SỰ THỰC TRÍ ĐỐI VỚI DIỆT ĐẾ
“Idaṃdukkhanirodhaṃariyasacca ’ nti me, bhikkhave, pubbe ananussutesu dhammesu cakkhuṃ udapādi, ñāṇaṃ udapādi, paññā udapādi, vijjā udapādi, āloko udapādi.”
(“Đây là thánh đế về sự diệt khổ. Như vậy, này các Tỳ-kheo, đối với các pháp từ trước chưa từng được nghe, nhãn đã sanh khởi nơi ta, trí đã sanh khởi nơi ta, tuệ đã sanh khởi nơi ta; minh đã sanh khởi nơi ta, và quang đã sanh khởi nơi ta.”)
Chữ ‘Đây’ trong đoạn kinh văn trên muốn nói đến “sự diệt hoàn toàn của tham ái (taṇhā) hay tập đế đã được giải thích nhiều lần, khi tham ái bị thủ tiêu, tất cả những thống khổ của danh, sắc và các hành (saṅkhāras)cũng diệt. Đức Phật nói sự thực trí (saccā ñāṇa), biết sự diệt này là thánh đế về sự diệt khổ, đã khởi lên nơi ngài. Sự thực trí này khởi lên trước và sau thánh đạo và được chứng ngộ vào sát-na đạo.
Về việc trí này khởi lên trước đạo như thế nào, cần phải hiểu là các vị đệ tử Phật đòi hỏi phải có trí này do nghe người khác, tức phải có trí văn. Tuy nhiên Đức Thế Tôn đắc trí này bằng trực giác trí của ngài ngay cả trước khi chứng đắc nhập lưu đạo. Vì thế, ngài tuyên bố: “Đối với các pháp từ trước chưa từng được nghe, nhãn đã sanh khởi nơi ta, trí đã sanh khởi nơi ta, tuệ đã sanh khởi nơi ta; minh đã sanh khởi nơi ta, và quang đã sanh khởi nơi ta.” Vào sát-na đạo, sự thực trí này là một với thánh đạo trí (ariya magga ñāṇa)nhận thức Niết Bàn bằng sự chứng ngộ.