DĨ TÁC TRÍ ĐỐI VỚI ĐẠO ĐẾ

“Taṃkho panidaṃdukkhanirodhagāminī paṭipadā ariyasaccaṃ bhāvita ’ nti me, bhikkhave, pubbe ananussutesu dhammesu cakkhuṃ udapādi, ñāṇaṃudapādi, paññā udapādi, vijjā udapādi, āloko udapādi.”

(“Đây là thánh đế về con đường đưa đến sự diệt khổ và thánh đế này đã được tu tập. Như vậy, này các Tỳ-kheo, đối với các pháp từ trước chưa từng được nghe, nhãn đã sanh khởi nơi ta, trí đã sanh khởi nơi ta, tuệ đã sanh khởi nơi ta; minh đã sanh khởi nơi ta, và quang đã sanh khởi nơi ta.”)

Có thể nói đây là sự thừa nhận của Đức Phật về việc dĩ tác trí (kata ñāṇa) đã sanh khởi như thế nào qua sự phản khán, tức hồi nhớ lại sự hoàn thành của công việc tu tập đạo đế cho đến khi chứng đắc A-la-hán thánh đạo. Ba trí : sự thực trí, phận sự trí, và dĩ tác trí liên quan đến tứ đế đến đây đã được giải thích một cách đầy đủ trong mười hai cách, đó là bốn lần ba trí (3trí x4 đế=12 cách).

Có thể tóm tắt lại mười hai cách này như sau:

  1. Biết Tứ Đế trước, sau, và vào sát-na đạo là sự thực trí (saccāñāṇa).

Biết rằng đây là khổ đế, đây là tập đế, đây là diệt đế, đây là đạo đế, là sự thực trí (saccā ñāṇa). Trí này cũng xuất hiện trước thánh đạo (magga).Đối với các vị đệ tử, sự thực trí liên quan đến diệt đế và đạo đế có được trước Đạo là do nghe (sutamaya:văn tuệ). Diệt Đế (nirodha saccā) cũng được nhận thức qua sự chứng ngộ vào sát-na đạo. Ba đế còn lại được nhận thức vào sát-na đạo bằng sự hoàn thành các phận sự tuệ tri, đoạn trừ, và tu tập, đó là, bằng cách hoàn thành ba phận sự (tisu kiccato), như chú giải nói. Còn việc những trí này được nhận thức sau khi chứng đạo như thế nào đã quá rõ không cần phải giải thích ở đây.

  1. Sự hiểu biết trước những gì phải được biết, những gì phải được đoạn, những gì phải được chứng, và những gì phải được tu là phận sự trí (kicca ñāṇa)

“Rằng khổ (dukkha) phải được tuệ tri (hiểu biết rõ ràng và đầy đủ), tập (samudaya) phải được đoạn trừ, diệt (nirodha) phải được chứng ngộ, và đạo (magga) phải được tu tập trong tự thân mỗi người.” Biết rõ những điều này tạo thành phận sự trí (kicca ñāṇa). Trí này khởi lên trước khi bắt đầu thiền minh sát cũng như trong lúc thiền minh sát, và trước khi thánh đạo (ariya magga) xuất hiện.

  1. Biết rằng phận sự cần làm đã được hoàn thành là Dĩ tác trí (kata ñāṇa).

Trong những công việc hiệp thế có trí hiểu biết về sự hoàn thành khi công việc cần làm đã được làm xong. Cũng vậy, khi bốn nhiệm vụ: tuệ tri, đoạn trừ, chứng ngộ và tu tập đã được làm xong, sự kiện này được biết qua trí phản khán. Đây gọi là dĩ tác trí, trí biết về sự hoàn thành những gì cần phải làm

Những gì chúng tôi đã mô tả là mười hai loại trí (ñāṇa) làm thành từ bốn loại sự thực tri, bốn loại phận sự trí, và bốn loại dĩ tác trí. Trong mười hai trí này, điều quan trọng nhất là phải biết rõ cách sự thực trí sanh khởi và bốn phận sự cần phải làm. Chúng tôi sẽ tóm tắt lại như sau:

  1. Khổ đế phải được hiểu biết rõ ràng và đầy đủ(tuệtri); sự hiểu biết này gọi là thểnhập bằng sự tuệ tri (pariññā paṭivedha).
  2. Tập đế (samudaya) phải được đoạn trừ, sự đoạn trừ này được gọi là thể nhập bằng sự đoạn trừ (pahāna paṭivedha).
  3. Diệt đế phải được chứng ngộ, sựchứng ngộ này được gọi là thể nhập bằng sự chứng ngộ (sacchikriya paṭivedha).
  4. Đạo đế phải được tu tập, sự tu tập này được gọi là thể nhập bằng sự tu tập (bhāvanā paṭivedha).

Tứ đế được biết cùng một lần vào sát-na thánh đạo (ariya magga).

Thực sự, vào sát-na đạo, chỉ một mình diệt đế hay Niết Bàn được nhận thức bằng sự chứng ngộ. Ba đế còn lại (khổ đế, tập đế, và đạo đế) được nhận thức qua sự hoàn thành của những công việc đòi hỏi (phải làm) lần lượt bằng pariññā paṭivedha, pahāna paṭivedha, bhāvanā paṭivedha[1]. Do đó chú giải nói: “Ba đế được biết bằng sự hoàn thành các công việc và diệt đế bằng sự chứng ngộ.”

  1. Khi đạo thấy một trong bốn đế.
  2. Cả bốn tuệthểnhập đều đã được hoàn tất.

Với thánh đạo như thế nào, thì vào sát na thực hành minh sát cũng vậy, nhờ quán một mình khổ đế kể như đối tượng, công việc biết ba đế còn lại cũng đã được làm. Điều này xảy ra theo cách như vầy: các trần cảnh được nhận thức qua thiền minh sát như sự thể hiện của vô thường, khổ, vô ngã, chắc chắn không thể làm khởi lên tham ái (taṇhā) vốn thích thú trong những đối tượng ấy do ảo tưởng về thường, lạc, ngã, tịnh. Đây là thể nhập bằng nhất thời đoạn trừ (tadaṅga pahāna paṭivedha). Vô minh (avijja), sẽ không hiểu lầm đối tượng quán như thường, lạc, ngã, tịnh, và do đó hành (saṅkhāra), thức (viññāṇa)…cũng không có cơ hội để sanh và diệt. Đây là sự chứng ngộ bằng sự diệt tạm thời (tadaṅga nirodha). Minh sát đạo nhận thức các pháp như vô thường, khổ, vô ngã đã được tu tập ở chính sát na hay biết này. Đây là thể nhập bằng sự tu tập (bhāvanā paṭivedha). Như vậy, trong khi hành thiền minh sát bằng cách biết khổ đế qua sự quán, ba đế còn lại kể như đã được hoàn tất bằng sự hoàn thành những công việc thể nhập đoạn trừ, thể nhập chứng ngộ, và thể nhập tu tập. Vì vậy có thể nói rằng vào sát na thực hành minh sát cả bốn đế được nhận thức cùng một lần.

[1] thể nhập bằng sự tuệ tri, thể nhập bằng sự đoạn trừ, thể nhập bằng sự tu tập.

 

 

Các bài viết trong sách

Trả lời

Từ điển
Youtube
Live Stream
Tải app