ĐỨC BỒ TÁT ĐI ĐẾN THÁNH GIẢUDAKA
Sau khi rời nơi đó, đức Bồ-tát tự hành một mình trong một thời gian, theo đuổi con đường An Tịnh tối thượng để đạt đến trạng thái Bất Tử của Niết-Bàn. Lúc đó danh tiếng của Udaka Rāmaputta (con trai của Rāma, đệ tử của thánh giả Rāma) thấu đến tai ngài. Đức Bồ-tát liền đi đến chỗ Udaka và xin được sống đời phạm hạnh dưới pháp và luật của thánh giả Rāma. Những kinh nghiệm của ngài dưới sự hướng dẫn của Udaka, Udaka đã giải thích pháp cho ngài như thế nào, đức Bồ-tát đã bị ấn tượng bởi pháp và luật ấy, và ngài đã thực hành cũng như chứng ngộ pháp rồi thuật lại cho Udaka những gì ngài đạt được ra sao, hầu như đã được mô tả giống hệt với phần nói về Ālāra ở trước.
Tuy nhiên chúng ta phải cẩn thận lưu ý rằng Udaka Rāmaputta, như tên của ông ta đã hàm ý, chỉ là con của Rāma hay đệ tử của Rāma mà thôi. Thánh giả Rāma đã hành xong hết tám thiền chứng và đã đạt đến tầng thiền Phi Tưởng Phi Phi Tưởng Xứ cao nhất. Nhưng khi đức Bồ-tát đi đến chỗ Udaka, thánh giả Rāma không còn nữa. Do đó, khi hỏi Udaka về những chứng đắc của Rāma, đức Bồ-tát đã dùng thì quá khứ “pavedesi”. “Pháp này sẽ dẫn đến mức nào, và Rāma tuyên bố ông đã tự mình chứng nhập được mức nào trong đó?”
Kế tiếp, đoạn kinh mô tả lại việc ý nghĩ này khởi lên nơi đức Bồ-tát: “Không chỉ Rāma có tín, tấn, niệm, định và tuệ. Ta cũng có tín, tấn, niệm, định, và tuệ.” Và ở đoạn này cũng có phần nói rằng Udaka đã lập ngài như một vị đạo sư. “Hiền giả biết pháp này, và Rāma cũng đã biết pháp này. Hiền giả như thế nào Rāma là như vậy và Rāma như thế nào Hiền giả là như vậy. Hãy đến, này hiền giả, hãy lãnh đạo hội chúng này và là đạo sư của họ.” Và một lần nữa đoạn kinh lập lại việc đức Bồ-tát thuật lại “Udaka, đệ tử của Rāma, mặc dù là bạn đồng phạm hạnh của ta, đã lập ta lên làm thầy của vị ấy.”
Những tham chiếu kinh điển này cho thấy rõ rằng đức Bồ-tát đã không gặp thánh giả Rāma, mà chỉ gặp Udaka, đệ tử của Rāma và chính vị này giải thích cho ngài biết pháp mà Rāma đã thực hành. Theo phương pháp Udaka mô ta đức Bồ-tát đã thực hành và chứng nhập được giai đoạn Phi Tưởng Phi Phi Tưởng Xứ. Sau khi đã tự mình học được pháp cũng như tự mình chứng nhập Phi Tưởng Phi Phi Tưởng Xứ thiền giống như Rāma, Udaka đã thỉnh cầu Bồ-tát chấp nhận việc lãnh đạo hội chúng.
Udaka cư ngụ ở đâu và hội chúng của ông bao lớn không thấy nói đến trong văn học Thượng Toạ Bộ. Nhưng Lalitavistra (PhổDiệu Kinh), sử liệu về Đức Phật, của Phật Giáo Bắc Truyền, nói rằng trung tâm thiền của Udaka nằm trong vùng Rājagaha và rằng ông có một hội chúng hơn bảy trăm người. Cũng cần lưu ý rằng vào thời điểm gặp đức Bồ-tát, Udaka vẫn chưa đạt đến Phi Tưởng Phi Phi Tưởng Xứ thiền. Ông giải thích cho đức Bồ-tát chỉ những gì Rāma đã thành tựu mà thôi. Vì thế khi đức Bồ-tát tự chứng tỏ là đã được ngang bằng với thầy của ông ta qua sự chứng đắc Phi Tưởng Phi Phi Tưởng Xứ, ông đã dâng hiến quyền lãnh đạo hội chúng cho đức Bồ-tát. Theo phụ chú giải (Tikā), về sau ông đã ra sức nỗ lực hành theo tấm gương của đức Bồ-tát, và cuối cùng đạt đến tầng thiền Phi Tưởng Phi Phi Tưởng Xứ
Đức Bồ-tát ở lại trung tâm đó, như một người lãnh đạo, chỉ trong một thời gian ngắn. Vì chẳng bao lâu ý nghĩ này khởi lên nơi ngài: “Pháp này không dẫn đến yểm ly, ly tham, cũng không dẫn đến sự an tịnh cho việc đắc các thắng trí, trí tuệ tối thượng và Niết-bàn mà chỉ đến mức Phi Tưởng Phi Phi Tưởng Xứ. Một khi đã sanh về đó, hưởng thọ mạng dài 84,000 kiếp chỉ để quay lui trở lại kiếp sống của các dục lạc và phải chịu nhiều khổ đau. Đây không phải là pháp bất tử ta đang mong mỏi.” Rồi, do không quan tâm đến pháp ấy, pháp chỉ dẫn đến Phi Tưởng Phi Phi Tưởng Xứ thiền, ngài đã từ bỏ nó và rời khỏi trung tâm thiền của Udaka.