ sau khi thọ dụng món cơm sữa mà cô dâng cúng, cô vô cùng hoan hỷ với ý nghĩ rằng cô đã làm được một việc làm cao quý và có phước báu lớn nhất.
Đức Bồ Tát xuống sông Ni-liên-thiền (Nerañjarā ) tắm rửa. Sau khi tắm xong Ngài lấy món cơm sữa mà nàng Sujātā dâng vê thành bốn mươi chín viên và ăn nó. Ăn xong, Ngài ném bát vàng xuống sông và phát nguyện, “Nếu ngày hôm nay tôi thành Phật, hãy cho chiếc bát này trôi ngược dòng”. Chiếc bát trôi ngược dòng nước đang chảy xiết một đoạn khá xa, và khi đến chỗ cư trú của long vương Kāla, nó chìm xuống đáy sông nơi những chiếc bát của ba vị Phật trước còn nằm đó.
Trọn ngày hôm ấy Đức Bồ Tát đã nghỉ ngơi ở trảng rừng gần bờ sông. Khi chiều xuống, Ngài đi về hướng cây Bồ-Đề, trên đường đi Ngài gặp người cắt cỏ tên Soṭṭhiya, và người này đã dâng cho Ngài tám nắm cỏ. Ở Ấn-Độ những bậc hiền sĩ thường sửa soạn chỗ ngồi hoặc chỗ ngủ cho mình bằng cách trải những bó cỏ như thế. Đức Bồ Tát đã trải những nắm cỏ ấy dưới cây Bồ Đề ở mạn phía đông. Rồi, với quyết định long trọng “Nếu chưa đạt được thượng trí tuyệt đối, Ta sẽ không rời khỏi chỗ ngồi này”, Ngài ngồi xuống kiết già trên thảm cỏ xoay mặt về hướng đông.
Ngay lúc ấy Ma-Vương (Māra) xuất hiện và tranh chỗ ngồi dưới gốc cây Bồ-Đề với ý định chống lại quyết tâm của Đức Bồ Tát và ngăn không cho Ngài đạt đến Phật Quả. Bằng cách viện dẫn những ân đức đã tích luỹ qua vô lượng kiếp, hoàn thành Mười Pháp Ba-la-mật như bố thí, trì giới… Ngài đã vượt qua những quấy nhiễu do Ma-Vương thiết đặt trước lúc hoàng hôn. Sau khi đánh bại Ma-Vương (Māra), Đức Bồ Tát tiếp tục hành thiền, và trong canh đầu Ngài đắc túc mệnh minh (trí nhớ các tiền kiếp); canh giữa, thiên nhãn minh; và vào canh chót Ngài quán pháp Duyên Sanh cùng với sự phát triển Minh Sát vào tính chất sanh và diệt của năm thủ uẩn. Thiền Minh Sát này đã lần lượt cho Ngài trí dự phần vào tứ Thánh Đạo, cuối cùng đưa đến sự Giác Ngộ viên mãn hay Toàn Giác Trí.
Sau khi đã trở thành một Bậc Toàn Giác, Ngài dùng bảy ngày trên Bồ Đoàn Trí Tuệ dưới cội Bồ Đề và ở sáu nơi khác mỗi nơi cũng bảy ngày như vậy, tổng cộng là bốn mươi chín ngày, thọ hưởng lạc của Thánh Quả A-la-hán và suy tư rất lâu về hệ thống Giáo Pháp (Dhamma) sâu xa vừa mới chứng ngộ của Ngài.