ĐỨC BỒ TÁT CAM ĐOAN MỘT LẦN NỮA
Lời tuyên bố của Ālāra khẳng định rằng pháp của ông, nếu thực hành như đã được chỉ dạy, chẳng bao lâu người ta sẽ có thể tự mình chứng ngộ như thầy của mình có vẻ rất đoan chắc và thôi thúc niềm tin. Một giáo pháp thực dụng chỉ đáng tin cậy và có sức thuyết phục khi người ta có thể tự mình chứng ngộ nó trong một thời gian ngắn. Và sự chứng ngộ càng xảy ra sớm, giáo pháp ấy sẽ càng được cổ vũ nhiều hơn. Đức Bồ-tát cảm thấy thoả mãn với những lời của Ālāra và ý nghĩ này khởi lên trong tâm Ngài:
“Không phải chỉ bằng lòng tin mà Ālāra loan báo rằng ông đã học được pháp này. Chắc chắn Ālāra đã tự mình chứng ngộ pháp; chắc chắn ông đã biết và hiểu pháp.” Điều đó là sự thực. Ālāra không hề trích dẫn bất kỳ kinh điển nào như căn cứ (cho lời nói của ông). Ông không nói rằng ông đã nghe được điều đó từ người khác. Ông tuyên bố rõ là ông đã tự mình chứng ngộ những gì mà tự thân ông biết. Một vị thiền sư phải dám tuyên bố sự tin chắc của mình một cách can đảm giống như ông vậy. Không tự thân thực hành pháp, không tự thân kinh nghiệm và chứng ngộ pháp theo cách riêng của mình, mà chỉ học từ những cuốn sách nói về phương pháp hành thiền, rồi tuyên bố là thiền sư, hay thuyết giảng và viết sách về thiền là điều phi lý nhất và không hợp lẽ nhất. Việc làm đó cũng giống như một người thầy thuốc kê đơn thuốc cho bệnh nhân mà chưa hề trắc nghiệm lâm sàng và tự mình thử, và chắc hẳn ông cũng chẳng dám thử trên bản thân mình. Những bài thuyết giáo hay những cuốn sách như vậy chắc chắn không đáng tin cậy và truyền được cảm hứng. Tuy nhiên Ālāra đã can đảm dạy những gì ông tự mình chứng ngộ.
Đức Bồ-tát hoàn toàn bị ấn tượng bởi lời tuyên bố của ông. Và ý nghĩ này khởi lên nơi Ngài: “Không chỉ Ālāra có đức tin, Ta cũng có đức tin; không chỉ Ālāra có tinh tấn, niệm, định và tuệ, Ta cũng có tinh tấn, niêm, định và tuệ.” Rồi Ngài nỗ lực để chứng ngộ pháp đó, pháp mà Ālāra tuyên bố đã tự mình biết, và chứng ngộ. Và, trong thời gian không bao lâu Ngài đã học được pháp dẫn đến thiền chứng vô sở hữu xứ. Rồi Ngài đi đến chỗ Ālāra ở và hỏi xem vô sở hữu xứ thiền mà ông tuyên bố đã tự mình chứng ngộ và an trú, có giống giai đoạn hiện nay Ngài đạt đến hay không. Ālāra trả lời:
“Cho đến mức độ như vậy là pháp này dẫn đến, về pháp ta tuyên bố đã tự mình chứng ngộ và an trú, cũng giống như giai đoạn hiện nay hiền giả Gotama đã đạt đến vậy.” Rồi ông nói lên lời tán dương này: “Hiền giả Gotama thật là một người vô cùng xuất sắc. Vô sở hữu xứ thiền không phải dễ đạt đến. Vậy mà Hiền giả Gotama đã nhanh chóng chứng ngộ nó. Điều đó quả thực là kỳ diệu. Thật là may mắn cho chúng tôi, chúng tôi đã thắp sáng được một đồng phạm hạnh xuất sắc như Tôn giả. Tôi chứng ngộ pháp như thế nào, Hiền giả cũng chứng ngộ pháp như thế ấy. Hiền giả học được pháp ngang mức nào, tôi cũng học được pháp ngang mức ấy như Hiền giả. Hiền giả Gotama đã ngang hàng với tôi về pháp. Ở đây, chúng tôi có một hội chúng lớn. Hãy đến, này Hiền giả, chúng ta sẽ cùng nhau hướng dẫn hội chúng đệ tử này.”
Như vậy Ālāra, người thầy, đã đặt Đức Bồ-tát, là học trò của ông, lên ngang hàng với ông và tôn vinh Đức Bồ-tát bằng cách giao phó cho Ngài công việc hướng dẫn một trăm năm mươi người đệ tử, phân nửa số học trò dưới sự dạy dỗ của ông. Tuy nhiên, Đức Bồ-tát ở lại thiền viện ấy chỉ trong một thời gian ngắn. Trong khi ở lại đó, ý nghĩ này đã đến với Ngài. “Pháp này không dẫn đến sự nhàm chán, ly tham và diệt dục, không đưa đến sự an tịnh cho thắng trí và giác ngộ viên mãn, cũng không đưa đến Niết-Bàn, đoạn tận khổ đau, mà chỉ đưa đến chứng đắc vô sở hữu xứ. Một khi đã sanh lên (cõi vô sở hữu xứ) đó, thọ mạng dài đến sáu mươi ngàn kiếp và sau khi chết ở đó, người ta sẽ tái sanh trong các cõi sống theo nghiệp và trải qua những khổ đau trở lại. Đó không phải là pháp bất tử ta đang mong mỏi.” Như vậy, do không quan tâm tới pháp hành chỉ dẫn đến Vô Sở Hữu Xứ Thiền, Ngài đã từ bỏ nó và rời khỏi thiền viện của Ālāra.